11/12/2012 - 14:32

V-League rớt xuống… giải phong trào

XSKT Cần Thơ (áo trắng) tham gia giải hạng Nhất 2013, yên tâm không lo rớt hạng theo đề xuất của VPF. Ảnh: Minh Thảo

Thông tin về việc V-League 2013 không có đội rớt hạng được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra khiến người hâm mộ giật mình, vì như vậy giải bóng đá hàng đầu Việt Nam từng được nhiều người tung hô là hay nhất Đông Nam Á đang trở thành một giải… tập huấn. Các đội bóng tham gia V-League không còn phải lo khi mà thắng hay thua gì cũng không sợ rớt hạng!

Vẫn là cách làm bóng đá kiểu đối phó khi Hội đồng quản trị VPF đề xuất đưa U-22 Việt Nam tham gia V-League cùng với 11 CLB chuyên nghiệp là Hoàng Anh Gia Lai, Sài Gòn Xuân Thành, Đồng Tâm Long An, Becamex Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, The Vissai Ninh Bình, Kienlongbank Kiên Giang và Thanh Hóa. Một giải gọi là "chuyên nghiệp" nhưng đặc cách cho đội U-22 quốc gia tham dự, điều đó cho thấy sự lúng túng, bị động của cả VPF và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Theo lý giải của tổng giám đốc VPF kiêm phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, đội tuyển U-22 dự V-League nhằm giúp các tuyển thủ trẻ có cơ hội thi đấu tích lũy kinh nghiệm để thực hiện mục tiêu quan trọng là vòng loại Asian Cup và SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013 (!?). Có nhiều cách để giúp U-22 cọ xát, tập huấn hoàn thiện lối chơi, thay vì phải mượn giải đấu của các CLB chuyên nghiệp làm "quân xanh", phục vụ một chiến dịch "ao làng" như SEA Games.

Người ta lo ngại các CLB chủ quản của các tuyển thủ U-22 không chấp nhận để họ tập trung với đội bóng sẽ chống lại mình. Một trong những lý do VFF tin là các CLB sẵn sàng "nhả" cầu thủ tập trung U-22 vì CLB… không có áp lực trụ hạng ở mùa giải 2013. Còn nhớ, mùa giải 2011, VFF tuyên bố sẽ chính thức kết thúc thời kỳ "quá độ", để đưa V-League tiến lên chuyên nghiệp sau 10 năm thử nghiệm. Giờ đây không biết nên gọi giải V-League là "bán chuyên nghiệp" hay chỉ là phong trào. Một giải chuyên nghiệp thì không thể không có đội rớt hạng. Các đội bóng chuyên nghiệp thi đấu mà không cần chạy đua khỏi nhóm chót bảng, thì liệu có động lực để phấn đấu? Cái giải thưởng 10 tỉ đồng cho đội vô địch không thể giúp các đội bóng "nhà nghèo" (mà phải chi ít nhất 35 tỉ đồng dự V-League) "gồng" hết sức để cạnh tranh với các đội "nhà giàu".

Một giải đấu chuyên nghiệp đúng nghĩa thì phải kéo được khán giả đến sân. Muốn thế, giải phải có chất lượng chuyên môn cao, nhờ có nhiều trận đấu chất lượng, gay cấn, có tính chất quan trọng và đua tranh cao. Ít ra ở mùa bóng 2012, khán giả chưa hẳn đã đoạn tuyệt với V-League, nhưng nếu mùa giải 2013 không có đội rớt hạng, cầu thủ không xác định được động lực thi đấu nên dù có đi bộ cũng không có vấn đề gì, thì khán giả còn đến sân để làm gì?

Cám cảnh cho con đường chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, càng lúc càng bế tắc. VFF luôn trong trạng thái phải đối phó với các tình huống, thay vì chủ động để tìm ra cách cứu bóng đá về lâu dài. Có thể, những người có trách nhiệm muốn mùa giải 2013 không đổ vỡ, muốn tiết kiệm tối đa cho các CLB, giảm được tiêu cực… Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, để đối phó với sự đổ vỡ, chứ không thể hiện được tinh thần của bóng đá chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An, nói: "Phương án không có đội rớt hạng ở mùa 2013 sẽ càng làm giảm tính cạnh tranh của các trận đấu. Mọi thứ sẽ diễn ra như một buổi tập và chắc chắn sân sẽ không có khán giả. Mà bóng đá không có người xem nghĩa là bóng đá chết".

Nguyễn Minh

Chia sẻ bài viết