10/01/2012 - 08:57

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND

* Tạo khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn và giáo dục đại học

Phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong hai ngày 10-11/1 để cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án: Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật giám định tư pháp; Luật quảng cáo; Luật biển Việt Nam.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cho ý kiến về các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.

* Ngày 9-1-2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Công đoàn (CĐ sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Đến dự, có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện một số Ủy Ban của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với đại biểu Quốc hội chuyên trách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Luật CĐ sửa đổi và Luật GDĐH đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận. Tuy nhiên, 2 dự án luật này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Luật CĐ sửa đổi có đến 9 vấn đề cần được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện như về địa vị pháp lý của CĐ, quyền gia nhập và hoạt động CĐ của lao động là người nước ngoài, số lượng lao động đủ điều kiện thành lập CĐ cơ sở, hệ thống tổ chức và tên gọi của các cấp CĐ, trách nhiệm trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công,... Đa số các đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải sửa đổi luật này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ. Tuy nhiên, luật cần chỉnh lý, sửa đổi nhiều vấn đề như: Nên có quy định trường hợp thành lập CĐ cơ sở cho số lao động dưới 20 người; thống nhất tên gọi của các cấp công đoàn theo cấp hành chính và ngành, nghề; cho phép người lao động nước ngoài gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam để phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế...

Đối với Luật GDĐH, theo dự thảo có 12 chương, 67 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở GDĐH,... Tại hội nghị, đa số đại biểu không đồng tình với nhiều quy định của dự án luật. Các đại biểu cho rằng, dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu phạm vi điều chỉnh hoạt động của GDĐH. Cụ thể về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở GDĐH không nên có sự phân biệt đại học và đại học quốc gia; cần có tiêu chuẩn cụ thể của tổ chức đánh giá chất lượng GDĐH; không nên cho phép Chủ tịch Hội đồng trường kiêm nhiệm chức danh Hiệu trưởng; vấn đề tự chủ của GDĐH phải quy định cụ thể và cần có lộ trình thực hiện...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu. Đồng thời, cho rằng đây là 2 dự án luật lớn, liên quan đến nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của xã hội. Do đó, các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan để tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chỉnh lý 2 dự án luật.

TTXVN-V.L

Chia sẻ bài viết