* Thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự
Sáng 20-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự.
Thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật không bao gồm việc thi hành các biện pháp tư pháp mà chỉ quy định về tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các hình phạt. Cùng với quan điểm này, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) tán thành với những phân tích của Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) cho rằng căn cứ để ra quyết định thi hành án hình sự là bản án, quyết định của Tòa án, điều đó không có nghĩa là mọi quyết định trong bản án hình sự đều được thi hành theo quy định của Luật này. Ngoài những quyết định về tội phạm và hình phạt, trong bản án hình sự Tòa án còn quyết định về những nội dung khác như án phí, trách nhiệm dân sự... Những nội dung này không điều chỉnh trong Luật Thi hành án hình sự. Trong khi đó, các biện pháp tư pháp đã được Bộ luật Hình sự quy định bao gồm: bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đều không phải là hình phạt, việc thi hành các biện pháp này đang được thực hiện theo trình tự thủ tục hành chính. Về nội dung này, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật cần xác định bao gồm hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án hình sự; trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về các hình phạt chính và hình phạt bổ sung; thi hành án treo; quyền và nghĩa vụ của người phải chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án hình sự.
Về cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, đại biểu Đặng Văn Khanh, Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) ủng hộ quan điểm của dự thảo Luật quy định giao Bộ Công an giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự. Đại biểu Đặng Văn Khanh đánh giá việc tổ chức thực hiện các hình phạt khác như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, tước một số quyền công dân... hiện nay chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính, nên hiệu quả thi hành các hình phạt trên không cao, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Các nội dung khác liên quan đến: hình thức thi hành hình phạt tử hình, việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành hình phạt tử hình; giải quyết cho nhận thi hài, hài cốt, tro cốt của người bị thi hành hình phạt tử hình... đã được các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể.
* Chiều 20-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe và góp ý kiến về Báo cáo công tác năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày và nhấn mạnh: Trong năm 2009, UBTVQH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, giải quyết một khối lượng lớn công việc, đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. UBTVQH đã dành nhiều thời gian chỉ đạo việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội về cả nội dung chương trình, cải tiến cách thức tiến hành, điều hành cho kỳ họp. Trong công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH đã chủ động chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 để trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, UBTVQH đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để Quốc hội xem xét thông qua 11 Luật và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự luật và cho ý kiến 10 dự án luật. Từ tháng 11-2008 đến tháng 10-2009, UBTVQH đã xem xét thông qua 5 pháp lệnh.
Trong năm 2009, UBTVQH cũng đã dành nhiều thời gian tại các phiên họp và tổ chức các đoàn giám sát tại địa phương, cơ sở để nghe báo cáo, giám sát việc triển khai thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách năm 2010... Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị để Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề tại các kỳ họp của Quốc hội, UBTVQH đã trực tiếp tiến hành giám sát hai chuyên đề “Việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La”; “Tổ chức và thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
UBTVQH đã chỉ đạo tập hợp đầy đủ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, lời hứa của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 của Quốc hội, cân nhắc lựa chọn nội dung, cách thức tiến hành, chuẩn bị về mọi mặt để Quốc hội tiến hành chất vấn tại các kỳ họp đảm bảo có sức lôi cuốn, hấp dẫn và có tác dụng thiết thực. UBTVQH tiến hành chất vấn 5 Bộ trưởng thành viên Chính phủ tại các phiên họp của UBTVQH. Công tác giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND được tăng cường, giúp HĐND thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quyết định những chủ trương, giải pháp quan trọng về kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Về công tác đối ngoại của Quốc hội, UBTVHQ đã triển khai đúng đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và khu vực.
Trong năm 2009, UBTVQH đã làm tốt việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và đảm bảo điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; xem xét, quyết định và cho ý kiến một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của UBTVQH.
UBTVQH đánh giá năm 2010 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, năm có ý nghĩa quan trọng của Quốc hội trong việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2007-2011 và cũng là năm có nhiều hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của Quốc hội. UBTVQH đã đề ra phương hướng hoạt động năm 2010 tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng; đề ra và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, sát thực, đổi mới, hiệu quả; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan; củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, các điều kiện đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng của công tác phục vụ, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của UBTVQH, hoan nghênh UBTVQH lần đầu tiên báo cáo và nghe ý kiến góp ý trực tiếp của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường, về tình hình hoạt động và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc làm lần này của UBTVQH thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cần tiếp tục được duy trì trở thành thường lệ tại các kỳ họp sau của Quốc hội. Hoạt động tích cực, có hiệu quả của UBTVQH đã góp phần đảm bảo cho thành công của các kỳ họp Quốc hội, cũng như hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.n
QUỲNH HOA-XUÂN KHU (TTXVN)