10/07/2009 - 07:54

Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội thẩm tra một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực tài chính-ngân sách

Kích thích kinh tế - giải pháp tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Trong 2 ngày 9 và 10-7, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội (khóa XII) dưới sự chủ trì của ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã họp để thực hiện 4 nội dung lớn là: Thẩm tra đề án chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Thẩm tra phương án phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ bổ sung 20.000 tỉ đồng; Nghe Bộ Tài chính báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên và pháp lệnh thuế nhà đất, dự kiến các nội dung cơ bản của dự thảo Luật thuế tài nguyên và Luật thuế nhà đất; Thẩm tra về chính sách thu hồi đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí khi giá dầu thô biến động tăng. Đây là cuộc họp toàn thể thành viên Ủy ban nhằm chuẩn bị cho phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7 này.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho các vấn đề trên, nhằm hoàn chỉnh các đề án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về đề án chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, các đại biểu đã đánh giá cao sự phát triển và trưởng thành của hệ thống Kiểm toán nhà nước thời gian qua và khẳng định Kiểm toán nhà nước không thể thiếu trong hệ thống quản lý nhà nước, hoạt động Kiểm toán Nhà nước đã đóng góp đắc lực vào việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh và góp phần không nhỏ vào công tác chống tham nhũng. Các đại biểu đã cho nhiều ý kiến về qui mô, chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của Kiểm toán Nhà nước những năm qua và thời gian tới, sao cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Chiều 9-7 và ngày 10-7, các đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận các vấn đề phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ bổ sung 20.000 tỉ đồng; các nội dung cơ bản của dự thảo Luật thuế tài nguyên và Luật thuế nhà đất; chính sách thu hồi đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí khi giá dầu thô biến động tăng.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), các gói giải pháp kích thích kinh tế nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN) giảm bớt khó khăn, phục hồi và phát triển đang được thực thi với tốc độ ngày một nhanh hơn, rộng hơn với các đối tượng đã được Chính phủ qui định. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhìn nhận: Tác động của các gói kích thích này sẽ được phát huy mạnh mẽ trong nửa cuối của năm 2009 và tiếp tục đem lại nhiều hiệu quả tích cực xét cả trên bình diện DN và toàn nền kinh tế nếu như được quản lý và giám sát tốt.

Quy mô của hai gói kích thích kinh tế có thể lên tới 160 nghìn tỉ đồng (khoảng 9 tỉ USD), xấp xỉ bằng 10% GDP. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các gói kích thích kinh tế của Việt Nam có quy mô tương đối lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực (kích cầu đầu tư, sản xuất và tiêu dùng) và cho thấy: Bước đầu đã phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo giải quyết những khó khăn trước mắt cho DN, cho các dự án đang thiếu vốn ở các vùng nông thôn, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng...; được DN hưởng ứng và đánh giá cao.

Báo cáo nhanh mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho hay: Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất (4%/năm) bằng đồng Việt Nam tính đến ngày 2-7 đã đạt 372.272,09 tỉ đồng, tăng 4,25% so với trước đó một tuần; trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm trên 15,4%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 66,1%, hộ sản xuất và cá nhân chiếm 18,4%, các tổ chức khác chiếm trên 1%.

Theo Báo cáo của các ngành chức năng, trong thời gian thực hiện gói kích thích thứ nhất, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khả quan; trong quý I/2009 tăng 3,1% so với cùng kỳ 2008. Mức tăng này tuy thấp hơn nhiều so với trung bình các năm nhưng so với bình diện chung thì vẫn đáng mừng bởi trên thế giới chỉ có 12 nước tăng trưởng dương. Và với sự góp sức của gói kích thích kinh tế thứ hai, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện. GDP quý II tăng 3,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm cũng nhích lên, ước tăng 3,7%, trong khi quý I mức tăng là 2,1%...

Các chuyên gia kinh tế khẳng định: Việc được vay với lãi suất ưu đãi đã và đang giúp cho DN giảm khó khăn trong việc vay vốn, giảm chi phí lãi vay, giảm giá thành sản phẩm; từ đó có thêm điều kiện khôi phục sản xuất-kinh doanh, duy trì hoạt động và tạo thêm việc làm; nguồn vốn ứng trước đã giải quyết được những khó khăn trước mắt cho các dự án thiếu vốn ở các vùng nông thôn, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.... Bên cạnh đó, việc miễn, giảm thuế và bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa cũng làm tăng nhu cầu tiêu dùng , kích thích trở lại sản xuất; từ đó giải quyết đầu ra cho DN. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ phát sinh tiêu cực và thất thoát vốn của Chính phủ nếu công tác quản lý không chặt chẽ khi thực hiện đồng thời hai gói kích thích kinh tế này. Việc một số ngân hàng thương mại đang điều chỉnh lãi suất cho vay tương ứng với việc tăng lãi suất huy động vốn nhằm đón đầu gói kích thích kinh tế mới, nhiều chuyên gia e ngại: Điều này sẽ đi ngược lại với chủ trương hỗ trợ lãi suất nhằm chống suy giảm kinh tế của Chính phủ.

BÁ HƯNG - MINH CHÂU (TTXVN)

BÁ HƯNG - MINH CHÂU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết