25/09/2023 - 09:11

Ưu tiên vốn cho ngành hàng lúa gạo, thủy sản vùng ÐBSCL 

Hoạt động ngân hàng trong khu vực ÐBSCL không ngừng cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp (DN), nhất là đối với ngành hàng nông sản. Trong khuôn khổ hội nghị Ðẩy mạnh tín dụng hỗ trợ DN lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của vùng ÐBSCL” tại TP Cần Thơ, ngành Ngân hàng khẳng định tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ưu tiên vốn tín dụng cho DN ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung.

Dây chuyền sản xuất lúa gạo xuất khẩu tại Nhà máy Vĩnh Bình, tỉnh An Giang của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.

Nhận diện thách thức

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ÐBSCL luôn được các tổ chức (TCTD) quan tâm đầu tư, với dư nợ đến cuối tháng 8-2023 gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022; chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5%. Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, ngành ngân hàng tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu thủy sản, lúa gạo thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ÐBSCL đang đối mặt với không ít những khó khăn, như hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp còn thấp, các sản phẩm nông nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu nông sản luôn tiềm ẩn, nhiều DN quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, quản trị hạn chế, không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng...

Nông dân là tác nhân chính trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, hiện tại nông dân rất khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn. Dòng vốn rơi vào tình trạng thắt cổ chai tại các DN. Do đó, cần chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn trên cơ sở nông dân tham gia liên kết sản xuất với DN, có hợp đồng đầu ra, hợp đồng bao tiêu để có cơ sở chứng minh rằng họ có nguồn tiền quay về để trả cho ngân hàng. Nông dân có thể được cung cấp các khoản vay không phải bằng tiền mà quản lý mục đích sử dụng vốn vay bằng cách cung cấp vật tư nông nghiệp, thuốc, phân bón, giống để đảm bảo mục đích sử dụng vốn. Ngân hàng  quản lý được mục đích sử dụng vốn, có tài sản thế chấp là hợp đồng bao tiêu đầu ra cộng thêm quản lý dòng tiền qua tài khoản cá nhân của nông dân, khuyến khích nông dân mở tài khoản để kiểm soát dòng tiền. Ðây là  cơ sở để ngân hàng có cơ chế cho nông dân vay hợp tác sản xuất với DN và giải quyết các nút thắt cổ chai này.

Theo ông Ngô Minh Hiển, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn, tỉnh Cà Mau, ngân hàng thương mại quản lý DN vay vốn theo hạn mức cấp hằng năm, DN nào làm tốt cần được hỗ trợ tăng hạn mức tín dụng trong thời điểm khó khăn để thu mua nguyên liệu cho nông dân. Thay vì đợi đến khi khó khăn được tháo gỡ, DN có nguồn tiền thu từ bán hàng lại không cần dòng tiền vay ngân hàng và nguồn vốn ưu đãi không kịp hỗ trợ nông dân lúc cao điểm. Do đó, các ngân hàng thương mại cần mạnh dạn giải quyết hạn mức linh hoạt cho DN. Quan trọng nhất là nhìn từ góc độ DN, xem DN hoạt động có hiệu quả hay không, vay nguồn tiền để sử dụng làm gì, hàng mua vào có khả năng bán ra được hay không?...

Tăng khả năng hấp thụ vốn

Với vai trò là ngân hàng thương mại dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, triển khai quyết liệt có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, ngoài các giải pháp, chính sách của ngành Ngân hàng, cần có sự tham gia của các bộ, ngành địa phương cùng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là vấn đề môi trường trong sản xuất lúa gạo, thủy sản. Ðồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính của khách hàng để ngân hàng có cơ sở tiếp cận thẩm định và cho vay nhanh chóng nhất. DN cần chủ động xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh khi thị trường phục hồi, tăng cường quản lý dòng tiền, minh bạch tài chính, kịp thời đề xuất ngân hàng các dự án, phương án khả thi tiếp cận được vốn và trình bày các khó khăn vướng mắc để phối hợp xử lý. Các sở, ban, ngành, các hiệp hội DN địa phương tiếp tục hỗ trợ Agribank, kết nối ngân hàng, DN, kịp thời nắm bắt nhu cầu của khách hàng để tháo gỡ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng. Hỗ trợ Agribank cấp tín dụng theo chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đề nghị: Chính phủ, NHNN xem xét xây dựng các chương trình tín dụng xanh cho nông nghiệp nói chung và lúa gạo, thủy sản nói riêng; hỗ trợ, ưu đãi cho các DN phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cần có quy hoạch tổng thể, rõ ràng về các vùng nuôi, vùng trồng, có cơ chế, biện pháp kiểm soát tổng cung, sản lượng của toàn vùng về lúa gạo, thủy sản để kiểm soát giá cả đầu ra và đảm bảo giá cho nông dân. Ðịa phương cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý cho DN, hộ dân để đủ tài sản thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng. Bên cạnh đó, DN hoạt động minh bạch, rõ ràng, để tạo niềm tin tốt, thực hiện tốt các cam kết với ngân hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. BIDV cùng như nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ cấp tín dụng tín chấp cho khách hàng khá cao. Do đó, rất cần DN hoạt động rõ ràng, minh bạch để ngân hàng có niềm tin đẩy mạnh tín dụng, mong DN tập trung đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, không đầu tư ra các lĩnh vực khác ngoài ngành để đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả an toàn.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, các TCTD quan tâm giảm lãi suất đối với các khoản vay mới lẫn khoản vay cũ cho khách hàng, cả lãi suất cho vay nội tệ lẫn ngoại tệ. Tiếp tục cắt giảm các khoản phí và nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm theo điều kiện giải ngân vốn cho khách hàng. Quan tâm chương trình đồng tài trợ vốn vay giữa các ngân hàng đối với các dự án lớn. Tăng cường liên kết cho vay theo chuỗi giá trị, theo từng tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, thủy sản. Vấn đề tài sản đảm bảo thực hiện theo thẩm quyền của các ngân hàng thương mại song phải lưu ý tạo thuận lợi cho DN. Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành tiếp tục đóng vai trò đầu mối kết nối nắm bắt kịp thời khó khăn thực tế để đồng hành cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn hỗ trợ DN tiếp cận vốn. DN trong giai đoạn khó khăn cần cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường. Ðồng thời, tăng cường nguồn lực, minh bạch tài chính, dòng tiền, chia sẻ gắn bó với ngân hàng, chủ động trao đổi khó khăn để đề xuất giải pháp cùng nhau tháo gỡ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết