22/12/2017 - 20:17

Uốn nắn trẻ kịp thời 

Khi phát hiện con trai (4 tuổi) kể câu chuyện hoàn toàn không có thật với mọi người, chị H.H. (quận Bình Thủy) thất vọng và phạt con rất nặng. Bởi chị H. không muốn con có thói quen xấu, ảnh hưởng sự hình thành và phát triển nhân cách sau này. Tuy nhiên theo nhiều người, cách làm này chưa hẳn đúng, có khi còn gây ra phản ứng ngược. Việc ứng xử trước sai lầm và kịp thời uốn nắn trẻ là điều khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm.

Trước việc làm sai trái của trẻ, phụ huynh cần ứng xử khéo léo và uốn nắn kịp thời (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Q.LAM

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng, trong một số trường hợp, trẻ phạm lỗi bắt nguồn từ thái độ hành xử của cha mẹ. Chị Lê Ngọc Linh (Hậu Giang) kể: “Ngày trước, mẹ tôi rất nóng tính, thường đánh đòn mỗi khi tôi phạm lỗi dù bất cứ lý do gì. Cũng vì nguyên nhân này nên lúc nhỏ, tôi rất hay nói dối mẹ để tránh bị đòn…”. Theo lời chị Linh, mỗi khi bị điểm kém hay vô ý làm hư hỏng món đồ gì, chị không dám thú thật với mẹ mà luôn tìm cách che giấu. Đến khi mẹ phát hiện, chị lại cố tình né tránh… Sau này có con, chị Linh rút kinh nghiệm, mỗi lần phát hiện con phạm lỗi, chị nhẹ nhàng nhắc nhở và cùng con tìm hướng khắc phục. Chị Linh bộc bạch: “Bài học đầu tiên tôi dạy con là tính trung thực, nhất là trong học tập. Tôi không đòi hỏi quá cao hay áp đặt con theo ý mình mà luôn tôn trọng sở thích, quyết định của bé. Vì vậy, mỗi khi con gặp khó khăn, điểm kém… đều tìm mẹ tỉ tê, chia sẻ”.

Bên cạnh đó, trẻ con rất hay bắt chước những hành động, việc làm của người lớn nên cha mẹ và người thân trong gia đình phải là tấm gương sáng của trẻ. Trước mặt trẻ nhỏ, người lớn không nên nói dối, nói xấu người khác (dù là những lời nói bông đùa). Điều đó có thể làm nảy sinh thái độ tiêu cực và giảm sút niềm tin, thái độ tôn trọng của trẻ đối với người đó. Anh Trần Thanh Tân (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Có lần, cả gia đình đang ngồi ăn cơm, tôi kể với vợ chuyện đồng nghiệp trong công ty chèn ép nhau bằng lời lẽ thiếu tế nhị, mà không chú ý đến sự hiện diện của con. Mãi sau này, anh bạn đó có dịp ghé nhà, con tôi xụ mặt, không chào hỏi vì cho rằng anh bạn là người xấu”. Sau lần đó, mỗi khi nói chuyện trước mặt con, vợ chồng anh Tân hết sức giữ ý tứ. 

Không chỉ dạy con cư xử và hành động đúng mực, lễ phép với ông bà, cha mẹ, trong gia đình nên có những “quy tắc” xử sự chung để mọi người cùng thực hiện. Chị Nguyễn Thanh Loan (quận Ninh Kiều) nói: “Trẻ con rất bướng bỉnh, thường thích làm theo ý mình, nhất là lứa tuổi mới lớn. Gia đình tôi rất thoải mái để con cái tự do ngôn luận, phát biểu chính kiến nhưng phải trong khuôn khổ cho phép. Khi con làm sai, tôi kịp thời uốn nắn, chớ không bỏ qua, phớt lờ dù cử chỉ, hành động nhỏ”. Tuân thủ quy tắc này, mỗi khi con làm điều sai quấy, chị Loan tìm cách giải thích cặn kẽ và xử lý đến nơi đến chốn. Chị Loan cho biết: “Không chỉ nghiêm khắc uốn nắn, giáo dục con, tôi và người lớn trong gia đình cũng gương mẫu. Bên cạnh đó, qua cách đối nhân xử thế hằng ngày, tôi khéo léo lồng vào những bài học giá trị để giáo dục con”.

ĐAN NHƯ 

Chia sẻ bài viết