19/05/2016 - 21:58

Ươm mầm “Hạt giống hy vọng”

TP Cần Thơ là một trong những địa phương đầu tiên được bà Masako Sakata lựa chọn để trao tặng học bổng "Hạt giống hy vọng". Qua đó lựa chọn và hỗ trợ 6 học sinh, sinh viên (HSSV) là nạn nhân, con em nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) ở các quận, huyện được tiếp tục đến trường. 6 năm qua, nhờ sự trợ lực của học bổng và ý chí vươn lên, các HSSV này gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp, giúp họ thêm tự tin và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Mối lương duyên… da cam

Bà Masako Sakata, nhà làm phim Nhật Bản, có chồng là một quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1967-1970 và sống trong vùng bị quân đội Mỹ rải chất diệt cỏ. Dẫu biết chồng bị nhiễm CĐDC, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng bà Masako vẫn quyết tâm gắn bó, sẻ chia cùng chồng.

Bà Masako Sakata (bên phải) và bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ trong buổi làm việc về chương trình "Hạt giống hy vọng". Ảnh do Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ cung cấp.

Năm 2003, sau hơn 30 năm chung sống, chồng bà qua đời vì bệnh ung thư. Những lần xem lại di ảnh chồng cùng kho tài sản quý là những phóng sự ảnh do chính chồng bà thực hiện sau nhiều chuyến thăm các nạn nhân CĐDC ở Việt Nam, bà quyết tâm lên đường tìm gặp những nạn nhân trong các bức ảnh. Trở về từ chuyến đi đầy cảm xúc đó, bà Masako phối hợp với nhiều nhà làm phim khác thực hiện bộ phim tài liệu về những nạn nhân CĐDC tựa đề: "Chất độc da cam: lời cầu nguyện riêng tư". Năm 2008, bộ phim được Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế về môi trường Ile de France lần thứ 26 trao giải Đặc biệt. Bà ủng hộ toàn bộ số tiền thu được từ bộ phim cho các tổ chức từ thiện hoạt động vì nạn nhân CĐDC, trong đó có Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam. 2 năm sau, gom góp tiền cá nhân và vận động thêm từ bạn bè, bà lập Dự án "Hạt giống hy vọng " (Seed of Hope), trao tặng học bổng cho HSSV là nạn nhân và con em nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Đến nay, bà Masako "gieo" hơn 100 "Hạt giống hy vọng" khắp cả nước, trong đó TP Cần Thơ có 6 em thụ hưởng; mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng (trong 36 tháng). Với tinh thần cầu tiến, vượt khó, hiện nay, hầu hết các "hạt giống" này đều đã nảy mầm, phát triển tươi tốt.

"Hạt giống" nẩy mầm

Chúng tôi tìm gặp em Lê Thị Quỳnh Giao, giáo viên Trường Mầm non Thới Đông 2, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Khác xa hình ảnh cô gái yếu đuối và rụt rè của 4-5 năm về trước, giờ đây trông Quỳnh Giao vô cùng tự tin, tràn đầy năng lượng của một cô giáo dạy trẻ. Nhìn cách Quỳnh Giao chăm sóc và hướng dẫn trẻ tham gia giờ học, giờ chơi hết sức khéo léo, nhiệt tình, ít ai ngờ rằng, Quỳnh Giao từng nặng lòng bao mặc cảm vì bệnh tật và suýt bỏ dở việc học do hoàn cảnh khó khăn.

Cô Quỳnh Giao cùng các học trò nhỏ trong giờ học. Ảnh: Mỹ Tú

Bà Nguyễn Thị Kiều, mẹ Quỳnh Giao, kể: "Quê gốc của tôi ở Rạch Xẻo Xào (huyện Thới Lai). Hồi đó, tôi và mẹ vẫn thường hay đi kiếm củi ở vùng bị quân đội Mỹ rải thuốc diệt cỏ khiến cây cối chết khô. Những lúc đói bụng, tôi hay hái mấy trái cây còn sót lại ăn lót dạ, đâu ngờ bị ảnh hưởng CĐDC. Vợ chồng tôi có 5 người con, Quỳnh Giao áp út, là đứa chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ngay từ khi sinh ra, các khớp ngón tay, ngón chân sưng phù, thường xuyên đau nhức. Gia cảnh nghèo khó, không cục đất chọi chim, quanh năm sống nhờ nghề làm thuê nên tôi không có điều kiện đưa Quỳnh Giao đi chữa trị. Đến 4 tuổi Giao chưa biết đi, không có tóc, mấy khớp ngón tay, ngón chân biến dạng, cong queo. Mọi người râm ran bàn tán, nói con bé bị nhiễm CĐDC, tôi nghe mà lòng hoang mang, lo lắng". May mắn thay, lên 5 tuổi, Giao bắt đầu tập tành bước đi trên đôi chân của mình trong niềm vui sướng tột cùng của gia đình. Cả nhà động viên, kiên trì giúp Giao tập đi, tập cầm viết và đưa đến trường như bạn bè trang lứa. Gia cảnh nghèo túng, chị Hai của Giao học hết lớp 7 thì nghỉ, phụ cha mẹ làm thuê kiếm tiền nuôi các em ăn học. Thấy vậy, mấy chị em của Giao cũng cố gắng làm thuê, kiếm tiền tự trang trải việc học, riêng Giao phải trông nhờ vào sự trợ giúp của gia đình. Nghĩ mình là gánh nặng, sau khi tốt nghiệp THPT, Giao quyết định nghỉ học để cha mẹ có điều kiện lo cho em trai út học đại học. Đúng thời điểm này, Giao là 1 trong 6 HSSV được chọn nhận học bổng của bà Masako Sakata. Với trợ lực này cùng sự động viên của gia đình, Quỳnh Giao phấn khởi đăng ký xét tuyển khóa Trung cấp mầm non do Trường Cao đẳng Cần Thơ liên kết tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cờ Đỏ. Quỳnh Giao chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi ước mơ trở thành cô giáo. Nhưng gia cảnh khó khăn, thêm mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc, nhiều lúc tôi nản lòng, muốn nghỉ học. Được các cấp Hội Nạn nhân CĐDC động viên và bà Masako hỗ trợ học bổng, tôi tự nhủ phải cố gắng vượt khó thực hiện ước mơ để không phụ lòng những người đồng hành cùng tôi. Tuy số tiền 500.000 đồng/tháng không quá lớn, nhưng đã giúp tôi trang trải chi phí sách vở, thực tập làm đồ dùng dạy học cho trẻ…". Một năm sau tốt nghiệp trung cấp và được tuyển dụng làm việc ở Trường Mầm non Thới Đông 2, Quỳnh Giao được Ban Giám hiệu trường tạo điều kiện học liên thông lên Đại học mầm non, để gắn bó lâu dài với nghề.

Qua nhiều khó khăn, thử thách, giờ đây, mỗi ngày khoác lên mình bộ đồng phục giáo viên, hết lòng dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương và được các bé yêu mến, quấn quýt, Quỳnh Giao cảm thấy vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện. Cô Nguyễn Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thới Đông 2, chia sẻ: "Cô Giao rất có năng lực và tâm huyết với nghề, luôn yêu thương và chăm sóc trẻ chu đáo, được phụ huynh tin cậy, Ban Giám hiệu tín nhiệm. Dù hoàn cảnh khó khăn, đến trường bằng xe đạp nhưng cô sẵn sàng đi sớm, về trễ, luôn nỗ lực hoàn thành công việc được giao".

Hy vọng… nhân lên

Trong số 6 HSSV được nhận học bổng "Hạt giống hy vọng", có 2 HSSV khác cũng có nghề nghiệp ổn định. Trong đó, em Võ Văn Hoan, ngụ khu vực 5, phường An Khánh (con cựu chiến binh, thương binh và nạn nhân CĐDC), năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học văn bằng 2 ngành Tài chính ngân hàng, Hoan được Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, chi nhánh ĐBSCL tuyển vào làm việc, với thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng. Còn em Nguyễn Hữu Minh Nhựt, ngụ khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin, đang làm việc cho cơ sở in lụa của người thân ở TP Hồ Chí Minh. 3 "hạt giống" còn lại đang tiếp tục cố gắng học tập là em Nguyễn Thị Bích Liên, ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, đang học ngành Dược sĩ, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn; em Phạm Thảo Ngân, ngụ xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, đang học năm 2 ngành Thuế Nhà nước, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ và em Phạm Thị Minh Nguyệt, ngụ ấp Thạnh Hưng, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, đang là sinh viên năm 3, ngành Sư phạm Anh văn, Trường Đại học Cần Thơ.

Gia cảnh các em rất khó khăn, nhất là Thảo Ngân sức khỏe ngày càng giảm sút, chân phải thường xuyên co giật, trong khi triệu chứng nhức đầu, chóng mặt xuất hiện dày hơn. Riêng Bích Liên và Minh Nguyệt gặp nhiều khó khăn trong trang trải chi phí học tập. May mắn không bị khuyết tật vận động như Nguyệt và Ngân, ngoài giờ học, Bích Liên tranh thủ tìm việc làm thêm như: nhân viên cửa hàng trò chơi điện tử, phụ việc quán ăn, công nhân cơ sở sản xuất tăm… để kiếm tiền theo đuổi việc học. Liên chia sẻ: "Tôi nhận học bổng của bà Masako từ năm lớp 9 đến lớp 11, phần nào giúp cha mẹ tôi nhẹ bớt gánh lo và cho tôi động lực phấn đấu". Tốt nghiệp Trung cấp Dược sĩ loại Giỏi, hiện Bích Liên học tiếp Cao đẳng Dược sĩ với hy vọng sau khi ra trường tìm việc làm ổn định, để có thể sống tự lập.

Theo bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ, qua giới thiệu của Trung ương Hội và Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, các năm qua, nạn nhân CĐDC thành phố được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm nước ngoài quan tâm hỗ trợ như: Hội Cựu chiến binh Mỹ tài trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà, trợ vốn sản xuất, phẫu thuật chỉnh hình… với tổng kinh phí 400 triệu đồng; Đại sứ quán Indonesia tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 120 xe lăn; Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế AC Đan Mạch hỗ trợ học tập và đời sống cho 10 con em nạn nhân ở quận Ninh Kiều và quận Cái Răng; Tổ chức chân giả và xe lăn Mỹ hỗ trợ kinh phí xây hố xí hợp vệ sinh cho 10 gia đình nạn nhân ở huyện Phong Điền; Công ty dầu khí Chevron trao 104 suất học bổng, mỗi suất 1,2 triệu đồng cho con em nạn nhân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố,… Riêng bà Masako tài trợ 6 suất học bổng trong 3 năm, mỗi suất 18 triệu đồng cho HSSV là nạn nhân, con em nạn nhân CĐDC. Sự hỗ trợ của bà giúp các HSSV thêm thuận lợi, vượt quãng đường khá dài trong hành trình học tập.

Tuy nhiên, bà Trần Liên Kiều cho biết thêm: "Hiện nay, còn nhiều HSSV là nạn nhân, con em nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn cần được tiếp sức đến trường. Chúng tôi rất mong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm ngoài nước, giúp HSSV nhân lên niềm tin và hy vọng, phấn đấu vượt khó, vươn lên trong cuộc sống".

Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết