18/03/2008 - 23:15

Ước mơ nhỏ nhoi của mẹ con chị Trang

Hằng ngày, hình ảnh mẹ con chị Trần Thị Trang và em Lê Thanh Toàn, ở khu vực Thạnh Hòa, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đẩy xe rau cải bán dạo ở các ngả đường đã trở nên quen thuộc với bà con trong phường. Hôm ấy, đã quá trưa mà xe rau cải còn khá nhiều, gương mặt chị Trang lộ vẻ lo lắng vì “không bán hết số rau này là hôm nay cầm chắc lỗ vốn vì rau cải rất mau hư, để qua ngày sau rất khó bán”.

Trong căn nhà lá lụp xụp, rách nát, nền đất thấp, ẩm ướt, bà Đặng Thị Vân, mẹ của chị Trang, tiếp chúng tôi với dáng vẻ tiều tụy, xanh xao. Bà vừa mổ ruột thừa nên còn mệt lắm. Lẽ ra, bà phải nằm yên, vết mổ mới mau lành, nhưng thấy cháu con bận bịu, vất vả đi bán kiếm tiền lo cho bà, lòng thêm bứt rứt, xốn xang nên cố gượng dậy dọn dẹp phụ con cháu. Giữa buổi trò chuyện, chị Trang tất tả chạy về, bên dưới chiếc nón lá cũ kỹ là gương mặt u buồn, ẩn chứa nhiều nỗi lo toan.

Hằng ngày, mẹ con chị Trang đẩy xe rau cải bán dạo kiếm tiền sinh sống. 

Nghe có người hỏi chuyện mình, Toàn ngước đôi mắt đen nhánh nhìn chúng tôi. Dáng nhỏ thó, da đen nhẻm, trông Toàn ốm yếu hơn tuổi 12 của mình. Lẽ ra, ở tuổi này, Toàn phải được học hành, vui đùa cùng chúng bạn, nhưng em không được diễm phúc đó. Để được tiếp tục đến trường, chén cơm lót dạ, Toàn phải thức từ 2 giờ sáng để cùng mẹ ra chợ lấy rau cải về đẩy xe bán dạo mỗi ngày. Đến trưa, Toàn chạy nhanh về nhà nấu cơm cho cả nhà, ăn qua quýt rồi vội vã đến trường.

Quê ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, gia đình nghèo, đông chị em, từ nhỏ, chị Trang thường theo mẹ làm mướn kiếm sống, không được học hành nhiều. Năm 19 tuổi, chị Trang lấy chồng về phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Nhà chồng cũng không khá giả, anh chị em có gia đình riêng, tự lập, tự lo. Thời gian đầu, anh Lê Văn Nhì, chồng chị làm nghề phụ hồ, chị đi làm mướn. Hai con trai lần lượt ra đời, cuộc sống thêm chật vật, thiếu thốn, với quá nhiều việc để lo. Má chồng cho mượn chiếc ghe nhỏ, chị bàn với chồng vô vườn mua trái cây giạt, chèo ghe bán lại, kiếm thêm đồng lời. Số tiền vợ chồng kiếm được không đủ trang trải chi tiêu, nên túng thiếu càng thêm túng thiếu. Chị Trang nói qua làn nước mắt: “Vợ chồng lam lũ làm ăn, không dám nghỉ ngơi, chỉ mong sao đủ ăn, đủ mặc mà cũng không xong”. Buôn bán trái cây không xong, lỗ lã, hết vốn, chẳng lẽ ngồi không chờ chết đói, chị lại vay tiền sắm xe rau cải bán dạo. Chị Trang buồn rầu, nói: “Hôm nào bán đắt, hết sớm còn kiếm được 20.000 đồng. Gặp lúc bán chậm, rau cải còn nhiều, hư hỏng, cầm chắc lỗ vốn”.

Người đời thường nói nghèo mắc cái eo, quả thật không sai! Mấy năm trước, Toàn bỗng dưng phát bệnh sốt xuất huyết, nếu không kịp thời chạy chữa thuốc thang, em đã nguy hiểm tính mạng. Cực chẳng đã, chị Trang chạy vay tiền lãi suất cao để điều trị cho Toàn. Toàn may mắn qua khỏi, nhưng sức khỏe rất yếu, trí nhớ kém hẳn, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học. Mới đây, để có tiền chữa bệnh cho mẹ, chị Trang phải tiếp tục vay tiền lãi suất cao. “Món nợ lên trên 8 triệu đồng, không biết đến bao giờ mới trả hết với nghề bán rau cải của tôi” - giọng chị Trang đầy lo lắng. Hiện nay, căn nhà của chị đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Nền đất lại quá thấp, mùa mưa nước ngập lênh láng. Không có tiền sửa chữa, chị Trang xin giấy các - tông, bao bố che chắn tạm bợ.

Ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thường Thạnh, người thường xuyên “cứu đói” gia đình chị Trang, cho biết: “Hễ vận động được gạo, nhu yếu phẩm tôi đều dành phần cho gia đình chị Trang. Tôi còn đi xin quần áo cũ cho cả nhà...”. Ông Võ Chí Trung, Trưởng khu vực Thạnh Hòa, cho biết: “Hiện khu vực còn 15 hộ nghèo, hoàn cảnh chị Trang là khó khăn nhất nên chúng tôi luôn ưu tiên giúp đỡ gạo, quà Tết, tập sách, quần áo cho các cháu. Điều đáng quan tâm hiện nay là làm sao vận động nguồn tiền để sửa chữa nhà cho chị Trang trước khi mùa mưa đến...”.

Mọi người khó quên hình ảnh mẹ con chị Trang lúp xúp bên chiếc xe rau giữa trưa nắng chói chang trên con đường vắng vẻ. Và còn ước mơ rất thơ ngây của Toàn: “Con rất muốn được đi học nhưng chắc mẹ con không lo nổi. Bây giờ, chỉ mong mau lớn để phụ mẹ đi bán rau cải kiếm tiền trả hết nợ cho người ta và cất được căn nhà kín đáo cho ngoại ở, khỏi phải lo trời mưa giông...”.

Rất mong các nhà hảo tâm giúp em Toàn thực hiện ước mơ và có cơ hội tiếp tục đến trường.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết