11/01/2022 - 23:48

Ứng dụng sáng tạo đáp ứng phát triển của thành phố 

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 11, năm 2020-2021 vừa khép lại, đã phát hiện và tôn vinh các sáng kiến, giải pháp hữu ích, phục vụ thiết thực đời sống xã hội. Nhiều giải pháp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm sáng tạo mang tính ứng dụng cao, tiếp cận công nghệ 4.0. Sự hiện đại và hữu ích của các giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Anh Hồ Quốc Hùng - tác giả giải pháp “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP- vào hệ thống nước RO”.

Anh Hồ Quốc Hùng - tác giả giải pháp “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP- vào hệ thống nước RO”.

“Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP- vào hệ thống nước RO” là giải pháp đạt giải Nhì tại hội thi của tác giả Hồ Quốc Hùng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ. Tác giả Hồ Quốc Hùng cho biết, trước bối cảnh xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhu cầu nước sạch ngày càng cấp thiết. Giải pháp này là sự kết hợp công nghệ lọc nước RO hiện đã được phổ biến trên thị trường tích hợp hệ thống trao đổi electron nâng cao ORP- (kháng oxy hóa) trong quá trình lọc nước. Qua nhiều năm và quá trình cải tiến, đến năm 2021, tác giả có bước đột phá trong việc cải tiến hệ thống giúp sản phẩm nước đầu ra giảm được chỉ số tổng rắn hòa tan TDS và chỉ số ORP- đạt mức tương đương với công nghệ máy của Nhật Bản (Kengan). Hệ thống sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược với nhiều lớp màng lọc, nguồn nước uống được đảm bảo đến 99% độ an toàn. Với lợi thế dễ lắp đặt, chi phí đầu tư thấp, quá trình sử dụng tốn ít điện năng, giải pháp của tác giả Hồ Quốc Hùng đã được chuyển giao ứng dụng cho nhiều công ty, đơn vị ở Cần Thơ, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Tháp…

Một điển hình khác là “Giải pháp giám sát lưu lượng, áp lực tại các tuyến ống trong mạng lưới cấp nước sinh hoạt sử dụng nền tảng công nghệ Iot”, đạt giải Nhất hội thi của tác giả Nguyễn Khắc Nguyên (Công ty TNHH Điện - Tự Động Hóa Nguyễn Phát). Giải pháp được thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ Iot với hai thành phần chính là hệ thống các trạm thu thập số liệu (datalogger) và phần mềm WebScada quản lý hệ thống. Việc ứng dụng giải pháp giúp các đơn vị cấp nước giảm tỷ lệ thất thoát nước do phát hiện sớm các sự cố và khoanh vùng tìm rò rỉ, giảm được nhân công ghi thủ công do số liệu được cập nhật liên tục 24/24. Giải pháp còn giúp nâng cao chất lượng phục vụ do kịp thời khắc phục sự cố, đặc biệt là áp lực và lưu lượng nước cấp tới khách hàng sử dụng nước. Hiện giải pháp đã được triển khai thực tế tại nhiều công ty cấp nước trên địa bàn TP Cần Thơ và mang lại hiệu quả rất tốt.

Đó là 2 trong số 38 giải pháp được chọn trao giải tại hội thi lần thứ 11. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, cho biết: Hội thi có 106 giải pháp tham gia, có chất lượng tốt, khả năng ứng dụng cao và nhất là ứng dụng công nghệ vào sáng kiến giải pháp. Các giải pháp đa dạng ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, y dược, an ninh quốc gia, nông nghiệp - tài nguyên môi trường, giáo dục và đào tạo...

Các tác giả nhận giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 11.

Các tác giả nhận giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 11.

Điều đáng ghi nhận ở hội thi năm nay là các giải pháp đều được đầu tư kỹ càng, thử nghiệm thực tế nhiều lần và đã chuyển giao công nghệ, giúp làm lợi cho đời sống xã hội. Có thể kể đến như giải pháp “Nâng cao hiệu quả sản xuất khổ qua bằng kỹ thuật ghép gốc mướp” của nhóm tác giả Trần Thị Ba, Võ Thị Bích Thủy, Trần Văn Toàn, Huỳnh Thị Anh Thư (Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ), đã chuyển giao và ứng dụng tại nhiều địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long... Trái khổ qua ghép gốc mướp chất lượng không khác so với khổ qua thuần chủng nhưng năng suất và chất lượng trái tăng hơn rất nhiều.

Nhóm tác giả Nguyễn Văn Minh Kha, Nguyễn Trường Giang, Trần Thanh Phong (Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ) đã nghiên cứu giải pháp “Chế tạo bấc dùng trong xạ trị bệnh nhân ung thư khoang miệng bằng việc kết hợp Airway và cao su nặng lấy dấu”. Do vật liệu dễ tìm trong bệnh viện, quy trình đơn giản nhân viên y tế dễ thực hiện và hiệu quả cao nên từ khi được Hội đồng Khoa học kỹ thuật bệnh viện thông qua, bệnh viện đã áp dụng tại Khoa Điều trị tia xạ, với rất nhiều lượt bệnh nhân đã được áp dụng. Hiện tại, nhóm đã giới thiệu kỹ thuật này cho bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, nhóm sinh viên, giảng viên xạ trị và y học hạt nhân Trường Đại Học Newcastle (Úc).

Kỹ thuật này còn có thể được nhóm chuyển giao áp dụng trong tất cả các khoa hay đơn vị xạ trị tại các bệnh viện khác nếu có nhu cầu. Nhóm tác giả lý giải thêm: Sáng kiến kết hợp dụng cụ Airway với cao su nặng lấy dấu trong nha khoa tạo ra dụng cụ bấc phù hợp với cấu tạo sinh lý vùng khoang miệng. Do đó, bấc có thể cố định lưỡi, giúp bệnh nhân có độ há miệng không thay đổi và đưa vùng cơ quan lành phía trên ra khỏi vùng chiếu xạ, có thể kết hợp với mặt nạ cố định bệnh nhân giúp giảm sai số và bảo vệ cơ quan lành trong khi chiếu xạ.

Các tác giả đạt giải tại hội thi ngoài các nhà khoa học, người làm công tác nghiên cứu, còn có rất nhiều người là học sinh, sinh viên, nhà giáo, người kinh doanh, nhà nông... đã sáng tạo ra các giải pháp kỹ thuật từ nhu cầu đời sống lao động, sản xuất. Đó là các giải pháp phục vụ việc dạy học của các giáo viên đến từ quận Bình Thủy, quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền... hay giải pháp máy thu hoạch gốc rạ, cỏ... cắt và băm nhuyễn của nhà nông Hoàng Thanh Liêm (Thới Lai)...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Hội thi thật sự là nơi để ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển tài năng, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo kỹ thuật mới, đột phá trong sản xuất. Các sản phẩm đạt giải được quảng bá và chuyển giao đến nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng, từ đó vươn tầm ra khu vực ĐBSCL và cả nước. Ông Hè cũng đề nghị, Ban Tổ chức cần phối hợp chọn lựa những sản phẩm có khả năng ứng dụng cao để kết nối với các cơ quan chức năng, giúp những cá nhân, tập thể hoàn thiện thêm sản phẩm, tiếp cận các nguồn quỹ để đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất.

Những năm gần đây, TP Cần Thơ tập trung ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đời sống xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc tạo lập hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ được chú trọng, với việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho lĩnh vực này cùng với khuyến khích các tổ chức và cá nhân sáng tạo kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật được tổ chức 2 năm 1 lần đã tạo nên nền móng vững chắc cho hệ sinh thái đó.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết