04/03/2014 - 08:57

Ứng dụng nhiều kỹ thuật điều trị mới

Thời gian qua, các bệnh viện (BV) ở TP Cần Thơ tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới. Nhờ đó, nhiều trường hợp trước đây phải chuyển viện đến TP Hồ Chí Minh, giờ đã có thể điều trị tại chỗ. Không những thế, việc triển khai các kỹ thuật mới còn giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân, thân nhân…

* Từ mổ hở đến mổ nội soi

BV Đa khoa TP Cần Thơ là BV đầu tiên ở khu vực ĐBSCL thực hiện kỹ thuật phẫu thuật phình động mạch chủ bụng vào năm 2010. Đến nay, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho 14 bệnh nhân. Theo ghi nhận của BV, đa số người mang bệnh này nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Như bệnh nhân Lâm Kiểm Hóa, 64 tuổi, ở quận Bình Thủy, bị phình động mạch chủ bụng trong khi chờ phẫu thuật, đột ngột đau bụng dữ dội, da niêm trắng bệch, mạch và huyết áp bằng 0. Ê kíp bác sĩ tiến hành cấp cứu khẩn, được chẩn đoán sốc, mất máu do vỡ phình động mạch chủ bụng, xử trí truyền dịch, bơm máu và phẫu thuật cấp cứu mổ bụng đường giữa trên và dưới rốn. Trong ổ bụng bệnh nhân có khoảng 500ml máu loãng, phía sau phúc mạc tụ một khối lượng máu rất lớn từ dưới cơ hoành xuống dưới khung chậu. Các bác sĩ mở phúc mạc kẹp động mạch chủ bụng phía trên khối phình để cầm máu. Sau đó cắt bỏ túi phình, thay bằng ống ghép nhân tạo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe.

Trước đây, khi BV Đa khoa TP Cần Thơ chưa triển khai thực hiện phẫu thuật này, hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dọa vỡ và đã vỡ, vào viện trong tình trạng quá nặng và nguy kịch đều không kịp thời gian chuyển lên tuyến trên cấp cứu. Bác sĩ Phạm Văn Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: Động mạch chủ là nguồn cung cấp máu chính toàn bộ cơ thể. Động mạch chủ bụng nằm ở cạnh cột sống, cung cấp máu chủ yếu các cơ quan trong ổ bụng và phần dưới cơ thể. Động mạch chủ bụng được gọi là phình khi đường kính ngang tăng hơn 50% so với bình thường, phình động mạch thường kết hợp với xơ vữa, làm yếu và hẹp lòng mạch máu, tạo thành một đoạn phình to. Khi túi phình to dần lên, cùng với tăng huyết áp, áp lực máu cao tác động lên thành mạch yếu, gây vỡ động mạch bất cứ lúc nào. Phình động mạch chủ bụng vỡ sẽ khiến lượng máu ồ ạt thoát ra ngoài, dẫn đến tình trạng mất máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Từ khi BV thực hiện phẫu thuật phình động mạch chủ bụng, đã kịp thời xử trí những trường hợp nguy kịch do bệnh lý này.

Ê kíp ca mổ phình động mạch chủ bụng đầu tiên tại Cần Thơ. Ảnh: CTV

Khi mới thành lập, BV Đa khoa TP Cần Thơ áp dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực, để điều trị các bệnh lý về lồng ngực với tỷ lệ thành công cao. Trên cơ sở đó, tháng 3-2012, BV áp dụng phẫu thuật cắt u phổi qua nội soi trong điều trị ung thư phổi. Việc áp dụng phẫu thuật nội soi cắt u phổi có nhiều ưu điểm: đường mổ nhỏ thẩm mỹ, không cần mở ngực nên không gây sang chấn bó mạch thần kinh liên sườn và gãy xương sườn. Mặt khác, do không phải cắt cơ thành ngực, nên sau mổ bệnh nhân ít đau, không bị suy hô hấp. Khoa Ngoại tổng hợp BV Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện ca cắt phổi nội soi đầu tiên cho bệnh nhân Võ Thu Lan, ở quận Bình Thủy, với chẩn đoán u thùy dưới phổi phải, tiểu đường type II. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Đến nay, BV thực hiện thành công gần 20 ca phẫu thuật cắt u phổi nội soi.

Việc triển khai phẫu thuật nội soi cắt u phổi góp phần điều trị thành công ung thư phổi, giảm tỷ lệ tử vong sau mổ cắt u và chỉ định phẫu thuật cắt u rộng rãi hơn. Cùng với các kết quả phẫu thuật nội soi khác, cuối năm 2013, bác sĩ Phạm Văn Phương thực hiện đề tài: "Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi lồng ngực tại BV Đa Khoa TP Cần Thơ" nhằm đánh giá kết quả và nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật nội soi lồng ngực tại BV. Kết quả đề tài nghiên cứu trên thêm một lần nữa khẳng định lợi ích phẫu thuật nội soi lồng ngực, trong đó, nội soi cắt u phổi, có 92% bệnh nhân phẫu thuật thành công, không có trường hợp tai biến, tử vong.

Bằng việc áp dụng các kỹ thuật cao, BV Đa khoa TP Cần Thơ ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc BV cho biết: "Thời gian tới, BV tiếp tục định hướng phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân địa phương và các tỉnh lân cận".

* Cứu sống nhiều bệnh nhi

Trước đây, những bệnh nhi bị rắn lục cắn đều phải chuyển đến TP Hồ Chí Minh điều trị. Sáu tháng nay, nhờ có huyết thanh giải độc tố rắn mà các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Nhi đồng TP Cần Thơ cứu sống nhiều trường hợp bị rắn cắn mà không cần chuyển viện. Như trường hợp Hồ Quỳnh Như, 27 tháng tuổi (tỉnh Hậu Giang), bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân và một bệnh nhi bị rắn cắn vào môi nhập viện gần đây. Cả 2 bé đều rất nguy kịch, các bác sĩ tích cực hồi sức, truyền huyết thanh kháng độc tố. Nếu không có huyết thanh phải chuyển viện, bệnh nhi có thể tử vong dọc đường. Trước khi truyền, các bác sĩ thực hiện đúng quy trình phác đồ, test thuốc; không có biểu hiện bị dị ứng, mới tiến hành truyền cho bệnh nhân. Trước, trong và sau khi truyền, các y, bác sĩ theo dõi bệnh nhân chặt chẽ, liên tục. Bác sĩ Trần Huỳnh Việt Trang, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết: "Dùng huyết thanh kháng nọc tố rắn cắn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: tỷ lệ sốc phản vệ cao, tai biến nhiều. Vì thế, phải có chỉ định như: sưng nề lan nhanh qua hai khớp, chảy máu tại vị trí bị rắn cắn không cầm, xét nghiệm có rối loạn đông máu hoặc giảm tiểu cầu, có biểu hiện liệt (nói ngọng, nuốt sặc), suy hô hấp, trụy mạch, suy thận, tiểu đỏ… mới dùng. Hiện nay, nhiều trường hợp bệnh nhi bị rắn lục cắn được điều trị, vừa giảm nguy cơ trong quá trình chuyển viện (bệnh nhi có thể bị rối loạn đông máu, nguy cơ chảy máu, xuất huyết dọc đường) vừa hiệu quả vì truyền sớm trong 24 giờ".

TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, tỷ lệ trẻ bị tay chân miệng, sốt xuất huyết… khá cao. Trong đó, không ít ca nặng, bệnh nhân có thể tử vong trên đường chuyển viện. Trước tình hình đó, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Nhi đồng TP Cần Thơ triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục vào cuối năm 2012. Kỹ thuật này chỉ định dùng để điều trị bệnh nhi bị tay chân miệng, sốc nhiễm trùng, ong đốt, nhược cơ… nặng. Lọc máu liên tục còn gọi là liệu pháp thay thế thận liên tục. Máu của bệnh nhi đi qua màng lọc vô khuẩn (màng bán thấm), lọc bỏ các phân tử "độc chất" và trả máu tinh khiết cho cơ thể. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy hết sự phức tạp, vì lọc máu liên tục có nhiều biến chứng như nhiễm trùng catheter và nhiễm trùng huyết. Vì thế, chỉ khi bệnh nặng, không còn giải pháp nào điều trị cho bệnh nhân thì bác sĩ mới áp dụng. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân Lê Phú Hoàng, 18 tháng tuổi, ở tỉnh Kiên Giang bị tay chân miệng độ III. Bệnh nhân hôn mê, thở máy, huyết áp không ổn định, sốt dai dẳng không hạ... Bác sĩ tiến hành điều trị nội khoa bằng thuốc Gammaglobulin, đặt nội khí quản, thở máy… nhưng bệnh nhi không đáp ứng, tiếp tục sốt, hôn mê… Bệnh chuyển lên độ IV, không còn cách nào khác, các bác sĩ quyết định lọc máu. Đây là ca đầu tiên khoa tiến hành nên khoa nhờ các bác sĩ ở BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh hỗ trợ. Sau khi gắn máy vào người bệnh nhi, vận hành vài giờ, bác sĩ BV Nhi đồng 1 rút về, các bác sĩ trong khoa chia nhau liên tục túc trực theo dõi trong vòng 24 giờ. Bác sĩ Trần Minh Thành, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, nhớ lại: "Anh em trong khoa chia nhau túc trực suốt, cứ 6 giờ lại xét nghiệm máu một lần. Sau 24 giờ căng thẳng, tình trạng bệnh nhi dần cải thiện, sinh hiệu ổn, hết sốt, mạch và huyết áp ổn định, chúng tôi mới an tâm, thở phào nhẹ nhõm. Trước hiệu quả của kỹ thuật này, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai lọc máu trên bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng, ong đốt …" .

Cùng với BV Đa khoa TP Cần Thơ, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, các bệnh viện khác ở thành phố liên tục triển khai các kỹ thuật mới, góp phần khẳng định trình độ chuyên môn, tay nghề đội ngũ y, bác sĩ cũng như mang lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe người dân.

T. SƯƠNG - Đ.LÝ

Chia sẻ bài viết