13/02/2019 - 12:46

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp 

Để gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, các ngành hữu quan TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy nông dân, trang trại, hợp tác xã (HTX)… tăng cường ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến và bảo quản. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nhà nông, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị nông sản và thu nhập trên cùng đơn vị diện tích được nhiều hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã… áp dụng triển khai. (Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh tại Cần Thơ Farm, quận Bình Thủy)

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, hiện thành phố có 12 công nghệ được chuyển giao (chiếm tỷ lệ khoảng 10% so với tổng số 137 quy trình/công nghệ của toàn vùng ĐBSCL). Để đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, năm qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã triển khai các hội thảo chuyên đề thông tin về những lợi ích kinh tế từ việc ứng dụng giải pháp tưới công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sấy trong chế biến, bảo quản nông sản; đồng thời, chỉ rõ sự cần thiết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ từ khâu sản xuất giống cây, con đến quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản nông sản; ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất để gia tăng chất lượng và giá trị nông sản… Qua đó, đã giúp cho các HTX, trang trại và nông dân trên địa bàn thành phố thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật được xem là giải pháp tiết kiệm sức lao động, gia tăng thu nhập được nhiều nông dân, HTX trên địa bàn thành phố ứng dụng rộng rãi. Ông Lê Việt Trung, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: Qua các hội thảo triển khai, giới thiệu các mô hình ứng dụng công nghệ, giải pháp tưới công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp do ngành chức năng thành phố tổ chức, nhà nông có điều kiện tìm hiểu về lợi ích kinh tế cũng như sự cần thiết phải đầu tư công nghệ vào canh tác nông nghiệp. Theo đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho 8.000m2 vườn sầu riêng. Nhờ có hệ thống tưới nước tự động, tôi không chỉ chủ động được thời gian tưới nước cho vườn sầu riêng, mà còn tiết kiệm được công sức và thời gian chăm sóc so với trước. Đặc biệt, sau 1 năm đưa vào sử dụng hệ thống tưới nước tự động, vườn sầu riêng của gia đình tôi phát triển tốt, ít sâu bệnh, trái sai hơn vụ trước, giúp giảm thiểu chi phí canh tác và tăng lợi nhuận so với trước. Nhà vườn Nguyễn Thanh Bình, thành viên HTX nông nghiệp Thới Thạnh, quận Ô Môn, cho biết: Nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn trái theo quy trình VietGAP và nguồn vốn hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động từ các ngành chức năng thành phố, giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng cây ăn trái. Ước tính, với diện tích 1.200m2 trồng cam xoàn, năng suất thu hoạch đạt từ 3-5 tấn/công, bán với giá từ 30.000 đồng/kg, nhà vườn sẽ lời 50 triệu đồng/công, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình.

Vừa đầu tư nhà lưới, vừa áp dụng quy trình VietGAP để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng nông sản theo nhu cầu doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản cho nông dân là hướng đi được Ban Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy vận động xã viên cùng thực hiện. Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: Ban đầu HTX có hơn 10ha diện tích trồng rau màu, nhưng nay giảm chỉ còn 6ha do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa. Từ thực trạng diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, đòi hỏi Ban Giám đốc HTX phải nỗ lực, tìm kiếm đối tác liên kết cùng thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng giá trị sản xuất rau màu trên cùng một diện tích đất. Hiện, HTX có 8.000m2 đất trồng rau màu được doanh nghiệp đầu tư hệ thống tưới nước tự động kết hợp mô hình nhà lưới. Theo đó, từ khâu chọn giống, gieo trồng, tới chăm sóc, thu hoạch các loại rau muống, mồng tơi, cải, cà chua,… trong nhà lưới, HTX đều phải tuân thủ và làm theo quy trình VietGAP. Ông Lê Quang Phủ, thành viên HTX rau an toàn Long Tuyền, cho biết: Điểm ưu việt của canh tác rau màu theo quy trình VietGAP trong nhà lưới là rau màu tránh được sâu bệnh, năng suất và chất lượng đảm bảo đạt cao hơn so với bên ngoài. Nhờ đó, rau màu của HTX được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường, giúp nhà nông yên tâm sản xuất, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế hộ. 

Áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập nhà nông, HTX… Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các sở, ngành hữu quan thành phố, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ, đầu tư vốn cũng như chuyển giao tập huấn kỹ thuật cho nông dân, HTX. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy nông dân, các trang trại, HTX,… mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung sản xuất các loại rau màu, trái cây... theo quy trình GAP, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và hướng đến xuất khẩu. Cùng với đó, triển khai hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể các HTX nông nghiệp, trang trại; tăng cường thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, từng bước hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết