04/06/2013 - 20:48

ÔNG PHẠM VĂN QUỲNH, GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TP CẦN THƠ:

Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cần liên tục, “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn tại 36 xã thuộc 4 huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng khởi sắc, kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công cuộc XDNTM ở TP Cần Thơ vẫn bị tác động bởi những yếu tố chủ quan lẫn khách quan ảnh hưởng đến định hướng chung, làm trì hoãn tiến độ.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM TP Cần Thơ, cho biết:

 

- Hiện 36/36 xã trên địa bàn thành phố hoàn thành công tác quy hoạch, đề án XDNTM cấp xã đã được phê duyệt. Các xã đang tiến hành thực hiện quy hoạch chi tiết và đang triển khai cắm mốc, bố trí bản đồ... để công bố quy hoạch ra dân. Ngay từ khi bắt tay vào XDNTM Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM thành phố đã yêu cầu các huyện đưa nhiệm vụ XDNTM vào kế hoạch hàng năm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trên cơ sở các tiêu chí có liên quan đến các ban, ngành. Nhờ đó, đến nay thành phố có 3 xã đạt từ 14 đến 19 tiêu chí, 12 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí, 16 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Riêng 2 xã điểm của thành phố: xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) và Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) đạt 19/20 tiêu chí.

Việc tuyên truyền XDNTM được xã lồng ghép khéo léo thông trong các cuộc họp, hội nghị, các buổi họp dân; thông qua các hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ... giúp người dân dần hiểu rõ về XDNTM. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tham gia hiến đất, ủng hộ tiền, hiện vật, đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông, tham gia giám sát công trình... Người dân còn tự sửa sang hàng rào, chỉnh trang nhà cửa; tăng cường liên kết trong sản xuất như tham gia vào mô hình "cánh đồng lớn"...

* Thưa ông, đâu là những khó khăn trong công tác XDNTM ở TP Cần Thơ đang gặp phải?

- Văn phòng Điều phối XDNTM ở TP Cần Thơ vẫn chưa được thành lập, đa phần cán bộ thực hiện chương trình theo chế độ kiêm nhiệm, còn thiếu kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là vốn đầu tư XDNTM. Nguồn ngân sách còn hạn hẹp, trong khi một bộ phận cán bộ, người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của chương trình, coi XDNTM là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, vốn hoàn toàn do Nhà nước hỗ trợ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bên cạnh đó, phần lớn các xã XDNTM trên địa bàn thành phố có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khả năng huy động vốn trong dân gặp không ít trở ngại.

Xác định doanh nghiệp giữ vai trò "đòn bẩy" trong XDNTM, thời gian qua, thành phố chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực sự thiết tha với bà con không nhiều. Nguyên nhân chính do những chính sách chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nên chưa tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp.

* Theo kế hoạch, 2 xã điểm của thành phố phấn đấu được công nhận là xã nông thôn mới trong năm 2013. Để hoàn thành mục tiêu này, lãnh đạo thành phố có những biện pháp chỉ đạo như thế nào thưa ông?

- Hiện 2 xã điểm của thành phố đã đạt 19/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Tuy nhiên, quan điểm XDNTM do thành phố đề ra không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí mà phải làm cho bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay, đời sống của người dân từng bước phải được cải thiện. Do vậy, ngoài mục tiêu hoàn thành tiêu chí chưa đạt: tiêu chí về chợ (xã Mỹ Khánh) và tiêu chí về trường học (xã Trung An), các xã này cũng tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt. Mỹ Khánh và Trung An được xem là 2 mô hình kiểu mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các xã XDNTM trên địa bàn thành phố. Do đó, thành phố sẽ hỗ trợ 2 xã xây dựng các công trình, tuyến đường kiểu mẫu, các mô hình điểm về kinh tế hộ để tạo điểm nhấn và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, 2 xã cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bề nổi qua hệ thống băng-rôn; vận động người dân chỉnh trang nhà cửa; cải tạo vườn cây, ao cá; phát quang các tuyến giao thông tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp…

* Thưa ông, thời gian tới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM ở TP Cần Thơ tập trung vào những công tác trọng tâm nào?

- Theo kế hoạch, năm 2013, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu mỗi xã đạt thêm 1 tiêu chí, các xã điểm của huyện đạt ít nhất 2-3 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo các huyện cần tập trung cho công tác quy hoạch chi tiết, hỗ trợ các xã rà soát quy hoạch và xây dựng pano công bố bản đồ quy hoạch XDNTM ra dân. Đối với đề án XDNTM cấp xã tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung các nội dung cho phù hợp với Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2020.

Tùy vào điều kiện từng địa phương, các xã cần xác định tiêu chí mang tính đột phá, người dân quan tâm ưu tiên thực hiện trước. 

Về việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương cần xác định việc thực hiện những tiêu chí mang tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó tập trung cho các tiêu chí phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho bà con như mô hình "Cánh đồng lớn"... Đây là khâu then chốt hình thành những vùng chuyên canh với những sản phẩm chiến lược phù hợp với lợi thế của từng vùng và nhu cầu của thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng trạm bơm điện, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa...

Trong XDNTM, sức dân là "sức bền", người dân là chủ thể, đồng thời là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích từ công cuộc XDNTM. Do đó, Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, bám sát phương châm "dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp". Qua đó, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc giúp người dân chuyển biến về mặt nhận thức, tạo sự đồng thuận, qua đó huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết