17/10/2019 - 09:25

Tương lai máy tính hộp SFF 

Các ổ đĩa quang và ổ cứng truyền thống đang bị thay thế bởi các dịch vụ truyền phát video và ổ đĩa SSD. Do đó, các thùng máy thiết kế ATX cồng kềnh cũng sẽ nhường đường cho các máy tính dạng hộp nhỏ gọn bằng bàn tay (SFF).

Máy tính hộp SFF sẽ là xu hướng lựa chọn mới của người dùng máy tính phổ thông. 

Trang tin FanlessTech cho biết nhà sản xuất bộ xử lý AMD đang ráo riết phát triển các mẫu máy tính dạng hộp SFF để cạnh tranh với dòng máy tính NUC hiện tại của đối thủ Intel. Trong khi các bộ xử lý nhúng Ryzen Embedded của AMD đã có mặt trên các máy tính bo mạch, như của ASRock, máy tính hộp SFF sắp tới của AMD sẽ được trang bị các thành phần mạnh mẽ hơn.

Theo báo cáo doanh số máy tính sơ bộ quý 3-2019 vừa được công ty Gartner công bố, doanh số máy tính sụt giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 5,3% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh số toàn cầu tăng 1,1%, được trợ lực một phần từ sự gia tăng mua sắm ở Nhật Bản trước khi bị tăng thuế bán ra. Mặc dù Gartner không đưa ra doanh số máy tính hộp SFF cụ thể, xu hướng chung vẫn là máy tính dạng hộp sẽ ngày càng nhỏ hơn và SFF hướng tới sẽ là sự lựa chọn phổ biến cho các doanh nghiệp. Sự gia nhập của AMD vào thị trường máy tính hộp SFF càng khẳng định thêm rằng tương lai của máy tính đang chuyển dần từ các máy tính thiết kế ATX cồng kềnh sang những máy tính nhỏ gọn, chuyên biệt hơn.

Thực tế, các máy tính hộp SFF đã ra đời cách đây vài năm, với công ty Shuttle là một trong những tên tuổi hàng đầu về sản xuất các hệ thống tính toán nhúng và tiết kiệm không gian. Thông thường, các máy tính hộp SFF được bán với bộ nhớ và ổ đĩa lưu trữ tích hợp. Tuy nhiên, Intel lại bán các máy tính NUC của hãng ở dạng các bộ khung, đồng thời yêu cầu người dùng phải bổ sung bộ nhớ và ổ đĩa lưu trữ. Bù lại, các máy tính NUC nhỏ hơn đáng kể so với các máy tính hộp SFF của các nhà sản xuất khác, với dòng sản phẩm Coffee Lake hiện tại có kích thước chỉ 116,8 x 111,8 x 50,8 mm.

Intel đã tung ra máy tính NUC đầu tiên hồi năm 2013, làm dấy lên suy đoán rằng AMD cũng sẽ tung ra một sản phẩm tương tự để chạy đua. Máy tính NUC thế hệ đầu tiên được trang bị bộ xử lý Celeron hiệu năng tương đối thấp. Các thế hệ tiếp theo đã được nâng cấp lên các bộ xử lý Core i5 15W và máy tính NUC Skull Canyon thế hệ thứ 6 dành cho những người chơi game đã trở thành sản phẩm đầu tiên chạy bộ xử lý Core i7 45W.

AMD cũng không phải tên tuổi xa lạ trên các máy tính NUC. Máy tính NUC Hades Canyon trang bị bộ xử lý Intel Kaby Lake-G, tích hợp bộ xử lý đồ họa AMD Radeon RX Vega M GPU với CPU Intel thế hệ thứ 8, từng đánh dấu sự hợp tác hiếm hoi giữa AMD với Intel và là máy tính NUC đầu tiên có bộ xử lý đồ họa rời. Intel đang có kế hoạch phát triển bộ xử lý đồ họa riêng, để hướng tới biến thiết kế Hades Canyon thành một sản phẩm riêng và Intel cũng đã công bố ngừng sản xuất các bộ xử lý Kaby Lake-G để mở đường cho các lựa chọn xử lý đồ họa rời của Intel.

Apple cũng đã thấy được sức hấp dẫn của các máy tính hộp SFF, với dòng sản phẩm Mac Mini (chạy bộ xử lý Intel) cho phép người dùng hệ điều hành Mac OS có thể tự trang bị màn hình và bàn phím, mà không cần phải trả một số tiền rất lớn cho máy tính Mac Pro. Mac Mini 2018 có giá khởi điểm chỉ 799 USD, trong khi Mac Pro 2019 có giá khởi điểm đến 5.999 USD, nằm ngoài tầm với của nhiều người dùng.

Các máy tính chơi game hạng nặng và chuyên nghiệp sẽ còn tiếp tục phải sử dụng thiết kế ATX cồng kềnh kiểu cũ trong thời gian không ngắn nữa, nhưng sự đẩy mạnh gia nhập thị trường máy tính hộp SFF của một tên tuổi hàng đầu như AMD hứa hẹn sẽ dẫn lối thị trường máy tính cho người dùng phổ thông sang hướng các máy tính nhỏ gọn. Máy tính hộp SFF sẽ mang đến một “luồng gió mới” cho thị trường máy tính phổ thông đang rất trầm lắng và sẽ là tương lai của máy tính.l

LÊ PHI (Theo Tech Republic)

Chia sẻ bài viết