Các cấp bộ Đoàn trên địa bàn TP Cần Thơ luôn tích cực thực hiện các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) với mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) và người dân về việc ứng dụng công nghệ số. Nổi bật là tập huấn, nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho ĐVTN; đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của Đoàn; triển khai các đội hình tình nguyện hướng dẫn người dân CĐS... góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
Trang bị kỹ năng số cho người trẻ
Nâng cao năng lực số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024, được Đoàn bộ thành phố đề ra. Theo Thành đoàn Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, tất cả quận, huyện Đoàn và tương đương đã tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi, người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng số; hướng dẫn ĐVTN cài đặt ứng dụng “Thanh niên Việt Nam” trên điện thoại thông minh và tham gia các cuộc thi, sân chơi kiến thức, kỹ năng về an toàn trên không gian mạng. Đến giữa tháng 10-2024, tuổi trẻ thành phố đã tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho hơn 57.000 lượt người dân và thanh niên, thiếu nhi.
ĐVTN phường An Phú, quận Ninh Kiều tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử. Ảnh: CTV
Quận đoàn Ninh Kiều vừa đưa nội dung tập huấn kỹ năng truyền thông trên môi trường mạng vào chương trình tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng dành cho cán bộ Đoàn - Hội khối địa bàn dân cư và khối trường học. Theo đó, 150 cán bộ Đoàn - Hội được báo cáo viên tập huấn kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội; kỹ năng tìm kiếm thông tin và truy xuất dữ liệu phục vụ học tập, nghiên cứu và phương pháp khai thác các ứng dụng số trong thiết kế các ấn phẩm phục vụ hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Trong tháng 10-2024, Quận đoàn Ninh Kiều phối hợp Viettel Ninh Kiều tập huấn nghiệp vụ CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt cho 90 ĐVTN trên địa bàn 11 phường.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cấp bộ Đoàn thành phố đã tổ chức hơn 30 lớp tập huấn cho gần 5.000 lượt cán bộ Đoàn - Hội - Đội, ĐVTN. Các học viên được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục; kỹ năng sử dụng các nền tảng trực tuyến như Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công thành phố, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
CĐS trong các hoạt động
Các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều mô hình, cách làm trong CĐS, như tận dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đoàn; hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ” qua mã QR; ứng dụng công nghệ số trong việc triển khai các cuộc thi trực tuyến. Đoàn bộ thành phố tập huấn các đơn vị triển khai thực hiện công tác quản lý đoàn viên trên phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn viên. Qua đó, giúp số hóa toàn bộ dữ liệu đoàn viên trên cả nước. Tùy theo điều kiện thực tế, các cơ sở Đoàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, phong trào.
Theo chị Phan Anh Trang, Bí thư Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng thành phố, Ban Thường vụ Đoàn khối chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc tăng cường khai thác tiện ích từ nền tảng trực tuyến, nhất là mạng xã hội nhằm thúc đẩy CĐS hoạt động của Đoàn. Một số đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, như Đoàn cơ sở Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ triển khai chương trình “CĐS vì sức khỏe phổi”. Hơn 50 bệnh nhân được khám sàng lọc qua bộ câu hỏi, kết hợp trí tuệ nhân tạo, khám và chụp X-quang phổi, kiểm tra chức năng hô hấp. Hay như Đoàn cơ sở Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức chương trình livestream (phát trực tiếp) hội thảo “Thanh niên với các vấn đề về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe sinh sản”, thu hút hàng ngàn người theo dõi. Tuổi trẻ Đoàn khối còn thành lập các đội hình hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến.
Trong tháng 10-2024, tất cả 22 đơn vị trực thuộc Thành đoàn đều tổ chức ra quân hưởng ứng Ngày CĐS (10-10). Tuổi trẻ các đơn vị hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời phát tờ rơi tuyên truyền về ứng dụng CĐS đến tiểu thương và người dân tại các chợ. Riêng Quận đoàn Ô Môn ra mắt công trình thanh niên “Số hóa các di tích cấp thành phố trên địa bàn quận Ô Môn”. Theo đó, có 5 di tích lịch sử - văn hóa được tích hợp thông tin bằng mã QR, gồm: đình Thới An, đình Phú Luông, Linh Sơn Cổ Miếu, chùa Pôthi Somrôn và chùa Cảm Thiên Đại Đế. Người dùng sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để tìm hiểu thông tin về di tích như lịch sử hình thành, nét đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa. Việc số hóa các di tích lịch sử - văn hóa là cầu nối đưa di tích đến gần hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương, quảng bá hình ảnh di tích đến với nhiều người.
Các cấp bộ Đoàn và ĐVTN bằng sự nhạy bén trong tư duy, sáng tạo trong cách tiếp cận, đã và đang cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả công cuộc CĐS, ứng dụng công nghệ số, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
TÚ ANH