Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro về gian lận, hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh doanh... Theo các chuyên gia, kinh doanh liêm chính là giấy phép thông hành để DN tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tuân thủ các quy định pháp luật, thực hiện kinh doanh liêm chính là điều kiện để DN khởi nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng niềm tin từ khách hàng, từ các nhà đầu tư.
DN khởi nghiệp là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về kinh doanh liêm chính. Trong ảnh: DN thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại Bộ phận một cửa, Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ.
Thúc đẩy kinh doanh liêm chính
Mới đây Tạp chí Diễn đàn DN trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề "Tuân thủ và liêm chính: Nền tảng cho khởi nghiệp thành công". Ðây là một Hợp phần của dự án vùng về thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ. Theo đó, UNDP phối hợp cùng các cơ quan Chính phủ, các DN để tăng cường thực hiện các chính sách và các quy phạm pháp luật về chống tham nhũng, thúc đẩy các thực tiễn về liêm chính kinh doanh cũng như trách nhiệm của DN ở 6 quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: VCCI đã phối hợp với UNDP triển khai nhiều chương trình hành động thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh để khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng DN Việt Nam cùng liên kết chặt chẽ để thực hiện liêm chính trong kinh doanh, vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham nhũng, hướng đến tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng. VCCI tổ chức nhiều chương trình hành động cụ thể trong đó liêm chính DN là một trong những nội hàm chính của quá trình phát triển bền vững. Ðặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp là nhóm đối tượng được quan tâm để hỗ trợ kinh doanh liêm chính.
Theo ông Darko Pavlovic, Quản lý Dự án "Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN", UNDP khu vực tại Bangkok chia sẻ: "Tham nhũng làm méo mó thị trường, làm giảm sự phát triển kinh tế và hạn chế đầu tư nước ngoài. Vì thế, các DN phải đấu tranh chống tham nhũng ở bất kỳ hình thức nào, trong đó có việc vòi vĩnh và hối lộ. Các DN khởi nghiệp cũng như các doanh nhân trẻ ở Việt Nam có thể gặp phải những vấn đề thách thức trong vấn đề hệ thống pháp lý và quy định còn phức tạp; vấn đề quản lý các hoạt động kinh doanh cũng như quy trình, thủ tục hành chính nếu không có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới, đành phải lựa chọn những biện pháp phi chính thức trong đó có hối lộ, đút lót để giải quyết các vấn đề này.
Tuy nhiên, một thế hệ mới các doanh nhân không muốn đi theo con đường này. Theo kết quả khảo sát liêm chính, trong giới trẻ Việt Nam của Tổ chức hướng tới minh bạch thực hiện vào năm 2019 gần như tất cả những người trả lời đều khẳng định rằng tham nhũng và thiếu tính liêm chính là điều có hại cho thế hệ của họ, cho nền kinh tế và cho sự phát triển DN của Việt Nam. Tuy nhiên hơn ¾ người trả lời cho rằng họ chưa được biết và chưa có kiến thức gì về liêm chính và các quy định liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Vì thế, DN cần được tiếp cận các khuôn khổ pháp lý, những kinh nghiệm hay, những điển hình tốt cũng như những cách thức liên quan đến thực hiện liêm chính DN đối với các DN khởi nghiệp cũng như các doanh nhân trẻ. Ðồng thời, phản hồi từ các DN có thể giúp cho Chính phủ Việt Nam cùng UNDP nắm bắt rõ hơn cần giúp đỡ như thế nào để thúc đẩy quá trình liêm chính với tư cách nền tảng của kinh doanh".
Chung tay hành động
DN muốn thực hiện kinh doanh liêm chính không chỉ ông chủ và nhân viên chấp hành độc lập mà cần có bộ quy tắc ứng xử về kinh doanh liêm chính để thực hiện đồng bộ trong DN một cách thuận lợi. Chia sẻ bài học về thực hiện quy tắc ứng xử trong việc kinh doanh liêm chính, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Ðồng sáng lập và Giám đốc Công ty VinaCrab, cho biết: "Thực hiện liêm chính của DN khởi nghiệp bắt đầu từ thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, về thuế, về lao động, bảo hiểm xã hội. Với đối tác phải chính trực, phải giữ niềm tin, làm đúng cam kết giữa 2 bên. DN phải tuân thủ bộ quy tắc ứng xử nội bộ, quy trình nội bộ, các nội quy, quy định để làm nền tảng vượt qua các giai đoạn khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp. Liêm chính cũng rất quan trọng trong khâu gọi vốn. Do đó, khi đặt nền móng xây dựng DN, bộ phận kế toán, cơ cấu tài chính đã được thiết lập ngay từ đầu và bản thân người điều hành, hội đồng quản trị làm tốt sẽ hỗ trợ gọi vốn thành công".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Thanh tra Chính phủ, khuôn khổ pháp lý cho phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh hiện nay trong Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng đã mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước thay vì chỉ tập trung vào khu vực công như trước đối với 3 tội gồm nhận hối lộ, tham ô nhận hối lộ và đưa và môi giới nhận hối lộ. Do đó, các DN tiếp tục tăng cường sự tham gia của mình cùng với cộng đồng để thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ. Làm sao để các DN Việt Nam và cộng đồng DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả các DN Việt Nam hoạt động ở nước ngoài cũng phải tuân thủ, đáp ứng các tiêu chí chung về phòng chống tham nhũng theo những tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế và phục vụ trực tiếp cho công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay.
Theo ông Darko Pavlovic, ở cấp độ khu vực, UNDP đã thành lập Trung tâm Liêm chính về kinh doanh công bằng hỗ trợ cung cấp kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức cho các Chính phủ, các DN, các tổ chức xã hội dân sự. Liêm chính và tuân thủ liêm chính phải nằm trọng tâm, cốt lõi của từng hệ giá trị của các công ty. Nhiều DN có thể thông qua hợp tác, phát triển, xây dựng một nền văn hóa về kinh doanh liêm chính. Và như vậy, Việt Nam cần phải có hành động tập thể với sự tham gia lồng ghép vào trong quá trình đưa ra các quyết định, chính sách và quy trình, thủ tục vận hành hiện nay gắn với việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. UNDP cùng dự án "Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN" sẵn sàng đồng hành hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình thực hiện các vấn đề này.