21/03/2010 - 10:27

Trường Đại học Cần Thơ mở thêm nhiều chuyên ngành mới, đáp ứng nhu cầu xã hội

Là trường đại học lâu đời và có qui mô đào tạo lớn nhất ĐBSCL, hằng năm, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) thu hút hàng chục ngàn thí sinh trong cả nước đăng ký dự thi vào trường. Những năm gần đây, trường liên tục mở những ngành, chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực ngày càng chuyên sâu. Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm 2010, thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHCT, cho biết:

- Năm 2010, Trường ĐHCT tuyển 6.650 sinh viên; trong đó 6.150 sinh viên cho 85 ngành, chuyên ngành bậc đại học hệ chính qui và 500 sinh viên hệ chính qui học tại cơ sở 2 của trường, và tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, trường còn tuyển 150 sinh viên cho hệ dự bị đại học ở khối A, B, C, dành cho thí sinh thuộc diện chính sách, vùng sâu. Năm nay, trường mở 5 chuyên ngành mới: Tin học ứng dụng, Dược thú y, Vi sinh vật học, Hóa dược và Ngôn ngữ Pháp. Truờng tuyển sinh trong cả nước, bằng hình thức thi tuyển. Sau thời hạn nộp hồ sơ ở trường THPT và ở các Sở Giáo dục- Đào tạo, thí sinh có thể trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐHCT, từ ngày 11-4 đến 17-4-2010.

* Ông có thể nói rõ hơn về những chuyên ngành mới của trường?

- Các chuyên ngành mới mở này nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Để mở thêm ngành, chuyên ngành mới, Trường ĐHCT căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực đào tạo của các đơn vị và chiến lược phát triển đào tạo của trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao. Đào tạo chuyên sâu giúp nhà tuyển dụng thuận lợi trong việc tuyển chọn nhân viên.

Ngành Hóa dược đào tạo Cử nhân Hóa học chuyên nghiên cứu các vấn đề về thiết kế, tổng hợp và bào chế dược phẩm. Sau khi ra trường, sinh viên có khả năng làm công tác nghiên cứu ở các viện, trung tâm hay các nhà máy, xí nghiệp, công ty hoạt động lĩnh vực dược phẩm. Ngành Vi sinh vật học đào tạo cử nhân chuyên ngành vi sinh vật- nguồn nhân lực mà các sở, ngành, viện, trường đang rất cần để phục vụ công việc nghiên cứu, tư vấn, quản lý trong lĩnh vực này. Ngành Dược thú y đào tạo bác sĩ thú y, bào chế dược liệu điều trị các bệnh trên gia súc, gia cầm. Với ngành Tin học ứng dụng, trên nền kiến thức tin học cơ bản, người học ngành này có thể ứng dụng thành thạo, khai thác phần mềm ứng dụng một cách chuyên sâu. Ngành Ngôn ngữ Pháp đào tạo cán bộ giỏi tiếng Pháp, làm công việc phiên dịch tiếng Pháp, hướng dẫn viên... ĐBSCL đang trên đà phát triển kinh tế, văn hóa- du lịch và hợp tác quốc tế, Trường ĐHCT đào tạo ngành Ngôn ngữ Pháp nhằm mục đích “đón đầu” phục vụ cho sự phát triển này.

* Thông thường, những ngành mới mở thường có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít. Theo ông, nguyên nhân do đâu và làm sao để ngành mới thực sự thu hút thí sinh?

- Số liệu thống kê vài năm qua cho thấy, bên cạnh những ngành, chuyên ngành mới có ít thí sinh đăng ký dự thi, cũng có một số ngành, chuyên ngành đã mở khá lâu nhưng có lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp hơn so với lúc mới mở. Số liệu tổng thể cũng cho thấy số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Trường ĐHCT của một số tỉnh đã có trường đại học như: An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu... cũng sụt giảm. Điều đó chứng tỏ thị phần tuyển sinh đang dần thu hẹp lại.

Để thu hút thí sinh đến với những ngành, chuyên ngành mới, Trường ĐHCT đã đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh. Trong đó, tư vấn sâu cho thí sinh những ngành, chuyên ngành mới, chương trình đào tạo, khả năng tìm việc làm... để thí sinh hiểu rõ và mạnh dạn lựa chọn ngành học, nhất là những ngành mới.

* Năm nay là năm đầu tiên Trường ĐHCT tuyển sinh cho cơ sở 2 của trường, ở tỉnh Hậu Giang. Thưa ông, tuyển sinh cho cơ sở 2 có gì khác biệt?

- Tại cơ sở 2, trường tuyển 500 sinh viên hệ chính qui cho 10 ngành, chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Kế toán tổng hợp, Tài chính (có 2 chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp), Kinh tế ngoại thương, Luật (có 3 chuyên ngành: Luật Hành chính, Luật Tư pháp, Luật Thương mại) và Anh văn. Thí sinh đăng ký dự thi các ngành này ở cơ sở 2, khi trúng tuyển sẽ học tại tỉnh Hậu Giang. Trong trường hợp số lượng trúng tuyển ít, thí sinh sẽ được chuyển về học tại Trường ĐHCT. Thủ tục tuyển sinh đào tạo tại cơ sở 2 không có gì khác so với cơ sở chính. Thí sinh vẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi bình thường, chỉ khác là nếu thí sinh có nguyện vọng học tại cơ sở 2 thì sẽ ghi mã ngành của cơ sở 2. Ví dụ, nếu thí sinh đăng ký thi ngành Xây dựng dân dụng học tại cơ sở chính thì ghi mã ngành là 112; còn nếu đăng ký thi ngành này học tại cơ sở 2 thì ghi mã ngành là 130.

Để phục vụ cho việc dạy và học, UBND tỉnh Hậu Giang đã có quyết định giao phần diện tích mặt bằng đất chưa sử dụng và 5 phòng làm việc tại cơ sở 1 của Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang cho Trường ĐHCT quản lý và sử dụng. Việc giảng dạy ở cơ sở 2 được đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành... Trường ĐHCT sẽ cử giảng viên đến cơ sở 2 để giảng dạy.

* Vài năm gần đây, Trường ĐHCT có đào tạo các ngành theo chương trình đào tạo tiên tiến. Ông đánh giá chương trình này như thế nào? Lời khuyên của ông dành cho những thí sinh muốn dự thi vào chương trình này?

- Năm 2010, Trường ĐHCT tiếp tục tuyển sinh đào tạo theo chương trình tiên tiến ở 2 ngành: Nuôi trồng thủy sản và Công nghệ sinh học. Mỗi ngành tuyển từ 30- 40 sinh viên. Sau khi trúng tuyển vào Trường ĐHCT ở khối A, B, nếu thí sinh có nguyện vọng vào học chương trình tiên tiến thì đăng ký dự tuyển. Trường ĐHCT sẽ căn cứ vào kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 của thí sinh và tổ chức kiểm tra Anh văn để xét tuyển.

Chương trình tiên tiến ở Trường ĐHCT vận dụng một cách linh hoạt chương trình đào tạo của các trường ĐH Hoa Kỳ vào giảng dạy cho sinh viên Việt Nam. Sinh viên học chương trình này sẽ học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh. Trường sẽ dành một học kỳ dạy ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên. Sinh viên học chương trình tiên tiến có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, vững vàng về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, có cơ hội việc làm cao hơn. Tuy nhiên, theo học chương trình tiên tiến, thí sinh nên lưu ý một số điểm: phải thật sự yêu thích ngành nghề, chuẩn bị kỹ về ngoại ngữ, phải trả học phí cao hơn chương trình bình thường. Thực tế thời gian qua cho thấy có một số sinh viên theo học chương trình tiên tiến chỉ 1- 2 học kỳ thì chuyển sang học chương trình bình thường vì không đủ chi phí học tập hoặc không đủ khả năng Anh văn, gây lãng phí về thời gian, công sức.

* Xin cảm ơn ông!

BÍCH NGỌC (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết