11/04/2018 - 15:09

Trung Quốc muốn xây căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương? 

Hãng tin Fairfax Media (Úc) hôm 10-4 tiết lộ, Trung Quốc đang có kế hoạch thỏa thuận với Vanuatu để mở một căn cứ quân sự tại đảo quốc nhỏ bé vùng Nam Thái Bình Dương này.

Fairfax Media dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay, dù chưa có bất kỳ đề xuất chính thức nào được đưa ra nhưng các cuộc đàm phán sơ bộ về việc xây dựng một căn cứ quân sự ở Vanuatu đã được tổ chức. Theo đó, tàu hải quân Trung Quốc ban đầu sẽ cập cảng Vanuatu để bảo dưỡng, tiếp nhiên liệu, từ đó sẽ dẫn tới việc xây dựng một căn cứ quân sự hoàn chỉnh.

Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự ở Djibouti năm 2017. Ảnh: Africanindy

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vanuatu Ralph Regenvanu đã bác bỏ thông tin trên. Ông nhấn mạnh rằng chưa có bất kỳ cuộc đàm phán sơ bộ nào giữa Trung Quốc và Vanuatu, và không ai trong chính quyền Vanuatu từng bàn về một căn cứ như vậy. Theo ông Regenvanu, Vanuatu là quốc gia không liên kết và không quan tâm tới việc quân sự hóa hay lập bất kỳ căn cứ quân sự nào.

Trong khi đó, phát biểu với Hãng truyền thông ABC, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết bà đã được giới chức Vanuatu trấn an rằng không có bất kỳ đề xuất chính thức nào từ phía Bắc Kinh. “Chính quyền Vanuatu cho biết không có đề xuất nào như vậy. Thực tế là Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới nhưng cho đến nay Trung Quốc chỉ xây dựng một căn cứ quân sự tại Djibouti thuộc Bắc Phi. Tôi vẫn tin tưởng rằng Úc là đối tác chiến lược hoàn hảo của Vanuatu” - Ngoại trưởng Bishop nói.

Giáo sư Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc lo ngại rằng bất kỳ cường quốc nước ngoài nào thiết lập chỗ đứng ở Nam Thái Bình Dương đều đánh dấu “một sự thất bại trong chính sách của Úc”. “Lần đầu tiên kể từ những năm 1940, một cường quốc nước ngoài có tiềm năng gây nguy hiểm đến lợi ích của Úc sẽ hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng Úc cần phải tăng gấp đôi nỗ lực để thuyết phục Vanuatu và các đảo quốc khác tại Thái Bình Dương rằng Úc vẫn sẽ là đối tác an ninh và phát triển được yêu thích của họ” - ông Medcalf cảnh báo.

Hoạt động của Trung Quốc tại Thái Bình Dương ngày càng gia tăng kể từ khi Mỹ “xoay trục” sang khu vực hồi năm 2009. Trong những tháng gần đây, nhiều quốc gia đã tố Trung Quốc tìm cách “mua” ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương thông qua các khoản viện trợ quốc tế, làm dấy lên lo ngại rằng tầm ảnh hưởng lâu nay của Úc trong khu vực đang dần suy yếu.

Xung quanh tham vọng của Trung Quốc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm qua cũng tuyên bố Wellington phản đối việc quân sự hóa Thái Bình Dương.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết