21/02/2012 - 07:40

Đồng bằng sông Cửu Long

Trông chờ sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái phong phú với sông nước, miệt vườn, đồng bằng, núi rừng, biển cả… Không chỉ vậy, nơi đây, có cộng đồng dân cư của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, tạo nên nhiều nền văn hóa với những lễ hội dân tộc độc đáo. Có thể nói, ĐBSCL miền đất nhiều tiềm năng du lịch phong phú, với những sản phẩm du lịch đa dạng nhưng đến nay các sản phẩm du lịch nơi đây vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách và có thương hiệu.

Còn đơn điệu và trùng lắp

Du khách nước ngoài tham quan bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Nói đến ĐBSCL du khách thường nghĩ đến nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, sông rạch chằng chịt với những chợ nổi mua bán nhộn nhịp, miệt vườn cây trái sai trĩu cành... như lâu nay được gọi là “ văn minh lúa nước”, “văn minh miệt vườn”. ĐBSCL có thể kinh doanh du lịch suốt 12 tháng trong năm, tránh được yếu tố mùa vụ nhờ thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái hiếm có, với điểm nhấn là 2 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 4 khu bảo tồn thiên nhiên. Cộng đồng dân cư ĐBSCL có người Kinh, Hoa, Khmer và Chăm với các giá trị văn hóa riêng, đặc sắc; 120 di tích (lịch sử-văn hóa-cách mạng) và 27 công trình kiến trúc cấp quốc gia, hàng chục lễ hội dân gian, 211 làng nghề và tuyệt tác vọng cổ, cải lương, hò đối đáp, truyện Ba Phi hay nghệ thuật Ro Băm, Dù Kê của người Khmer. Người miền Tây đôn hậu, nhiệt thành và đặc biệt mến khách. Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt, xác định “ Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng ĐBSCL là du lịch tham quan sông nước, miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà dân; du lịch văn hóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong vùng; du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng của vùng; du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp (tại Phú Quốc, Hà Tiên)...”.

Mặc dù, năm 2010, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL có động thái tích cực phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL để bình chọn sản phẩm đặc trưng cho mỗi địa phương, để nhằm quảng bá cho du khách nhưng “lực bất tòng tâm”, vẫn chưa bình chọn được. Đến nay, các sản phẩm du lịch ĐBSCL vẫn chưa có thương hiệu và nhiều trùng lắp. Sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL gần như giống nhau, cũng là sông nước miệt vườn, chợ nổi trên sông, di tích lịch sử văn hóa, đình chùa, ẩm thực vẫn là những món ăn quen thuộc cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui... Vì vậy, sản phẩm du lịch ĐBSCL vẫn bị trùng lắp và chưa chinh phục được du khách. Ông Nguyễn Thành Vượng, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch, cho rằng: “Giai đoạn 2001-2010, Tổng cục Du lịch đã tham mưu để Chính phủ hỗ trợ các tỉnh thuộc ĐBSCL đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch 715 tỉ đồng. Từ nguồn vốn “mồi”, có tính định hướng này của ngân sách trung ương, đã thu thu hút mạnh các nguồn lực khác: 10 triệu USD do AND tài trợ, 21,88 triệu USD do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khách sạn và resort, hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư trong nước, rồi hàng loạt loại hình lưu trú mọc lên. Đáng tiếc, đa phần trong số đó, quy mô đã nhỏ, kiến trúc chẳng hòa nhập được cảnh quan sông nước và dịch vụ còn xa mới đáp ứng tiêu chuẩn. Có gì khác biệt giữa resort Đất Mũi (Cà Mau), Ba Động (Trà Vinh) hay Gáo Giồng (Đồng Tháp), Bảy Núi (An Giang)...? Đó chưa kể các “khu du lịch sinh thái” nhỏ hơn, cũng bungalow biến tấu, cũng thủ công bánh trái, cá sấu... Điều kiện tự nhiên ĐBSCL chi phối tính đồng dạng, trùng lặp của sản phẩm du lịch. Nhưng điều đó, không thể “mặc định” tính đơn điệu của sản phẩm du lịch nhất là đối với những người làm du lịch miền Tây. Không thể nào sao chép và “truyền thống” lên xe, xuống thuyền, vào vườn cây trái, xem cải lương, đàn ca tài tử lặp đi lặp lại. Khách không đến ĐBSCL để sáng nay đi chợ nổi Cái Răng mai lại đi Ngã Bảy, không phải chỉ là ngồi thuyền, đến miệt vườn, nghe đàn ca tài tử và ăn, nghỉ ở những cơ sở dịch vụ đem lại cảm giác như đã tới rồi...”.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Một trong những nguyên nhân chưa hấp dẫn du khách và số lượng du khách đến ĐBSCL còn khiêm tốn so với các miền của đất nước là sản phẩm du lịch nơi đây còn đơn điệu và trùng lắp. Điều đó làm cho du khách dễ nhàm chán. TS. Đinh Văn Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh), có nhiều nghiên cứu về du lịch ĐBSCL, cho biết: “ Tham khảo tour du lịch của các tỉnh ĐBSCL chúng ta thấy cách khai thác tiềm năng như nhau, sản phẩm du lịch của các công ty đều na ná như nhau. Chẳng hạn đến Tiền Giang gặp tour “Về với ĐBSCL”, sang Bến Tre chỉ cách đó một dòng sông lại gặp “Du thuyền trên sông Mekong”, đến Vĩnh Long vẫn “ Về cùng văn minh sông nước miệt vườn”, rồi sang Cần Thơ (cũng cách một con sông) lại tiếp tục là du lịch sông nước và du lịch nhà vườn... Với những tuyến đi và các sản phẩm du lịch giống nhau như vậy, chắc chắn du khách chỉ đi một lần và sẽ không chọn lại tour đó khi đến một tỉnh khác. Buồn hơn là gần 20 năm rồi mô hình du lịch đó, sản phẩm du lịch gần như là duy nhất đó không thay đổi, không có gì thêm mới, ngoài nguồn tài nguyên sinh thái sông nước được khai thác thô năm này qua năm khác. Không làm mới được một sản phẩm du lịch đã tồn tại khắp các tỉnh thành trên cùng một địa bàn thì chắc chắn chất lượng và khả năng thu hút sản phẩm đó sẽ tụt giảm trầm trọng và không được chú ý như khi nó mới ra đời...”.

Nhiều năm qua, ĐBSCL đã tổ chức nhiều hội thảo về du lịch, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho ĐBSCL được bàn đến nhiều nhưng các sản phẩm chỉ dừng lại ở hội nghị, hội thảo. Ông Phan Xuân Anh, người từng nghiên cứu thị trường du lịch đồng thời là nhà đầu tư du lịch tại ĐBSCL, cho biết thực trạng sản phẩm du lịch tại các địa phương nơi đây chưa đáp ứng tốt ba nhu cầu: “ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ”. Theo ông Phan Xuân Anh, phải tạo chỗ ăn nghỉ thân thiện cho du khách như là nhà của du khách. Sản phẩm du lịch phải có tính bản địa sâu sắc, cộng đồng rộng rãi, thân thiện môi trường, cả ngày lẫn đêm.

Theo “Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020”, không gian du lịch ĐBSCL được phân chia thành 4 cụm để xây dựng sản phẩm du lịch. Cụm trung tâm gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) với sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía Đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) với sản phẩm chính là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười. Mặc dù, sản phẩm du lịch của ĐBSCL đã được xác định như vậy nhưng hiện nay vẫn chưa được đầu tư và chưa có được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, xứng đáng với tiềm năng. Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “ĐBSCL có tiềm năng du lịch phong phú đa dạng mà hiếm nơi nào sánh được. Có thể nói nơi đâu cũng là khu điểm du lịch kỳ thú độc đáo. Vấn đề là làm thế nào để khai thác kinh doanh đạt hiệu quả. Căn cứ vào qui hoạch du lịch, địa phương cần tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng khu điểm du lịch mang tầm cỡ khu vực để có sản phẩm đặc trưng, sản phẩm liên kết chào bán trong các tour lữ hành. Sản phẩm ra đời từ nguồn tài nguyên du lịch địa phương, đúng theo định hướng qui hoạch, được đầu tư đúng mức và tích cực tham gia của cộng đồng sẽ mang thương hiệu địa phương, đậm bản sắc dân tộc, sẽ chắc chắn làm hài lòng du khách và phát triển bền vững...”.

Như vậy, tiềm năng, lợi thế du lịch ĐBSCL đã có, chỉ còn lại là xây dựng được sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương, để không trùng lắp và đơn điệu, tạo ra sản phẩm độc đáo hấp dẫn du khách. Kỳ vọng rằng, các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ sớm đầu tư sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương mình. Đó không chỉ hấp dẫn du khách mà còn góp phần phát triển du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xóa đói giảm nghèo.

HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết