26/11/2019 - 20:38

Trong 10 năm, ĐBSCL có thêm 582 điểm xói lở và sạt lở bờ sông 

(CT)- Ngày 26-11-2019, tại TP Long Xuyên, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông ĐBSCL”. Đại diện các nhà khoa học thuộc các viện, trường, tổ chức quốc tế và các sở, ngành chức năng thuộc 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham dự.

Hiện trường vụ sạt lở quốc lộ 91 (dọc sông Hậu) qua huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vào giữa năm 2019.

Theo nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL hình thành do bồi lắng của nguồn phù sa sông Mekong. Do đó, vùng này có cấu tạo địa chất yếu và dễ bị tổn thương; nếu có bất kỳ tác động nào của tự nhiên hay con người đều gây ảnh hưởng lớn đến vùng ĐBSCL. Trong 10 năm trở lại đây, hiện tượng xói lở và sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng gia tăng ở ĐBSCL. Cụ thể, năm 2010, ĐBSCL có 99 điểm xói lở và sạt lở bờ sông thì đến năm 2019 đã tăng lên 681 điểm, tăng gần gấp 7 lần so với 2010 (tương đương tăng 582 điểm). Với con số này mỗi năm vùng ĐBSCL có thêm khoảng 60 điểm xói lở, sụp đổ bờ sông mới xuất hiện, cần có giải pháp khẩn trương phòng, tránh…

Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến xói lở, sụp đổ bờ sông ở ĐBSCL. Trong đó, bao gồm nguyên nhân từ địa chất: hình thái sông cong, cù lao trên sông, hố xói - khai thác cát; do dòng chảy và triều cường khi lên cao và hạ xuống rất thấp; do sóng tàu và thiếu hụt bùn cát. Ngoài ra, nguyên nhân sạt lở bờ sông còn do xuất hiện hàm ếch; xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt bờ sông quá tải; do áp lực thấm và áp suất tăng do mưa… Nhiều nhà khoa học đưa ra giải pháp căn cơ, nội tại ở vùng ĐBSCL là phải giảm tải, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ sông; tìm giải pháp nghiên cứu, chế tạo vật liệu xây dựng có trọng lượng nhẹ, thay thế cát tự nhiên. Nếu vật liệu xây dựng thay thế cát được hình thành sẽ giảm tình trạng khai thác cát trên sông và dẫn đến hạn chế xói lở, sụp đổ bờ sông tại vùng ĐBSCL. Đây là vấn đề lớn, quan trọng cần có sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trong việc tìm kiếm vật liệu xây dựng thay thế cát…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết