26/04/2020 - 09:59

Trợ lực doanh nghiệp vượt “cú sốc” COVID-19 

Tác động của dịch COVID-19, tại TP Cần Thơ hàng ngàn doanh nghiệp (DN) bị giảm doanh thu, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, có DN doanh thu giảm trên 70% và đã có hơn 9.600 lao động bị mất việc, ngừng việc. “Cú sốc” dịch COVID-19 đã và đang làm “sức khỏe” của DN yếu đi, nếu chính sách hỗ trợ không đến kịp lúc thì việc giải bài toán tái khởi động sản xuất kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Doanh nghiệp vận tải hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

►Nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thành phố có 8.541 DN và 1.926 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký 77.240 tỉ đồng. Tính đến ngày 20-4, thành phố có 629 DN, chi nhánh giải thể, tạm dừng hoạt động (trong đó có 510 DN), chiếm tỷ lệ 6,01%; trong số này có 304 DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn, vốn đăng ký hơn 2.084 tỉ đồng. 2.269 DN doanh thu bị giảm 2.868 tỉ đồng; trong đó, giảm từ 70% doanh thu trở lên là 770 DN; giảm từ 30-70% doanh thu trở lên khoảng 692 DN; doanh thu giảm dưới 30% có 623 DN.

Ngoài DN thì hộ sản xuất, kinh doanh cá thể cũng chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19, nhất là hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ do thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội của Chính phủ. Ước tính trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số 77.765 hộ sản xuất, kinh doanh có 47,23% hộ đóng cửa, 52,77% số hộ bị giảm doanh thu. Trong số này, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ là 68.606 hộ (đã có 25.600 hộ đóng cửa và 43.000 hộ bị giảm doanh thu)…

Có thể nói, tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hộ kinh doanh rất lớn. Từ cuối tháng 3, hầu hết DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú đều tạm ngưng hoạt động. Công nghiệp 4 tháng đầu năm tuy có tăng nhưng tăng không đáng kể so với cùng kỳ, tồn kho ngành công nghiệp tăng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, tiêu thụ trong nước chậm. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và chế biến nông sản có thể bị thiếu hụt trong những tháng tới.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: “Đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Thị trường tiêu thụ bị đóng băng (với ngành kinh doanh vận tải, nhà hàng…) hoặc bị co lại (ngành dịch vụ). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu vốn, khó khăn về nợ ngân hàng, các loại phí-thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền lương công nhân… Do đó, nhiều DN doanh thu sụt giảm hoặc bằng 0. Trong hiện tại, DN phải gồng mình chịu đựng. Ai giỏi, mạnh thì có thể vượt qua, ai yếu thì bỏ cuộc”. Theo bà Thuận, DN đang phải nỗ lực hết sức để cầm cự nên rất mong chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến kịp lúc để DN vượt qua khó khăn.

►Gian nan tái khởi động

Trên thực tế, doanh thu của DN lữ hành, du lịch, vận tải... giảm mạnh, có DN giảm hơn 70% do thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và du lịch tạm thời dừng đón khách, dừng hoạt động theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Nguyễn Mỹ Thuận cho rằng, tất cả DN đều mong đại dịch COVID-19 nhanh chóng qua để DN có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay những hạn chế trong đại dịch vẫn còn đang được áp dụng. Vì vậy, còn quá sớm để có thể tiên lượng khả năng tái khởi động của DN sau đại dịch.

Theo lãnh đạo một số DN trên địa bàn thành phố, các chính sách hỗ trợ cho DN về giãn thuế, gia hạn tiền thuê đất, giảm lãi suất,... dù đã được Chính phủ thông qua, nhưng việc tiếp cận chính sách rất nhiêu khê. Đơn cử như bảo hiểm xã hội, DN cho biết xin đóng bảo hiểm xã hội chậm do đang gặp khó khăn nhưng thủ tục chứng minh rất rườm rà, DN mất rất nhiều thời gian. Hiện tại nhiều DN phải vay ngân hàng để trả lương cho công nhân, cầm cự qua đại dịch. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, ngành thương mại, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Hội viên của CBA dù chưa có DN nào rời thị trường, nhưng DN đang chờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngân hàng và các bộ, ngành.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ cần các giải pháp cụ thể từ chính quyền để có thể tái khởi động sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Chẳng hạn như thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, DN. Đồng thời chính quyền cần tiếp tục nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của DN để hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng DN, nhất là DN chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tăng cường vai trò của các hiệp hội trong việc hỗ trợ, làm cầu nối giữa DN với các cơ quan nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN. Song song đó, đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là người yếu thế.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết