Với chi phí từ 5 đến 12 triệu đồng cho mỗi bằng giả, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm bằng thuyền, máy trưởng giả bọn chúng làm ra đã được tiêu thụ hết mà khách hàng là các đối tượng điều khiển phương tiện thủy có trọng tải lớn. Sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp Cục C25 -Bộ Công an đã triệt phá đường dây làm giả bằng thuyền trưởng, máy trưởng qui mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn.
Lần theo đường dây bằng giả
 |
Đối tượng Huỳnh Văn Cắt. |
Qua công tác tuần tra kiểm soát giao thông thủy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Hậu Giang phát hiện khá nhiều người điều khiển các phương tiện thủy như sà lan, tàu có trọng tải lớn sử dụng bằng thuyền, máy trưởng giả. Bằng giả được làm hết sức tinh vi, có dấu đỏ và chữ ký của hiệu trưởng một trường giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh, rất khó nhận biết bằng mắt thường. Đối tượng sử dụng bằng giả thường là những chủ phương tiện hay người điều khiển phương tiện thủy trọng tải lớn ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nhưng không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng. Để hợp thức hóa và không bị CSGT phát hiện xử phạt, họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền khá lớn để “mua bằng” giả.
 |
Đối tượng Lê Tấn Duy |
Cuối năm 2007, lực lượng Công an tỉnh Hậu Giang đã phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện tổng cộng 130 bằng thuyền, máy trưởng giả, trong đó nhiều nhất là Hậu Giang: 46 bằng, kế đến là Long An: 32 bằng, TP Hồ Chí Minh 24, Cà Mau: 13, Kiên Giang:11, Tiền Giang, An Giang mỗi nơi 2 bằng. Nhằm triệt phá đường dây sản xuất tiêu thụ bằng giả qui mô lớn này, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy - Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Hậu Giang mở chuyên án mang bí số 108B để điều tra làm rõ.
 |
Đối tượng Nguyễn Văn Tân |
Đầu tháng 12-2007, từ nguồn tin quần chúng cung cấp, qua công tác điều tra xác minh, các trinh sát phát hiện một số đối tượng “cò bằng” ở địa bàn Hậu Giang, Trà Vinh... Trước đây, những đối tượng này từng là người “mua bằng giả”, sau vì hám lời đã cấu kết với các đối tượng làm bằng giả làm môi giới và cung cấp cho các chủ và người điều khiển phương tiện thủy. Ngày 22-1-2008, các thành viên Ban chuyên án Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với lực lượng C14, C25- Bộ Công an bắt giữ Nguyễn Văn Tân (SN 1970), ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thị xã (TX) Trà Vinh, Lê Tấn Duy (SN 1984) ngụ Tổ 11, khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh, thu giữ trên người các đối tượng này 4 bằng thuyền, máy trưởng giả và một số giấy tờ có liên quan... Truy nóng theo lời khai của tên Duy, các trinh sát đã có mặt tại số 1/50, khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh, bắt quả tang Huỳnh Văn Cắt (SN 1968) là đối tượng chủ mưu cầm đầu đang sản xuất bằng, chứng chỉ giả. Khám xét nơi của tên Cắt, lực lượng công an đã thu giữ: 64 bằng thuyền trưởng giả, 27 bằng máy trưởng giả, hơn 200 phôi bằng, chứng chỉ chuyên môn, 13 bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, hơn 60 con dấu giả các loại, một máy vi tính xách tay, một máy in màu, một danh sách ghi họ tên, địa chỉ người đặt hàng ở khắp các tỉnh thành phía Nam và nhiều tài liệu có liên quan.
Vạch mặt trùm sản xuất bằng giả
 |
Tang vật là bằng thuyền, máy trưởng giả thu giữ tại chỗ ở của tên Cắt. Ảnh: PHAN PHONG |
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, đầu năm 1996, Huỳnh Văn Cắt trở thành giáo viên Trường Trung học Hà Giang TW2, TP Hồ Chí Minh. Sau 9 năm giảng dạy, Cắt bị nhà trường cho nghỉ việc. Thất nghiệp, không tiền tiêu xài, Cắt liền nảy sinh ý định làm giàu bất chính. Do trong thời gian ở trường phụ trách khâu sát hạch bằng lái, Cắt biết rất nhiều sinh viên sau khi học nhưng không lấy được bằng vì thi trượt và nhiều người có nhu cầu đổi bằng nhưng chưa đủ điều kiện thi. Đầu năm 2007, Cắt đã câu móc với tên Lê Tấn Duy là sinh viên giỏi vi tính bàn tính việc làm bằng, chứng chỉ giả, trước mắt là bán cho số sinh viên bị trượt qua các kỳ thi. Sau khi có được phôi bằng, Cắt đảm nhiệm khâu giả chữ ký và đóng dấu, còn Duy được phân công sử dụng vi tính điền họ tên người vào phôi bằng. Giá bán mỗi loại bằng được các đối tượng này qui định như sau: Bằng thuyền máy trưởng hạng III: 2-2,5 triệu đồng, bằng hạng II: 2,5-3,2 triệu đồng, bằng hạng I: 3-3,5 triệu đồng. Lúc đầu, khách hàng của Cắt, Duy chủ yếu là các sinh viên thi trượt. Về sau, thông qua sự quen biết, giới thiệu của Duy, khách hàng ngày càng được mở rộng, hầu hết là những chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện có tải trọng lớn nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Trước nhu cầu quá lớn của khách hàng, chẳng bao lâu, bọn chúng đã thiết lập được một đường dây sản xuất tiêu thụ bằng giả qui mô lớn. Thông qua các chân rết là bọn môi giới, “cò bằng” được xây dựng hầu khắp các tỉnh thành phía Nam, hàng trăm bằng giả được sản xuất giao đến tay người sử dụng.
Như vậy, đến nay chuyên án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xã hội” đã có 3 đối tượng bị khởi tố bắt giam là: Huỳnh Văn Cắt, Lê Tấn Duy và Nguyễn Văn Tân. Hiện đã có thêm một số “cò bằng” ở các tỉnh trong khu vực và TP Hồ Chí Minh ra trình báo trước cơ quan pháp luật, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ. Một thành viên Ban chuyên án cho biết, đây là đường dây sản xuất tiêu thụ bằng khá tinh vi, nếu không chú ý rất khó nhận biết bằng mắt thường bởi chữ ký, con dấu cho đến phôi bằng chúng làm giả như thật. Với những người tiêu thụ và đang sử dụng bằng giả nếu tự giác đến Công an tỉnh Hậu Giang giao nộp sẽ được xem xét xử lý.
Để kịp thời biểu dương thành tích phá án của Công an tỉnh Hậu Giang và các lực lượng tham gia, Tổng Cục Cảnh sát - Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang vừa khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phá án.
PHAN TẠI