16/10/2017 - 20:30

Triển vọng từ thị trường Úc 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, Úc là một trong những thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,3%/năm và kim ngạch bình quân khoảng 450 triệu USD/năm trong giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ vào thị trường Úc còn rất khiêm tốn.

Toàn thành phố chỉ có 15 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang thị trường Úc, trong đó có 3 DN xuất khẩu gạo, 6 DN chế biến xuất khẩu thủy sản, 3DN ngành may mặc xuất khẩu, 2 DN chế biến nông sản xuất khẩu, 1 DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Tháng 9 vừa qua, TP Cần Thơ đã tổ chức chuyến xúc tiến thương mại thị trường Úc với mục đích tạo điều kiện cho các DN tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cơ hội cho hàng nông sản

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Úc của TP Cần Thơ chỉ đạt 16,6 triệu USD, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo (chiếm 7,2%), thủy hải sản (chiếm 41,8%), may mặc (chiếm 5%), nông sản và nông sản chế biến (chiếm 39,7%), thủ công mỹ nghệ (chiếm 6,3%) và một số hàng hóa khác. 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu thị trường Úc đạt 6,1 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo (chiếm 2%), thủy hải sản (chiếm 40,5%), nông sản và nông sản chế biến (chiếm 48,1%), may mặc (chiếm 6,5%), thủ công mỹ nghệ chiếm 2,9%) và một số hàng hóa khác.

Đoàn TP Cần Thơ khảo sát Chợ cá Sydney. Ảnh: K.N

Trong chuyến xúc tiến thương mại thị trường Úc vừa qua, Đoàn chính quyền và DN TP Cần Thơ đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành hàng thủy sản.

Úc có 3.000 loài cá nhưng chỉ có 10% được đánh bắt thương mại. Hằng năm Úc nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là thị trường tiềm năng cho DN xuất khẩu thủy sản của thành phố.

Đoàn đã khảo sát chợ cá Sydney (Sydney Fish Market) là chợ thủy sản lớn nhất ở Nam bán cầu và là chợ thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, khảo sát Hội chợ Quốc tế hàng thực phẩm Úc (Fine Food Australia), khảo sát trực tiếp tình hình kinh doanh, thương mại tại hai khu người Việt lớn nhất tại Sydney là Bankstown và Cabramatta và đặc biệt là làm việc với Chủ tịch Hiệp hội nhập khẩu thủy sản của Úc tìm hiểu về thói quen tiêu dùng thủy sản của người tiêu dùng Úc.

Ông Chủ tịch Hiệp hội nhập khẩu thủy sản của Úc đã có nhiều ý kiến về những hạn chế trong phương thức kinh doanh của DN Việt Nam như: Cạnh tranh về giá; Chất lượng sản phẩm không đồng đều; DN Việt Nam chưa có thói quen mô tả chi tiết sản phẩm... Đồng thời ông cũng đưa ra những khuyến nghị cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Đó là: Doanh nghiệp Việt Nam có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm từ bên xuất khẩu lẫn bên nhập khẩu để đảm bảo hàng hóa đúng chất lượng như đơn hàng khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng; Nghiên cứu xuất khẩu những sản phẩm thủy sản mới ngoài 4 loại đã xuất sang Úc trong thời gian qua. Phối hợp với Hiệp hội nhập khẩu thủy sản Úc để nghiên cứu cách tiếp cận thị trường, được giới thiệu các nhà nhập khẩu uy tín...

Bên cạnh ngành hàng thủy sản, đoàn cũng quan tâm khảo sát ngành hàng trái cây, rau quả tại chợ đầu mối Sydney. Hiện nay, Việt Nam đã xuất được trái vải, xoài, thanh long vào thị trường Úc, tuy nhiên quá trình kinh doanh thực tế có rất nhiều khó khăn.

Cụ thể: Giá trái cây của Việt Nam cao hơn giá trái cây của Thái Lan và Trung Quốc do chi phí chiếu xạ, chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho bãi khi bị giữ lại kiểm dịch (do khâu thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển nên hầu hết các lô hàng đều vướng kiểm dịch của Úc). Chất lượng không đồng đều, hạn chế về bảo quản nên khi hàng sang đến Úc bị hư hỏng nhiều. Tình trạng bán phá giá của những DN Việt Nam đã làm giá trái cây ngày càng giảm so với ban đầu, nên DN Úc chuyển hướng sang nhập khẩu trái cây từ Thái Lan hay Trung Quốc.

Nhà đầu tư tiềm năng

Ngoài khảo sát để lập kế hoạch mở rộng thị trường tại Úc, Đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư TP Cần Thơ còn tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Úc, trong đó ngành hàng lúa gạo là một ưu tiên.

Kim ngạch nhập khẩu gạo hằng năm của Úc trong giai đoạn 2012-2016 từ 140-170 triệu USD, trong đó gạo Việt Nam chỉ trên dưới 6 triệu USD. Úc cũng là một quốc gia xuất khẩu gạo với thị trường trên 40 nước, khí hậu Úc thuận lợi cho trồng giống lúa Japonica.

Đoàn công tác đã gặp gỡ và làm việc với ông Rob Gordon - CEO của Tập đoàn SunRice. SunRice là một trong những DN lớn nhất trên thế giới tiêu thụ gạo Japonica, với thị trường có thương hiệu tại hơn 60 quốc gia. SunRice đã sử dụng nguồn cung ứng cả gạo Japonica và Indica từ Việt Nam trong hơn 10 năm.

Ngoài việc mua gạo, tập đoàn đã hợp tác trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam để phát triển năng lực gạo Japonica xuất khẩu có giá trị cao cho thị trường toàn cầu. Năm 2016, SunRice chịu trách nhiệm mua khoảng 112.000 tấn gạo Japonica (thành phẩm, tương đương 200.000 tấn lúa) từ các nhà cung cấp Việt Nam và chiếm 50% sản lượng gạo Japonica xuất khẩu của Việt Nam.

Tập đoàn SunRice mong muốn đầu tư ở Việt Nam bao gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào các giống lúa, cải tiến nông nghiệp gồm các cải tiến công nghệ, đầu tư vào xay xát và chế biến với sự đổi mới và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ gạo.

Tập đoàn sẽ xây dựng hoặc mua một cơ sở sản xuất, chế biến và đóng gói lúa gạo với công suất 200.000 tấn/năm, ước tính khoảng 20 - 50 triệu USD. Nếu giai đoạn đầu tiên của tiến trình đầu tư thuận lợi, Tập đoàn SunRice dự định đầu tư bổ sung thêm 50-100 triệu USD vào sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo.

Đoàn chính quyền thành phố đã giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư của thành phố đối với ngành gạo và các sản phẩm sau gạo. Đoàn đã mời Tập đoàn SunRice đến thành phố Cần Thơ để tìm hiểu cụ thể hơn về môi trường đầu tư của thành phố.

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để tập đoàn đầu tư nhà máy tại TP Cần Thơ và mong muốn với kinh nghiệm của SunRice trong việc sản xuất giống Japonica sẽ giúp Cần Thơ tăng năng suất của ngành lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn về đổi mới và an toàn thực phẩm của SunRice đối với các sản phẩm giá trị gia tăng của gạo sẽ góp phần vào việc phát triển và mở rộng các ngành công nghiệp địa phương. Việc đầu tư cho nghiên cứu và trang thiết bị công nghệ cao để phát triển tinh tế các sản phẩm có nguồn gốc từ gạo và có giá trị cao dành cho thực phẩm và dinh dưỡng sẽ góp phần vào sự đổi mới và tiến bộ của ngành công nghiệp chế biến tại TP Cần Thơ.

Ông Rob Gordon - CEO của Tập đoàn SunRice đã hứa hẹn sẽ đến Cần Thơ trong tháng 11-2017 để trao đổi cụ thể hơn về dự án đầu tư của Tập đoàn SunRice tại vùng ĐBSCL nói chung và tại TP Cần Thơ nói riêng.

Bên cạnh đó, đoàn TP Cần Thơ đã gặp gỡ và giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư Bremick. Bremick được thành lập vào năm 1965 và đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất bu lông, đai ốc và ốc vít cho các thị trường công nghiệp và xây dựng ở Úc và New Zealand.

Bremick đã sản xuất tại Trung Quốc trong hơn 10 năm và đang xem xét di chuyển một số nhà máy sản xuất của họ đến Việt Nam. Công ty có dự định sẽ đến Việt Nam trong năm 2017 để tìm hiểu thông tin chi tiết phục vụ cho dự án thành lập nhà máy tại Việt Nam. Nhu cầu nhà máy với diện tích 5.000m2, với vốn đầu tư 2 giai đoạn cụ thể khoảng 2 triệu USD. Trưởng đoàn ông Trương Quang Hoài Nam đã mời đoàn đại biểu của công ty đến TP Cần Thơ tìm hiểu những thông tin cụ thể để đầu tư tại TP Cần Thơ.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, phát huy hiệu quả của chuyến đi, Trung tâm có kế hoạch phối hợp cùng với các Sở, ngành có liên quan sẽ tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Úc.

Cụ thể: Nghiên cứu, xúc tiến mặt hàng thủy sản mới của TP Cần Thơ (trước mắt là cá thát lát và các sản phẩm từ cá thát lát), Trung tâm sẽ làm việc với Hiệp hội nhập khẩu thủy sản của Úc để tư vấn cho doanh nghiệp về việc tiếp cận thị trường đối với sản phẩm mới: tìm hiểu các yêu cầu chất lượng, khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Úc; Giới thiệu những đối tác chiến lược, những DN nhập khẩu uy tín nhập thử sản phẩm giới thiệu đến thị trường Úc; Tư vấn cụ thể về những quy định, chất lượng, điều kiện nhập khẩu… sang thị trường Úc.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia gian hàng tại Hội chợ Finefood Úc (tại Sydney năm 2018). Phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Úc thực hiện các công tác truyền thông quảng bá về sản phẩm cá thát lát đến các đối tượng Kiều bào Việt Nam tại Úc; người tiêu dùng Úc; các hiệp hội DN thủy sản, các DN nhập khẩu thủy sản Úc, các nhà hàng, khách sạn tại Úc… Tổ chức buổi hội thảo “Kinh doanh với thị trường Úc - Cách tiếp cận từ thực tiễn” tại Cần Thơ nhằm thông tin về tình hình kinh doanh xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc. Tổ chức Hội thảo kết nối giao thương giữa DN ĐBSCL với các DN Úc theo từng ngành hàng cụ thể…

KIM NGỌC

Chia sẻ bài viết