21/01/2008 - 08:38

Triển khai quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị ở các tỉnh ĐBSCL

Bằng vốn tài trợ 3 triệu Euro của Liên minh châu Âu (EU), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai bước đầu chương trình quy hoạch quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Đây là chương trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực.

Theo đó, trong vòng 3 năm, các tỉnh, thành sẽ nâng cao trình độ qui hoạch đô thị phù hợp với xu thế chung của thế giới; đào tạo cán bộ, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý môi trường, quan trắc môi trường, dự báo môi trường, trang bị thiết bị, công nghệ nhằm xử lý nhanh các vấn đề bức xúc về môi trường phát sinh; tổ chức các diễn đàn trong và ngoài nước nhằm nâng cao khả năng hợp tác, cùng bảo vệ môi trường trong khu vực. Các tỉnh, thành xây dựng chính sách nhằm thu hút đầu tư quốc tế trong bảo vệ môi trường, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường; tăng cường giáo dục, truyền thông môi trường cũng như xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, tạo ra phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Các tỉnh, thành còn được giúp nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, chống ngập cục bộ tại hàng trăm hẻm, trang bị thêm phương tiện thu gom, xử lý rác, tạo môi trường xanh với sự tham gia của hàng chục ngàn hộ được hưởng lợi từ chương trình này.

Theo Chi cục bảo vệ môi trường Tây Nam bộ, 3,34 triệu dân sống ở các đô thị đã thải ra môi trường khoảng 102 triệu mét khối nước thải/năm, chất thải rắn trên 600.000 tấn/năm (đều chưa qua xử lý). Ngoài ra, còn có 68 khu công nghiệp tập trung và 75.000 cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư. Chất thải rắn (220.000 tấn/năm), lỏng (47 triệu lít/năm), khói bụi, tiếng ồn từ những cơ sở công nghiệp ĐBSCL thải ra góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường (trước hết là môi trường nước) tại các đô thị thêm nghiêm trọng. Số liệu quan trắc môi trường nước trên sông rạch gần các đô thị vùng ĐBSCL như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Hậu Giang, Cà Mau... cho thấy hàm lượng các chất BOD, SS, N-N H 3, amoniac, coliforms... đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Hiện các đô thị đều bị ô nhiễm bụi do hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng... Nồng độ khí SO2, CO, NO2 trong không khí đã vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ô nhiễm môi trường đô thị vùng ĐBSCL chủ yếu do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng trong thời gian dài, các địa phương chưa có phương án bảo vệ môi trường tương ứng.

THẾ ĐẠT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết