Ngày 9-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam Đỗ Quý Doãn đã họp với đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí để triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về Đại lễ, nêu rõ: Đại lễ Phật đản LHQ 2008 (còn gọi là Đại lễ Vesak 2008) là hoạt động văn hóa - tôn giáo lớn mang tính quốc tế. Việc tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đề cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...
Để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Đại lễ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ xây dựng chuyên mục, chương trình, dành thời lượng phù hợp để phát sóng tuyên truyền về Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ hoạt động tác nghiệp của phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế trong những ngày diễn ra Đại lễ, Tiểu ban tuyên truyền sẽ tổ chức khai trương Trung tâm báo chí Đại lễ Phật đản LHQ 2008 (đặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội) trước ngày diễn ra Đại lễ. Trung tâm báo chí này sẽ tạo điều kiện cho các phóng viên trong nước và quốc tế đưa tin về Đại lễ, chủ động cung cấp thông tin có định hướng về Đại lễ, góp phần vào việc tổ chức thành công Đại lễ Phật đản LHQ 2008.
* Chuẩn bị Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (VESAK 2008) sẽ tổ chức tại Việt Nam, tại TP Huế, ngoài việc tổ chức 3 lễ đài chính tại chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế và lễ đài Thương Bạc, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế đang gấp rút hoàn thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hết sức độc đáo và thú vị trên sông Hương với ý tưởng “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh”. Theo đó, 7 đóa sen được thiết kế đặt trên bệ phao, thả nổi giữa sông Hương, đoạn phía trước Phu Văn Lâu (Huế). Mỗi hoa sen cao 2,5m tính từ đài sen lên đến đỉnh, có 3 lớp, đường kính của vòng cánh sen ngoài cùng là 7m, trọng lượng mỗi hoa khoảng 250kg. Chất liệu chính để thực hiện tác phẩm này là sắt để làm khung, vải hồng làm cánh sen, cùng 8 bóng đèn neon được bố trí bên trong mỗi hình hoa sen để thắp sáng hoa vào ban đêm trong suốt thời gian lễ hội (từ 12-19/5 tức 8-15/4 âm lịch).
* Ở tỉnh Trà Vinh, “Tuần lễ Phật đản” thu hút sự tham gia của hơn 3.000 chư tôn, tăng ni và 20.000 phật tử. Các hoạt động chính sẽ diễn ra trong 2 ngày 13-14/4 âm lịch, tại Tổ Đình Lưỡng Xuyên (chiếc nôi của Phật giáo Nam Bộ) và Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh. Trước khi chính lễ diễn ra, đoàn xe hoa và các đoàn đại biểu sẽ diễu hành, viếng đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Trà Vinh. Đêm văn nghệ chào mừng Phật đản và trao thưởng cho các xe hoa đẹp nhất sẽ được tổ chức tối 13-4 âm lịch. Sau lễ chính sẽ có các hoạt động như phóng sinh chim bồ câu, thả bóng bay, thả hoa đăng trên sông Long Bình. Hai phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông sẽ đọc kinh cầu nguyện, chúc mừng ngày Phật đản.
* Hơn 100 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật về đề tài Phật giáo có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX bằng các chất liệu: đồng, vàng, bạc, đá, ngọc, gỗ, gốm... thể hiện phong cách nghệ thuật đa dạng đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ của châu Á, sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 10-31/5. Đây là một phần bộ sưu tập của nhà sưu tập Dương Phú Hiến cùng cộng sự lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng. Các tác phẩm nghệ thuật này được coi là kiệt tác chứng minh sự trường tồn, sức sống mãnh liệt của Phật giáo - một trong những tôn giáo lớn nhất của nhân loại, có ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển văn minh thế giới.
ĐỖ CƯỜNG (TTXVN)