07/07/2011 - 10:16

Trang web hỗ trợ sinh viên thảo luận gây tiếng vang lớn

Từ ý tưởng của một nữ sinh bị cô lập tại trường công nghệ, Piazza đã được đón nhận tại hơn 330 trường đại học ở Mỹ và thu hút vốn đầu tư của nhiều nhà ủng hộ nổi bật ở Thung lũng Silicon.

Khi Pooja Nath là một sinh viên tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), một trường kỹ thuật danh tiếng ở Ấn Độ, cô cảm thấy bị cô lập vì cô là một trong số rất ít nữ sinh học tại đây. Trong khi các nam sinh cùng lớp cùng nhau kết nhóm để giải quyết các vấn đề trong học tập, Pooja Nath phải một mình nghiên cứu vất vả trong phòng thí nghiệm máy tính. Cô cho biết, lúc đó không ai có máy tính xách tay và cũng không có Internet trong phòng ký túc xá. Do đó, tất cả sinh viên trong lớp của cô phải cùng nhau làm việc trong phòng thí nghiệm máy tính. Tuy nhiên, tất cả nam sinh có thể trao đổi với nhau, nhận được hỗ trợ rất nhanh, và cô phải đứng ngoài lề và quan sát họ.

 Pooja Nath – “mẹ đẻ” của Piazza.

Chính kinh nghiệm của một phụ nữ trẻ trong tình cảnh như thế đã khởi tạo nên công ty Piazza tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Pooja Nath, 30 tuổi và là người phụ nữ đầu tiên ở quê hương cô bước chân vào một trường kỹ thuật danh tiếng rồi sau đó thoát khỏi một cuộc hôn nhân sắp đặt để trở thành một doanh nhân công nghệ, đã khai sinh ra trang web Piazza.com để trợ giúp sinh viên làm bài tập ở nhà vào năm 2009 trong năm đầu tiên học tại Trường đại học kinh doanh Stanford.

Tại trang web của Pooja Nath, sinh viên có thể đăng câu hỏi và các bạn học cùng giảng viên sẽ trả lời. Giáo viên hướng dẫn sẽ điều khiển cuộc thảo luận, đánh giá câu trả lời đúng nhất và theo dõi câu hỏi phổ biến theo thời gian thực. Các câu trả lời sẽ được đánh dấu màu sắc, do đó sinh viên có thể dễ dàng xác định phần đánh giá của giáo viên hướng dẫn.

Mặc dù đã có các dịch vụ đối thủ, như Blackboard của một công ty phần mềm giáo dục, nền tảng của Piazza được thiết kế đặc biệt để tăng tốc thời gian trả lời. Trang web này được hỗ trợ bởi một hệ thống nhắc nhở và trung bình câu hỏi trên Piazza sẽ nhận được một câu trả lời sớm nhất trong vòng 14 phút. Theo Pooja Nath, toàn bộ ý tưởng của Piazza xuất phát từ động lực cô có được tại IIT. Trong hoàn cảnh bị cô lập, cô nhận thấy được mức độ hiệu quả thế nào khi có được hỗ trợ tức thời từ những người bạn cùng phòng.

Piazza hiện đang nằm trong nhóm các công ty công nghệ mới khởi nghiệp phát triển nhanh chóng, hy vọng sẽ khuynh đảo thị trường giáo dục. Các “đồng nghiệp” của nó gồm có Kno và Inkling, 2 nền tảng cho sách giáo khoa số tương tác. Xu hướng này cũng khai sinh ra “vườn ươm” Imagine K12 ở Thung lũng Silicon, đã công bố loạt đầu tư đầu tiên hồi tháng 6. Theo dữ liệu của Piazza, người dùng trung bình bỏ ra 2-3 giờ/ngày truy cập trang web này. Công ty vừa thu hút được 1,5 triệu USD từ nhiều nhà ủng hộ nổi bật ở Thung lũng Silicon, như Sequoia Capital, Ron Conway và ông Senkut, nhà sáng lập Felicis Ventures.

Chủ yếu dựa vào truyền miệng, Piazza đã phát triển từ 3 trường đại học lên hơn 330 trường trong năm ngoái. Tại Stanford, trường đầu tiên bắt đầu sử dụng dịch vụ này, hơn ½ số sinh viên là người dùng đăng ký. Giống như Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới “xuất thân” từ một phòng ký túc xá Harvard, sự gắn bó với các trường đại học đã giúp đẩy nhanh tốc độ phổ biến của Piazza.

Jennifer Rexford, một giáo sư khoa học máy tính ở Princeton, đã bắt đầu sử dụng Piazza cho lớp học hệ thống lập trình của cô từ học kỳ trước. Nền tảng này, thay thế danh sách email lớp học truyền thống, đã giúp đỡ cô giảm thời gian ở văn phòng và trả lời cho câu hỏi của sinh viên nhanh hơn. Nó cũng trở thành một công cụ tuyệt vời bất ngờ cho việc đánh giá sinh viên. Vào cuối học kỳ, cô có thể sử dụng dữ liệu thống kê của Piazza về số lần tham gia để khen thưởng cho những sinh viên tích cực nhất. Piazza đã mang đến cho sinh viên một cộng đồng, đặc biệt là vào lúc nửa đêm, khi các giáo viên hướng dẫn đi ngủ. Theo giáo sư Rexford, Piazza đã giúp sinh viên năng động hơn và giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.

LÊ PHI (Theo Nytimes)

Chia sẻ bài viết