29/04/2019 - 17:25

Trang sử mới trên đất anh hùng 

Bờ kè Phong Điền. Ảnh Kim Xuân

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ðảng bộ, quân và dân TP Cần Thơ đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Ðảng bộ, chính quyền, quân dân thành phố Cần Thơ nói chung, ở những vùng đất anh hùng nói riêng, đã và đang nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang,  góp phần xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp.

Thị trấn Phong Điền đạt chuẩn văn minh đô thị đầu năm 2019.

► Xã anh hùng đạt chuẩn nông thôn mới

Đến xã Định Môn anh hùng, chúng tôi cảm nhận mảnh đất kiên cường của một thời đạn bom ác liệt đang chuyển mình đổi mới. Ông Trần Việt Thắng, gần 70 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Môn, tự hào: Trong kháng chiến, tại xã Định Môn, Mỹ - ngụy xây dựng 5 đồn bót, thường xuyên càn quét, lùng sục để bắt bớ lực lượng cách mạng. Dù vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn phát triển mạnh mẽ. Điển hình là tháng 3-1960, nhân dân đã nổi dậy bao vây đồn Mã Tiền, buộc binh lính trong đồn bỏ súng chạy trốn; ngày 6-6-1960, du kích xã phối hợp với 30 chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô chặn đánh cuộc càn quét lớn 4 tiểu đoàn Bảo an của địch tại Lung Đưa, tiêu diệt 200 tên địch, thu nhiều vũ khí...

Theo lịch sử truyền thống Đảng bộ, quân và dân xã Định Môn, 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân địa phương đã phối hợp với các lực lượng cách mạng đánh 37 trận, tiêu diệt 798 tên địch, bắt sống 25 tên, thu 130 súng các loại, 2 máy truyền tin; lực lượng du kích xã đánh 48 trận, tiêu diệt 439 tên, bắt sống 38 tên, thu 60 súng các loại, phá hủy 2 xe quân sự, 1 xe thiết giáp, bắn rơi 1 máy bay cán gáo;...  Toàn xã có 218 gia đình có công với cách mạng, 160 liệt sĩ, 23 thương binh, 24 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1999, xã được Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Định Môn đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Theo anh Trần Hùng Hào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, kết thúc chiến tranh, địa bàn xã toàn đường đất, cầu khỉ; bà con mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lúa, đời sống khó khăn. Với quyết tâm đưa địa phương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp, trong đó quan tâm hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng giúp nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Định Môn đã trồng hơn 100ha vườn nhãn ido, xoài, vú sữa, sầu riêng và hơn 1.600ha lúa chất lượng xuất khẩu; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 2,02%...

Những năm gần đây, phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Định Môn tích cực góp sức người, sức của để từng bước hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Sảo, ở ấp Định Khánh A, đã hiến gần 100m2 đất để mở rộng đường giao thông, bộc bạch: “Thời chiến, bao gia đình sẵn sàng hy sinh xương máu cho đất nước thì nay đâu có sá gì chuyện hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng quê hương. Giờ đường đi thông thoáng, đi lại dễ dàng, xe tải chạy tới tận nhà thu mua nông sản với giá cao hơn trước nên bà con mừng lắm...”. Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, cùng sự tích cực đóng góp của nhân dân, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc... được xây mới, làm cho bộ mặt quê hương ngày càng đổi mới. Năm 2017, xã Định Môn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

► Phấn đấu trở thành đô thị loại IV

Thị trấn Phong Điền, mảnh đất anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ, hôm nay đã trở thành trung tâm huyện lỵ. Hàng loạt công trình đã và đang xây dựng càng tô điểm cho diện mạo thị trấn khang trang, hiện đại.

Khu di tích chiến thắng Lung Đưa tại xã Định Môn đang được đầu tư xây dựng dự kiến hoàn thành trong vài tháng tới.

Nhắc về những năm tháng hào hùng của quê hương, ông Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: Địa bàn thị trấn có khoảng 5km lộ Vòng Cung, trước đây thuộc xã Nhơn Ái anh hùng. Trong kháng chiến, nơi đây là bàn đạp, cánh cửa mở cho các lực lượng cách mạng của ta đánh vào trung tâm nội ô Cần Thơ. Mỹ - ngụy xác định đây là “cánh cửa thép”, tuyến đường chiến lược vành đai bảo vệ sân bay, các cơ quan đầu não của chúng ở nội ô Cần Thơ. Chúng đã lập nhiều đồn bót, chi khu, yếu khu hòng ngăn chặn lực lượng cách mạng của ta từ xa. Bởi thế, nơi đây là trọng điểm đánh phá, càn quét của địch.

Trong chiến tranh, nhân dân thị trấn đã chịu nhiều hy sinh, mất mát. Thị trấn có 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 108 gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng. Sau khi giải phóng, đất nước thống nhất, thị trấn không điện, không đường, không trường, không trạm… Chính những khó khăn đó đã thôi thúc người dân thị trấn chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước xây dựng lại quê hương.

Hôm nay, trung tâm thị trấn đã có nhiều nhà cao tầng khang trang; trung tâm thương mại sầm uất, người dân buôn bán tấp nập. Anh Nguyễn Hoàng Định, chủ cơ sở kinh doanh nội thất, nói: “Nhờ địa phương quan tâm hỗ trợ về mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, việc kinh doanh của tôi rất thuận lợi...”. Hầu hết 1.300 cơ sở thương mại - dịch vụ và hộ kinh doanh của địa phương đều “ăn nên, làm ra”.  Kinh tế nông nghiệp khởi sắc, với sự vận động, hỗ trợ nhiều mặt của địa phương, nhân dân đã cải tạo gần 100ha vườn trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Kinh tế phát triển, đời sống từng bước được nâng lên, nhân dân thị trấn chung sức, chung lòng đóng góp cùng Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, tất cả cầu đường đều trải nhựa, bê tông; trường học được xây dựng cao tầng; trạm y tế, nhà văn hóa thị trấn và ấp được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Kể về sự phát triển vượt bậc của thị trấn, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hoàng, ấp Nhơn Lộc 1A, phấn khởi nói: “Trong chiến tranh, quân và dân thị trấn đã dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù. Trong thời bình, mọi người đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, mẹ tự hào lắm!”. Tiếp lời mẹ Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Thành Tài thông tin: “Thị trấn đã đạt chuẩn văn minh đô thị, thị trấn đang nỗ lực phấn đấu để cuối năm nay đạt chuẩn đô thị loại IV...”.

► Ðất cù lao trù phú

Theo Lịch sử Đảng bộ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (trước đây là xã Tân Lộc Tây và Tân Lộc Đông, huyện Thốt Nốt), so với các địa phương khác, cuộc tiến công giải phóng ở một số xã trên địa bàn quận Thốt Nốt, trong đó có Tân Lộc vào cuối tháng 4 - 1975 gặp nhiều khó khăn, ác liệt hơn do một số ngụy quân kiên quyết tử thủ. Lực lượng cách mạng, quần chúng tập trung tuyên truyền, bao vây tấn công cho đến ngày 4-5-1975 vùng đất cù lao mới giải phóng. Đây là địa phương cuối cùng của tỉnh Cần Thơ được giải phóng. Sau ngày giải phóng, nhân dân Tân Lộc không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng lại quê hương trở thành dải đất cù lao trù phú giữa dòng sông Hậu.

Ông Lê Văn Huấn, Thường trực Đảng ủy phường, nhớ lại: “Những thập niên đầu sau giải phóng, đa số các hộ nghèo đói, nhà cửa cất bằng tre lá tạm bợ; điện, đường, trường, trạm thiếu thốn…”. Đến nay, phường Tân Lộc đã phát triển 1.316ha vườn trồng mận, xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn ido; gieo trồng 178ha rau màu; thả nuôi 311ha thủy sản. Đến thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Đoàn Văn Bạn, ở khu vực Lân Thạnh 1, chúng tôi khá ấn tượng về sự năng động, quyết tâm vươn lên khá giàu của nhiều nông dân. Ông Bạn kể: “Gần 10 năm nay, tui chuyển đổi hơn 1ha ruộng lên bờ trồng quýt đường, mỗi năm thu hoạch 40-50 tấn trái, thu huê lợi hơn 500 triệu đồng...”. Không riêng ông Bạn, Tân Lộc còn hàng chục nông dân có mức thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ năm nhờ trồng cây ăn trái. Phường còn có 1.751 hộ kinh doanh, dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện.

“Khi kinh tế phát triển, đời sống khấm khá, nhân dân càng tích cực đóng góp cùng Nhà nước xây dựng quê hương giàu đẹp”-  ông Lê Văn Huấn cho biết. Ông Huấn nhẩm tính, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, nhân dân đóng góp hơn 16 tỉ đồng và hơn 10.000 ngày công nâng cấp, tráng bê tông hơn 16km đường giao thông và 10 cây cầu. Đến nay, 100% đường chính và đường liên khu vực tráng nhựa và bê tông; trường học và trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn quốc gia; điện lưới quốc gia, nước sạch và hệ thống loa truyền thanh được kéo tận các khu dân cư… Đảng bộ và nhân dân phường đang ra sức phấn đấu đến năm 2020 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

*  *  *

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã, phường, thị trấn trong TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực viết  tiếp trang sử mới ấm no, hạnh phúc và giàu đẹp trong thời bình.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết