31/01/2011 - 09:17

Trang bị nghề, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn

Tháng 11-2010, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNCLĐNT) TP Cần Thơ đến năm 2020” với nhiều mục tiêu đề ra. Đó là: tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề; trang bị kỹ năng, kiến thức nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo... cho LĐNT. Tiếp nhận Đề án, đại diện các ngành, đơn vị chức năng nhận định và kỳ vọng gì vào những hiệu quả thiết thực mà đề án mang lại. Sau đây là những ý kiến phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận xung quanh vấn đề này.

* THẠC SĨ LÊ THÁI DƯƠNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN VÀ NÔNG NGHIỆP NAM BỘ:

Cần tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề

 

- Có thể nói, triển khai Đề án ĐTNCLĐNT có tác động trực tiếp đến đời sống nông thôn, thu hút lao động học nghề, tạo việc làm. Tham gia triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ chịu trách nhiệm biên soạn giáo trình giảng dạy về trồng lúa chất lượng cao và trồng mía, tháng 5-2011 bắt đầu áp dụng giảng dạy.

Đề án này phải gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu, không nên tổ chức tràn lan mà không mang lại hiệu quả. Mặt khác, ngành chức năng cần chọn lọc những đơn vị đào tạo có uy tín, năng lực về: đội ngũ giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề... Một hoạt động không kém phần quan trọng là các đơn vị, ngành, đoàn thể chức năng phải có kế hoạch định hướng học nghề phù hợp. Ban chỉ đạo đề án nên dành phần kinh phí thỏa đáng để thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề của lao động. Theo tôi, không nên lấy mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từng năm là tiêu chí chính mà cần tập trung nâng cao chất lượng dạy và học nghề, phản ánh thực chất qua chương trình giảng dạy và tạo việc làm cho học viên sau học nghề.

Các trường nghề của thành phố có trách nhiệm tham gia đề án để đảm bảo chất lượng ĐTN, xem đây là nhiệm vụ chính trị đối với địa phương. Đồng thời, cần phải có sự thống nhất trong cả nước về hướng dẫn các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia đào tạo.

BÀ NGUYỄN THỊ THÊ, CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ (LHPN) PHƯỜNG TRƯỜNG LẠC, QUẬN Ô MÔN:

Cần được hỗ trợ nguồn tiêu thụ sản phẩm lâu dài

 

- Có thể nói, thời gian qua, việc triển khai các lớp dạy nghề miễn phí cho phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu học nghề ở phường đã tạo sự phấn khởi trong chị em, giúp chị em có việc làm, cải thiện thu nhập gia đình. Chính vì vậy, việc triển khai Đề án này sẽ hỗ trợ tích cực cho địa phương trong công tác giảm nghèo theo tiêu chí mới.

Việc mở rộng đối tượng học nghề là cơ hội giúp nhiều chị em được theo học các lớp sơ cấp, ngắn hạn, tranh thủ thời gian nông nhàn có thêm thu nhập. Hội LHPN phường Trường Lạc đã và sẽ cố gắng phát huy tối đa khả năng truyền nghề của chị em. Chị em học nghề xong có thể hướng dẫn lại cho người thân, bà con trong khu vực, giúp thêm nhiều lao động có việc làm. Do trình độ học vấn của đa số phụ nữ nông thôn hạn chế nên chương trình, ngành nghề đào tạo cần phù hợp, dễ hiểu, tập trung thực hành theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Ban chỉ đạo đề án cần quan tâm nghiên cứu giải pháp việc làm sau khi học nghề cho người lao động. Tuy Hội LHPN phường đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Nếu được hỗ trợ về nguồn tiêu thụ, giá gia công, chúng tôi có thể phát triển mô hình tổ hợp nghề, làng nghề... theo định hướng của Hội LHPN thành phố.

ÔNG NGUYỄN QUỐC VỮNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM GIỚI THIỆU VIỆC LÀM THANH NIÊN TP CẦN THƠ:

Khuyến khích và tạo điều kiện cho học viên tự khởi nghiệp

 

- Đề án ĐTNCLĐNT TP Cần Thơ được triển khai tạo điều kiện cho lao động nông thôn được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Đáng phấn khởi hơn là Đề án đã đề cập đến mục tiêu trang bị kỹ năng, kiến thức nghề cho lao động nông thôn, đây là hạn chế khá phổ biến của lao động trẻ hiện nay. Song song với trang bị nghề cần có những tiết học định hướng cho người lao động về kỹ năng, mục tiêu và văn hóa nghề nghiệp... Có như vậy, người lao động mới đáp ứng, thích nghi với yêu cầu tuyển dụng và môi trường lao động. Không nên đánh giá hiệu quả của đề án qua số lượng lao động học nghề mà phải trên cơ sở sự biến chuyển về đời sống kinh tế của người lao động sau thời gian học nghề. Qua đó chứng tỏ sự đầu tư hợp lý, chính đáng của ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nghề.

Theo tôi, khi triển khai dạy nghề, cần phân kênh đối với người học. Đó là, học nghề xong đi làm việc hưởng lương và học nghề xong tự khởi nghiệp, để có hướng trang bị nghề thích hợp. Đối với lao động nông thôn, học nghề xong tự khởi nghiệp là rất phù hợp và bền vững. Vì vậy, họ cần được tạo điều kiện về vốn vay, thuế, trao đổi kinh nghiệm... để khuyến khích phát triển nghề nghiệp.

ÔNG LÊ QUANG HÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ TRƯỜNG XUÂN, HUYỆN THỚI LAI:

Phát huy trách nhiệm của địa phương trong tạo việc làm sau học nghề

 

- Triển khai Đề án ĐTNCLĐNT TP Cần Thơ trong thời điểm này là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thị trường lao động. Trong đó, xã Trường Xuân được chọn triển khai thí điểm mô hình may công nghiệp và sản xuất lúa giống của TP Cần Thơ. Hai lớp nghề này được triển khai ở ấp với 60 học viên. Sau khi kết thúc khóa học 4 tháng, các học viên lớp may công nghiệp sẽ được nhận hàng gia công ráp quần áo xuất khẩu cho một công ty may xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh có chi nhánh tại TP Cần Thơ, tiền công nhật khoảng 50.000 đồng/người. Để đề án triển khai có hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, trách nhiệm của chính quyền địa phương là yếu tố tiên quyết. Việc cần thiết là chú trọng khảo sát nhu cầu học nghề, chọn nghề đào tạo phù hợp với thực tế lao động tại địa phương và chủ động tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm...

Theo kế hoạch, năm 2011, xã Trường Xuân tổ chức 9 lớp sơ cấp các nghề may công nghiệp, đan đát và xây dựng trong Đề án ĐTNCLĐNT TP Cần Thơ để phát triển mô hình hợp tác xã tại xã. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng các cấp có kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn vay phù hợp, giúp lao động mua sắm các phương tiện cần thiết để hành nghề; tích cực hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định.

PHƯƠNG MAI (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết