NGUYỄN THÀNH NAM
Tôi biết Bến đò Đu Đủ (BĐĐĐ) hình thành trên trăm năm. Vì khi tôi tám chín tuổi nó đã có ở đây rồi.
BĐĐĐ trở thành một địa danh riêng, nằm trên quốc lộ 91 nối Cần Thơ đi An Giang thuộc địa phận phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Ngày xưa khu vực nầy rất ít nhà ở, chỉ có nhà ông Bảy Miều, nhà bác Hai Bang (con ông Bảy Miều), sau nầy thêm nhà bác Ba Sở. Còn lại là lung trũng, đất chưa khai hoang phục hóa năng lác mọc đầy nhiều loài động vật hoang dã làm chỗ trú thân như cá, lươn, rùa, rắn, chim, chuột...
Tại bến đò có một trại lá nhỏ do ai đó cất dùng che nắng che mưa cho khách ngồi chờ. Cạnh trại lá có hai cây đu đủ cao kề nhau như đôi uyên ương, người ta mới gọi thành danh “Bến đò Đu Đủ” từ đó.
Ngày xưa đường đất lầy lội trơn trợt khó đi, có chỗ bế tắc, xuồng ghe là phương tiện đi lại chủ yếu, nó quí như xe gắn máy, xe du lịch bây giờ. Bà con từ ngoài Bằng Lăng, Bà Luông, vàm sông Hậu... muốn đi đâu hay vận chuyển đồ đạc gì phải bơi chèo ngược vô BĐĐĐ.
Bên nầy lộ, cạnh nhà bác Hai Bang có con rạch nhỏ dẫn từ cầu Giáo Dẫn qua đến nhà bác là cùng đường, nước không thoát được ra sông cái nên đất đai ở đây vào mùa khô nước về chậm bị hạn hán, mùa lũ thì gây úng ngập. Cuộc sống tù đọng như thế nên dân vùng tôi bao đời rồi không mấy khá giả, ngày xưa thì con trâu cái cày, cù nèo cây phảng... nhà nông dãi dầu mưa nắng lắm khi không đủ gạo ăn, đa số học hành chẳng bao nhiêu, chỉ có lòng yêu nước là bao la theo các phong trào cứu quốc.
Thời binh biến hễ có chiến sự bà con kéo ra ẩn náo trong nhà bác Hai Bang, bác Ba Sở. Nhà nhỏ cất bằng cây lá đơn sơ không ngăn được lằn đạn miểng bom nhưng hai gia đình luôn mở rộng vòng tay đón tiếp, có lúc đông người phải trải đệm lót chiếu nằm la liệt đầy nhà.
Khu vực BĐĐĐ ngày đó cũng không yên ổn lắm nhưng nhờ ở ngoài lộ, người ta nghĩ chỉ có dân lành, đỡ hơn trong ruộng pháo binh và máy bay bắn phá tan tành cả cỏ lúa cũng úa màu.
Ngày trước muốn đi đâu, bà con bơi xuồng ra gởi nhà bác Hai Bang, ông bà không lấy tiền lại gìn giữ chu đáo. Cặp nhà bác Hai Bang sát mương có mấy gốc dừa nghiêng che cho nước mát để xuồng ghe cột đậu.
Những năm đầu khi cuộc Cách mạng bùng lên chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, tôi còn nhỏ nhưng hay chạy theo anh chú trong vùng ra BĐĐĐ xem đào lộ, đặt mìn để ngăn chặn các đoàn xe “nhà binh” qua lại. Hình ảnh mìn nổ tung xe, lính chết, số còn lại giơ súng bắn loạn xạ, “ô-buýt” đì đùng, xe “nồi đồng” nả đại bác giòn giã gây nên một vùng trời tang thương hỗn loạn... Sau những chiến công, anh chú chạy về làng mừng rỡ liên hoan, chặt tàu dừa kẹp vô giữa hai đùi, nhét hai ngón tay trỏ vào hai lỗ tai làm “ngựa ô ăn khớp” nhảy múa ca vang. Lúc đó tôi nghe rất vui nhưng không hiểu gì, lớn lên mới biết là những bài ca Cách mạng hun đúc ý chí chống kẻ thù xâm lược của nhân dân quê tôi.
Từ BĐĐĐ dọc mương lộ phía bên nầy ruộng ngày xưa bạt ngàn sen, chúng trổ bông ngát hương, sen hoang dã ai muốn hái nhổ cứ làm. Cho đến ngày Giải phóng nhà vẫn còn vắng, từ đó chạy vòng qua lộ tẻ Ba Se tới tận cầu Giáo Dẫn chỉ thưa thớt vài căn.
Trước Giải phóng, đoán được khu vực nầy giàu tiềm năng kinh tế nên một số người có tiền ở chợ Ô Môn xuống mua “đất cỏ bỏ”, phần lớn của địa chủ thời trước, lên bờ lập vườn, trồng xoài, dừa, chuối... Sau Giải phóng có chủ vườn tự hiến, một số vượt biên bỏ lại Nhà nước quản lý phân bổ xây dựng trường học, dành làm đất Quốc phòng, cấp cho cán bộ và người dân không nơi ở.
***
 |
Chợ Bến đò Đu Đủ bây giờ.
Ảnh: ĐĂNG HUỲNH |
Mỗi lần về lại BĐĐĐ những kỷ niệm vui buồn đan xen hỗn độn trong tôi. Có những kỷ niệm đau thắt cả lòng.
Nhớ lần đó tôi và người chị gái bơi xuồng ra BĐĐĐ đón ông anh thứ hai đi làm ngoài chợ Ô Môn. Suốt năm chúng tôi đưa rước anh như vậy vào mỗi cuối tuần. Chị em nhìn xe cộ qua lại nghe khoái chí vì ở trong vườn tù túng tối ngày chỉ biết đuổi gà, lùa vịt, bắt ốc hái rau, bồng em... có dịp ra lộ nghe thanh thản trong lòng. Năm đó anh còn trẻ lắm, chưa vợ con xem gia đình cha mẹ là tổ ấm. Chúng tôi chờ mãi không thấy anh về, nôn nóng không biết sao, lúc ấy đâu có điện thoại liên lạc như bây giờ.
Chúng tôi chờ mãi tới khi mặt trời khuất dạng, hai chị em bơi xuồng về giữa dòng nước lã chã tháng tám âm lịch mùa lũ dâng cao. Cả hai muốn khóc. Thường anh về là ôm chiếc lồng đèn đi soi cóc nhái, làm gà, nhổ lông chim bồ câu nấu cháo đậu xanh cho chúng tôi ăn.
Không thấy anh cha mẹ bồn chồn, linh tính cho biết có chuyện chẳng lành. Cha tức tốc bơi xuồng thẳng lên chợ trong đêm tối mù trời, gần hai tiếng đồng hồ tới nơi mới hay anh bị bắt, vì tội hoạt động rải truyền đơn tại thị trấn Ô Môn chống luật số 10/59 của Ngô Đình Diệm!
Người ta đưa anh vô “hàng gòn” (Phòng Công an điều tra Ô Môn ngày đó đặt dưới mé sông đầu chợ có trồng mấy cây gòn nên gọi như vậy).
Anh bị đánh đập khảo tra bằng nhiều nhục hình tàn bạo như thời trung cổ: họ trói hai tay anh ngược ra sau cho đứng trên ghế rồi đá cho ghế lật, thân treo lơ lửng lên cao ngoặt ngoẹo; dùng đinh ghim vào mười đầu ngón tay, vào đầu dương vật... Anh không nhận tội, họ đưa xuống “khám lớn” Cần Thơ tiếp tục điều tra liên tục nhiều ngày.
Những ngày anh ở trong tù, hai chị em tôi đi bắt cua đồng về đâm lấy nước pha với muối gởi vô cho anh uống để làm tan máu bầm!
Thơ ngây nhưng tôi biết nhớ thương anh, ôm cha khóc mỗi chiều vì nhiều lần chứng kiến cảnh “lính quốc gia” bắt bớ người trong xóm nên sợ lắm. Có người bị họ trói ké hai tay ra sau cột dây luồn qua dạ cầu kéo xuống chờ vừa chết ngộp mang lên đạp vào bụng cho nước trào ra; có người bị bịt miệng đổ nước xà-phòng vô mũi cho tắt thở; có người bị dẫn ra ruộng bắn bỏ; có lúc chúng bắt cả chục thanh niên vùng Trường Lạc gần Kinh Giải Phóng về Mộ Bà giữa lộ tẻ Ba Se bắn nhét dưới lục bình, bà con bơi xuồng chở xác thối rữa lạnh “tanh về ngang nhà, tôi nhìn tái dạ!
Ngày đó ai tham gia hoạt động Cách mạng đều bị chế độ cũ ghi vào sổ “bìa đen”, theo dõi bắt, duy có điều khi bị bắt bất cứ tội danh gì, kể cả hoạt động chống chế độ đương thời mà chạy chọt lo lót cũng có thể được tha.
Cha tôi về bán heo, vay hỏi tiền chạy lo. Người ta thả anh ra sau thời gian bị đánh đập bèo nhèo.
***
Ngày xưa từ BĐĐĐ muốn đi chợ Ô Môn thường phải lội bộ, đạp xe, đi lôi thùng, ba gác dần dần có xe lam, xe hơi...
Thời bao cấp nhiều khó khăn, từ sau năm 1975 xăng dầu khan hiếm xe đò phải chuyển sang sử dụng bình hơi nước đun bằng than. Hành khách ngồi chật như mắm nêm, leo đầy trên mui, đeo cả ngoài đuôi cho đến khi không còn chỗ nào thọt được cái chân, vói được cái tay xe mới từ chối rước! Và muốn đi xuống Cần Thơ cách BĐĐĐ chưa đầy 20 cây số phải lội bộ lên chợ Ô Môn 5-6 cây số chen vô mua vé xe!
Năm 1975 tại BĐĐĐ có một cỗ xe thổ mộ, người chủ ngựa dân gốc ở đây, không biết ông mang từ đâu về, từ ngày có nó bà con hoan nghênh vì tiện đi lại từ BĐĐĐ đến chợ Ô Môn. Thời gian không lâu con ngựa chết, ông chủ tiếc thương như người thân qua đời và người ta không còn nghe tiếng “cọc cạch” đơn côi của con ngựa màu nặng nề “số kiếp ngựa trâu” mỗi sáng trưa chiều đi về nữa!
Ngay bến đò nầy những năm sau ngày Giải phóng xóm làng tôi hay mang lúa thần nông ra phơi trải dài theo hai bên lộ mặc tình cho xe cộ chạy qua vì lúc đó chưa ai có khả năng làm sân phơi và nhà sấy nông sản như bây giờ, luật lệ giao thông còn lỏng lẻo, xe cộ qua đường ít nên không cấm cản. Xe chạy cán trên lúa nên khi xay ra gạo nát như tương, không làm giống tái sản xuất được. Bà con tạm chấp nhận thời kỳ ấy qua mau giúp mình tạo ra những kỹ năng sống.
***
Bến đò ngày xưa chỉ là cái trại với hai cây đu đủ chơ vơ chìa ra những chiếc lá xanh vàng như những bàn tay ai đón khách về, tiễn khách đi, chúc “thượng lộ bình an”. Giờ phát triển thành dãy phố hai bên. Mấy năm gần đây địa phương qui hoạch thổi cát lấp một đoạn kênh sát nhà bác Hai Bang làm chợ.
Chợ BĐĐĐ tuy nhỏ, mới hình thành nhưng tương đối nhộn nhịp. Tiểu thương thường là nông dân tay lấm chân bùn ra mướn lô sạp bán hoặc ai hái được thúng rau, bẻ trái cà trái mướp, bắt được con lươn con cá và các vật đồng khác ra cứ ngồi bán do đó đồ ăn ở đây có tiếng là tươi sống, ngon, rẻ. “Bạn hàng” chất phác không “chặt chém”. Nhiều khách đến mua rồi hay quay tới quay lui, có người từ phương xa mỗi lần xe ngang ghé lại thành thân quen với các cô bán hàng đôn hậu dễ mến đậm màu cổ tích, người ta không thấy nổi bật gì về món hàng đu đủ cũng như không nhìn thấy cây đu đủ nào. Có người thắc mắc tại sao gọi tên chợ như vậy? Ít ai trả lời được bởi phần đông mới lớn lên, có người từ chỗ khác đến không rành sự tích hai cây đu đủ thuở xưa.
***
Ngoài khu vực chợ, hai bên đường dọc theo lộ mọc lên nhiều cơ sở, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, công ty...
Ở đây có một trường tiểu học chuẩn quốc gia, một trường phổ thông cơ sở đạt nhiều danh hiệu, một trung tâm Tin học và Ngoại ngữ, một trường Quân sự lớn đào tạo nhiều binh sĩ, sĩ quan tài ba, trí tuệ cho các đơn vị.
Quán lớn mọc lên gần BĐĐĐ thu hút nhiều khách ẩm thực, người ta chú ý nhiều đến “Đu Đủ quán” vì nó mang cái tên gần gũi thân thương với địa danh nầy.
- Tôi gặp anh Tám Thắng (rể của bác Hai Bang) nhà đầu chợ BĐĐĐ, anh gốc người Hoa ở chợ Ô Môn, thương chị Hà (con gái bác Hai Bang) nên “đầu quân” về làm công dân BĐĐĐ hơn bốn chục năm nay. Sau Giải phóng anh hăng hái tham gia vào tập đoàn sản xuất, anh trở thành một nông dân giỏi đi dự nhiều hội nghị về phát triển nông nghiệp nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện anh có một cửa hàng bách hóa ngay đầu chợ BĐĐĐ, con cái thành đạt, hai vợ chồng già sống hạnh phúc bên nhau, hứa hẹn sự thủy chung đến tàn hơi mãn kiếp...
- Các con của bác Hai Bang như anh Ngoan, chị Hồng Quế, chị Quế Chi... nhà cửa đàng hoàng sống quanh chợ, có công ăn việc làm, phát triển quanh BĐĐĐ như một cộng đồng nhỏ thách thức bao đổi thay, bao thăng trầm khắc nghiệt của thời đại, thời gian.
- Vợ chồng chú Ba Tuồng ở trong ngọn Vạng Lịch Nhỏ lam lũ ruộng vườn cũng ra đây mua thêm cái sạp bán rau quả, nhờ thế mà nuôi con ăn học và cuộc sống trở nên khá giả. Mỗi lần gặp chú cười tươi mặt đậm nét nông dân: “Nhờ cái chợ nầy mà gia đình em phất lên anh à!”.
- Cô Phạm Thị Thu bán bánh mì mấy năm, chồng chạy honda ôm, con đi làm khu công nghiệp Trà Nóc cũng khoe đã khấm khá nhờ con chợ nầy.
- Nguyễn Văn Hải cũng một nông dân hiền từ ra chợ BĐDĐ cất được một căn nhà tương đối khang trang trực diện với cái bến đò ngày xưa, bán tạp hóa mới hai năm mà đã phát triển tốt. Cũng nụ cười “hiền khô như cục đất” gặp tôi nói: “Em đỡ rồi anh ơi!”.
- Chị Dũng có một cây xăng tại BĐĐĐ, xưa cũng gốc nông dân, có chồng về đây, bên chồng có đất rộng, mở cây xăng bán. Nặng phong cách nông dân nên có lần cúp điện tôi ghé đổ xăng, chị loay hoay múc xăng trong xô nhựa đổ cho khách. Tôi hỏi “bán như vầy xăng bay hơi hết sao chị có lời?”. Chị hồn nhiên đáp: “Kệ anh ơi, khách hàng ghé không đổ họ dẫn xe nặng nề đi xa tội nghiệp!”.
Vùng đất nầy có lẽ chịu một “phong thủy” tốt, nên hầu hết những ai từ chỗ khác đến đây làm ăn thường khá lên:
- Đứa cháu tên Bình ở Bà Luông, trong quê trước nghèo, ra thuê quán bán cà phê, bước đầu tiền vay bạc hỏi, thế mà trong vòng bảy tám năm cháu mua được đất tại đây, xây căn nhà “bạt lực” làm đại lý phân phối bia, nước ngọt cho cả vùng, có xe hàng lớn nhỏ riêng vận chuyển “ì xèo”.
- Vợ chồng chị chủ “quán Nhi” quê Thới Lai, lúc đầu ra đây rất khổ, mướnchỗ mở quán tại BĐĐĐ mới vài năm trở thành tỉ phú, nay mua một vùng đất rộng trên đường ra nhà máy nhiệt điện Ô Môn mở quán lớn hơn thu hút rất đông khách đến ăn nhậu.
- Cảm thương nhứt là cô Nhung, hai vợ chồng vất vả mướn nhà trọ ở, trời mưa tầm tã cô cũng che cao su chạy bán vé số. Cô mượn lề trống trước sân trường phổ thông bán “nhậu cóc ổi” vào ban đêm lúc không còn học sinh, nhà trường cám cảnh cho. Lúc đó cô chưa có vốn mua nổi một thùng bia để sẵn, khi khách đến chạy lấy, phải trả bằng tiền mặt! Nhiều anh em thấy xót xa đến ủng hộ, giờ cô mở được một quán nhậu khá tươm tất (quán “Nhung”) gần chợ BĐĐĐ khách đến đông, kinh tế gia đình phát triển vợ chồng vui vẻ hạnh phúc.
- Chị em DT ở Thới Long xuống mướn nhà bán cà-phê tại BĐĐĐ, lúc đầu rất vất vả, chưa quá hai năm dành dụm tích lũy vốn về Thới Lai mở quán lớn thu hút nhiều khách trong đó.
Một con đường đang mở mặt bốn thước trải nhựa từ BĐĐĐ qua cầu Giáo Dẫn bao quanh xóm Vạng Lịch Nhỏ thành một vòng cung rất nên thơ theo kế hoạch phát triển giao thông nông thôn của TP Cần Thơ làm bà con nức lòng vì mấy đời rồi cuộc sống ở đây còn mang đậm môi trường hoang dã, đường lộ nhỏ chưa hoàn chỉnh nên sức phát triển của bà con ì ạch.
***
Tôi thường ngồi chờ người thân cả ngày trời đói khát tại BĐDD hồi nhỏ, sau nầy đưa đón các con mỗi tuần đi học... Miên man những giai đoạn đợi chờ. Ký ức khó phai, từ việc nhỏ đến sự kiện lớn. Tôi chiêm nghiệm sức vươn lên của nó. Trăm năm qua cái bến đò sơ khai cũ kỹ ngày ấy đã thay da đổi thịt. Cái chợ mang tên cây trái miệt vườn nầy nó dung dị bao đời như quả đu đủ. Con người muôn năm vẫn lặng thầm một đức tính hiền hòa, một tấm lòng thiết tha, tử tế... mặc cho dòng đời nhộn nhịp, ồn ào, tất bật diễn ra. Chợ đã sầm uất rồi mà con người không xa cách theo kiểu thị thành “mạnh nhà nào nấy sống”, họ vẫn giữ mối thâm tình với nhau qua cốc rượu chun trà mỗi chiều rảnh rỗi, giữ vững hơi thở trăm năm của bến đò.
Tại BĐĐĐ, tôi đã chứng kiến bao đổi thay của thăng trầm sự thế, chiêm ngưỡng cảnh vật, nghe chuyện lòng ấp ủ nhân tâm gần suốt cuộc hành trình dâu bể đời mình. Miền ký ức tràn dâng mỗi lần về ngang qua nó nhớ bao ngọt, lạt, đắng, cay, lúc vơi, khi đầy...
Tôi ngắm dòng sông thơ mộng từ Bà Luông thổi đụng vào bờ lộ rồi chia tạt hai bên, một dòng chảy nhẹ len lỏi vào các ngõ ngách cho đến điểm tận cùng là đầu lộ 91B; một dòng thổi ngược về chợ Ô Môn. Hai dòng nước ấy đã góp công nuôi sống vùng đất màu mỡ của chung quanh, các dòng sông mà hồi giai đoạn khổ cực tôi thường bơi xuồng đến đó lặn ngụp móc cá chạch mặt mũi mốc cời khi mùa lũ kéo đi, tháng mười nước rút, gió lập đông lành lạnh thổi về.
Tôi ước mơ ai đó trồng lại hai hay nhiều cây đu đủ mang tính “trùng tu” để chợ có biểu tượng sống như gốc tích trăm năm của nó.
Những người còn nhớ chút kỷ niệm xưa hay bùi ngùi nhìn lại một chặng đường đã qua, tưởng như ông Bảy Miều còn ngồi canh chừng xe “nồi đồng” có chạy xuống bắn phá không?; bác Hai Bang trông giùm bà con chiếc xuồng; bác Ba Sở lục lọi thùng gạo mang ra nấu cháo cho bà con chạy giặc ăn lót dạ đỡ lòng.
Đời người ngắn ngủi rồi cũng sẽ qua đi theo trình tự của tháng lụn năm tàn, nó qui luật như ông Bảy Miều, bác Hai Bang, bác Ba Sở... Từng thế hệ nầy sang thế hệ khác, chợ sẽ vươn lên, tồn tại biết đến trăm năm nào với cái tên Bến đò Đu Đủ?