11/11/2022 - 11:03

Trà Vinh phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Vùng đất Trà Vinh giao thoa giữa đồng bằng và biển nên có hệ sinh thái, tài nguyên đa dạng để phát triển du lịch. Tỉnh Trà Vinh xác định phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa bản địa với nhiều sản phẩm đặc trưng: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp. Ngành Du lịch tỉnh đang tìm giải pháp để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Du khách trải nghiệm hoạt động ngâm dược liệu tại cồn Hô.

Du khách trải nghiệm hoạt động ngâm dược liệu tại cồn Hô.

Trà Vinh có nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là nét nổi bật, khác biệt so với các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL. Tại đây, có nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm. Trong đó văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer được đánh giá giàu tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch khác biệt. Tuy nhiên, tiềm năng này đến nay vẫn chưa phát huy rõ nét. Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Đất Chín Rồng, nói: “Trà Vinh nên phát huy các sản phẩm du lịch trên cơ sở văn hóa bản địa, nhất là khai thác văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đây là sản phẩm rất khác biệt so với các địa phương khác trong khu vực. Trà Vinh nên đầu tư trọng điểm vào yếu tố này để tạo sức hút du khách, bên cạnh các sản phẩm về du lịch hệ sinh thái cồn, nông nghiệp, cộng đồng”.

Trà Vinh có vị trí giữa hai nhánh sông Mekong và tiếp giáp biển. Tại đây hình thành hệ thống cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh thích hợp để Trà Vinh phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái. Bên cạnh những vùng trái cây sum suê của các cù lao Long Trị, Hòa Minh, Tân Quy nổi bật với loại hình du lịch sinh thái; thì Trà Vinh gần đây còn được biết đến với điểm sáng về du lịch cộng đồng ở cồn Chim và cồn Hô. 

Ðiểm du lịch cộng đồng cồn Chim (huyện Châu Thành) đi vào hoạt động từ năm 2019, có diện tích hơn 60ha. Tại đây có 17 hộ dân làm du lịch theo định hướng cộng đồng dựa trên các yếu tố thuận thiên. Người dân ở đây đồng lòng bảo vệ nguồn thủy sinh bằng cách tự nhiên nhất và sản xuất nông sản sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, nói không với hóa chất trong quá trình trồng lúa, rau, cây ăn quả. Mỗi nhà mỗi sản phẩm với những trải nghiệm khác nhau: đạp xe, câu tôm, câu cua, làm bánh dân gian, các hoạt động trò chơi tuổi thơ, ẩm thực Nam Bộ. Còn điểm du lịch cộng đồng cồn Hô (huyện Càng Long) hoạt động du lịch từ năm 2020. Người dân nơi đây làm du lịch theo mô hình du lịch “tự thân” gắn với cộng đồng, khai thác những gì có sẵn trong vườn ao nhà, đậm chất dân dã. Ðiểm nhấn nổi bật tại đây là trải nghiệm du lịch không điện về đêm. Du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên trong không gian đèn dầu.

Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH TMDV và Sự kiện IDO Travel Cần Thơ, đánh giá: “Du lịch ở cồn Chim và cồn Hô là điểm mới ở Trà Vinh với những trải nghiệm dân dã, mang đậm nét đặc trưng của vùng nông thôn vùng Tây Nam Bộ. Những sản phẩm du lịch này rất phù hợp với dòng khách thành thị và quốc tế khi muốn tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ xưa. Tuy nhiên hiện nay hai điểm này vẫn chưa được khách biết đến nhiều và địa phương cần phải đẩy mạnh quảng bá. Mặc khác, hạ tầng giao thông gắn với điểm đến cũng cần được quan tâm vì thực tế đường đi đến các điểm này vẫn còn khó khăn”. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh (An Giang), cho rằng: “Du lịch cộng đồng cồn Chim và cồn Hô rất phù hợp với dòng khách thành thị và quốc tế, cũng như các đối tượng học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về văn hóa bản địa, đời sống nông thôn Việt Nam. Sản phẩm tại đây rất đa dạng nhưng cần gia tăng tính trải nghiệm nhiều hơn để giúp du khách hiểu sâu về văn hóa Nam Bộ. Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng như quảng bá cần được kết nối nhiều hơn”.

Trà Vinh đang khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có từ các yếu tố văn hóa tại địa phương nên hệ thống sản phẩm du lịch vẫn chưa nhiều, còn đơn điệu, dịch vụ cũng thiếu tính đa dạng. Hoạt động thông tin, xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch còn hạn chế khi chưa định hướng được các thị trường trọng điểm, cũng như kết nối với các đơn vị lữ hành trong vùng và các khu vực lân cận. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch còn thiếu. Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: “Du lịch Trà Vinh có xuất phát yếu hơn so với các tỉnh, thành trong khu vực. Vào năm 2017, lượng khách đến Trà Vinh chỉ có khoảng 300.000-350.000 lượt khách. Những năm gần đây chúng tôi chú trọng đầu tư hơn và tạo sự thay đổi. Du khách vào năm 2019 đã đạt mức 1,2 triệu lượt. Chúng tôi biết rõ những hạn chế trong du lịch của địa phương và đang tìm những giải pháp để khắc phục, đẩy mạnh sự phát triển du lịch trong thời gian tới”.

Du khách xem đua cua tại cồn Chim.

Du khách xem đua cua tại cồn Chim.

Tìm giải pháp và định hướng phát triển

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Trà Vinh xây dựng Chương trình phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (chương trình) để có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành hữu quan. Chương trình xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh Trà Vinh cùng phát triển. Trong đó, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, tập trung xây dựng “hệ sinh thái du lịch”, ưu tiên khởi nghiệp du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển du lịch bền vững.

Mục tiêu đến năm 2025, du lịch Trà Vinh dự kiến đón 1,7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch trên 930 tỉ đồng, chi tiêu bình quân của khách du lịch là 1 triệu đồng/lượt. Dự kiến đến năm 2030, Trà Vinh đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 45.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch trên 1.850 tỉ đồng, chi tiêu bình quân khoảng 1,8 triệu đồng/lượt du khách. Thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh là 1,5 ngày/người. Mục tiêu tập trung xây dựng các điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch: du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp; hình thành các sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu di sản của đồng bào dân tộc Khmer...

Trên cơ sở này, tỉnh Trà Vinh có 9 nhóm giải pháp: đổi mới nhận thức, tư duy về du lịch; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Thời gian tới, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng 3 không gian du lịch mới có tính liên vùng (không gian du lịch đô thị xanh, không gian du lịch sinh thái biển, không gian du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc); mời gọi các dự án đầu tư du lịch quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng và tạo thêm nhiều sản phẩm từ du lịch cộng đồng; đầu tư cho hệ thống giao thông.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết thêm: “Để thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND Quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025, trong đó 14 nội dung để hỗ trợ người dân làm du lịch, nhất là các hoạt động du lịch cộng đồng. Đây là bước mở trong cơ chế chính sách để người dân làm du lịch. Chúng tôi cũng đang tìm những giải pháp để có những cơ chế chính sách mở cho các nhà đầu tư du lịch với các dự án lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quy hoạch nguồn vốn khoảng 500 tỉ đồng để đầu tư cho hạ tầng cơ sở gắn với hoạt động du lịch, nhằm tạo điều kiện kết nối điểm đến thuận lợi hơn”.

Du lịch Trà Vinh chỉ mới có sự chuyển biến trong khoảng 5 năm nay, các điểm đến đang được du khách biết đến nhiều hơn. Đây cũng tiền đề cơ sở để địa phương có những định hướng về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

 

Chia sẻ bài viết