01/06/2018 - 07:18

Thành ủy Cần Thơ

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW và​ triển khai Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư 

(CT)- Sáng 31-5, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” (Chỉ thị số 24) và triển khai, quán triệt thực hiện Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) “Về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Kết luận số 23). Các đồng chí: Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Võ Thành Thống, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố… đến dự.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24. Ảnh: ANH DŨNG
Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24. Ảnh: ANH DŨNG

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển, ngày càng thu hút nhiều người bệnh đến điều trị. Đến nay, thành phố có 1 Bệnh viện Y học cổ truyền, 1 bệnh viện đa khoa có Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng; Trường Đại học Y dược Cần Thơ có Bộ môn y học cổ truyền; các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện đều có khoa hoặc tổ y học cổ truyền; tất cả 85 trạm y tế tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; có 101 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 119 phòng chẩn trị về đông y… Đến năm 2017, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã khám bệnh, điều trị bằng thuốc thang, châm cứu và điều trị các phương pháp bằng y học cổ truyền cho hơn 5,3 triệu lượt bệnh nhân. Tỷ lệ khám bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tuyến y tế thành phố chiếm tỷ lệ 12,3%, tuyến huyện chiếm tỷ lệ 5,6%, tuyến xã chiếm 30,7%. Trong 10 năm, các cơ sở đông y thành phố đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 3,8 lượt người… Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; trình độ chuyên môn về y học cổ truyền của cán bộ, nhân viên còn hạn chế; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y học cổ truyền chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại hội nghị, BTV Thành ủy triển khai, quán triệt thực hiện Kết luận số 23. Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng bộ thành phố và sự đồng thuận trong xã hội về vị trí, vai trò của báo chí trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạt động báo chí, xuất bản; phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. BTV Thành ủy đã xác định 8 nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện tốt Kết luận số 23.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Hiểu lưu ý, thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền đông y và Hội đông y trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và y, bác sĩ đông y có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy hiệu quả, thế mạnh của đông y, đông dược trong chăm sóc sức khỏe của nhân dân; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về y tế và xã tiên tiến về y học cổ truyền. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nhất là trong việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cho các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực phát triển nền đông y thành phố…

Về thực hiện Kết luận số 23, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ nội dung thông tin và hoạt động báo chí, xuất bản trên địa bàn; định hướng thông tin tuyên truyền, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố. Phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Các cơ quan báo chí trên địa bàn chủ động đấu tranh phê phán, phản bác những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Tiếp tục phát động mạnh mẽ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thành tựu trên các lĩnh vực của thành phố…

Tại hội nghị, có 5 tập thể, 10 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24.

ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết