03/05/2021 - 18:41

Tình hình tổ chức và hoạt động của HÐND các cấp TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021

(Tiếp theo kỳ trước)

Về hạn chế:

- Ðối với công tác khảo sát, giám sát, có những vấn đề, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, cũng như mong muốn của cử tri thành phố. Số lượng các cuộc giám sát cấp huyện, cấp xã được nâng lên, nhưng có mặt cũng chưa thật sự mạnh, một số kiến nghị sau giám sát có khi chưa được tái giám sát để khẳng định kết quả giải quyết đến đâu. Mặt khác, cũng do chính sách hoặc điều kiện về kinh tế, tài chính nên trong thời gian ngắn cơ quan hữu quan không thể thực hiện được.

- Một số đại biểu chưa chủ động bố trí thời gian hợp lý để tham gia hoạt động của HÐND; chưa đầu tư thời gian đúng mức cho việc nghiên cứu tài liệu, tham gia họp tổ. Hoạt động chất vấn của đại biểu HÐND (cấp huyện, cấp xã) tại kỳ họp còn hạn chế, đại biểu HÐND ít chủ động đặt vấn đề nội dung chất vấn trực tiếp tại kỳ họp; khi thực hiện chất vấn, cũng chưa tranh luận để giải quyết rốt ráo, dứt điểm. Một số trường hợp, ý kiến phát biểu của đại biểu thường về công tác chuyên môn, chưa mang tính đại diện cho cử tri khi thực hiện chất vấn.

- Hiện nay, việc ban hành nghị quyết quy phạm phạm pháp luật đã được quy định, hướng dẫn tại Nghị định số 34/2016/NÐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, đối với các nghị quyết cá biệt chưa có văn bản pháp lý quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nên dễ dẫn đến sự chuẩn bị thiếu chu đáo của cơ quan được phân công soạn thảo. Ngoài ra, việc hướng dẫn phân loại nghị quyết của HÐND loại nào là quy phạm pháp luật, loại nào là cá biệt chưa đầy đủ để các địa phương thực hiện thống nhất.

- Trong việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND năm 2015:

+ Về thực hiện chương trình giám sát: Do việc ban hành chương trình giám sát và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của HÐND và thường trực HÐND trước hoặc sau thời điểm giám sát khoảng 6 tháng nên một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, thiếu tính “thời sự” đối với đời sống xã hội.

+ Về chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau giám sát: Ðiều 89 của Luật chỉ quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các trường hợp này nên việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát có lúc chưa thực hiện nghiêm túc.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết