13/01/2018 - 15:48

Tính giao tiếp trong tín ngưỡng thờ ông Tà ở Cần Thơ 

Ngay từ buổi đầu khai phá, Cần Thơ đã là vùng đất quần cư của nhiều tộc người. Trong đó, người Việt, người Khmer, người Hoa có mặt ở vùng đất này từ rất sớm. Họ cùng chung lưng đấu cật chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khẩn hoang. Khi đất đai đã được thuần, các dân tộc này lại cùng đoàn kết để cày cấy, đánh bắt, nuôi trồng… chung sống hòa bình trên vùng đất mới. Vì lẽ đó, văn hóa của các dân tộc tuy có nét riêng nhưng cũng có những điểm chung và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Việc người Kinh và người Hoa lập miễu thờ thần NeakTa của người Khmer là điều hết sức bình thường. Ngược lại, người Khmer, người Hoa có niềm tin với Bà Chúa Xứ, Bà Cố Hỉ của người Chăm và Bà Thiên Hậu của người Hoa cũng không có gì lạ. Đó là kết quả tất yếu của giao tiếp văn hóa dân tộc, thể hiện mối quan hệ nhiều chiều trong nội bộ hoặc giữa các cộng đồng dân tộc, chủ yếu bao gồm các quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa(1). Trong các loại hình đó, giao tiếp trong tín ngưỡng thờ ông Tà là một đặc điểm nổi bật.

 Miễu Ông Tà ở Đình Thới Bình, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

NeakTa là vị thần đất của người Khmer, có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ đá ở Nam Á cổ xưa. Thờ đá là một tín ngưỡng nguyên thủy rất phổ biến trên thế giới. Với quan niệm những tảng đá, viên đá là nơi trú ngụ lý tưởng của các thần linh có thần lực cực mạnh (như sức mạnh rắn chắc của đá), người xưa coi đá là một trong những vật vô cùng linh thiêng. Theo dòng chảy của thời gian, tín ngưỡng thờ đá có ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Ở khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, tín ngưỡng này vẫn tồn tại dưới hình thức thờ cúng rất nguyên sơ. Cư dân của nhiều cộng đồng dân tộc trong vùng Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…) coi đá như là vật bảo mệnh của cả cộng đồng. Người ta xếp đá thành từng đống lớn trước cửa làng, đặt đá dưới cây cột hiến tế cạnh ngôi nhà chung của làng, hoặc đặt trên bàn thờ cạnh các tượng Phật để thờ cúng. Thậm chí, ở một số dân tộc, đá còn được xếp ở các kho thóc để canh giữ, bảo vệ sự an toàn cho các thần lúa, hồn lúa… Không chỉ có vậy, cư dân trong vùng còn thường xuyên mang theo mình một vài viên đá với hy vọng, thần lực của thần linh trong những viên đá lấn át mọi thần lực gây hại, bảo vệ họ khi họ bị thần lực gây hại tấn công(2).

NeakTa là vị thần trông coi sức khỏe và sự thịnh vượng ở những nơi mà ông gìn giữ. Ông chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở đó, nên mỗi khi có dịch bệnh, mất an ninh trong phum sóc, mùa màng thất bát, nhất là khi hạn hán xảy ra, người ta đều làm lễ cúng NeakTa. Vì vậy, NeakTa là vị thần của dân gian, đồng thời cũng là vị thần có quyền uy tối thượng khiến những kẻ làm ác phải kiêng dè. Nơi thờ cúng NeakTa thường là những ngôi miễu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ở ngã ba sông hay dưới gốc cây to trong mỗi ấp; cũng có khi miễu thờ được xây to hơn bằng gạch được đặt trong khuôn viên chùa, hay ở một vị trí trung tâm nào đó trong phum, sóc. Trên bệ thờ mỗi miễu thường là những viên đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của NeakTa.

Trên bước đường khai hoang mở cõi, những lưu dân người Việt từ miền ngoài vào không khỏi lo lắng trước một thực tế thiên nhiên còn hoang sơ, những nỗi lo về dịch bệnh, thú dữ… luôn thường trực trong cuộc sống. Họ có tín ngưỡng thờ ông Thổ thần, Thổ địa, nhưng cũng kính trọng quyền năng của các vị NeakTa. Để yên tâm trong công cuộc phá rừng, đào mương, cày cuốc… họ cũng dần tiếp nhận niềm tin vào vị thần Đất của người Khmer đang ngự trị trên khu vực đất đang khai phá với ước mong được yên ổn làm ăn, cầu xin thần phù hộ tai qua nạn khỏi… Trong quá trình giao tiếp, lưu dân người Việt lần hồi tiếp nhận vị thần này bằng cảm quan cho phù hợp với tâm tính của dân tộc mình. Từ đó, có tính ngưỡng thờ ông Tà với chức năng của một vị thần Đất ra đời.

Tập quán thờ NeakTa với tư cách là thần sông, thần cây đa, thần giếng nước của người Khmer được người Việt tiếp tục thực hiện nhưng có ít nhiều cải biên cho phù hợp với tín ngưỡng của địa phương. Miễu ông Tà của người Việt cũng được dựng lên đơn sơ như miễu NeakTa của người Khmer bản địa, cũng với vài hòn đá có hình trái dưa gang, được dựng ở ven sông, ven đường, gò đất cao nơi hoang vắng… Miễu là cái am nhỏ khoảng một mét vuông, thường là theo kiểu nhà sàn, bên trong bài trí đơn sơ với vài viên đá hình tròn hoặc bầu dục, một lọ cắm nhang, vài chung nước.

Cá biệt có nơi, miễu ông Tà được xây bằng xi măng, trong có bài vị bằng chữ Hán ghi hai chữ Thạch Thần - Thần Đá. Trong miễu, ngoài những viên đá hình tròn còn có thờ thêm các vị Tài thần, Thổ địa như miễu ông Tà trong khuôn viên đình Thới Bình, thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Cũng như người Khmer từ trước tới nay, trong khi đào mương, làm ruộng lập vườn, tình cờ gặp những viên đá hình bầu dục giống như quả dưa gang, người Việt cũng đưa vào miễu ông Tà để thờ, hoặc lập miễu mới. Đó là trường hợp của miễu ông Tà trong khuôn viên miễu Bà ở Xóm Chài, thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Khi người dân nơi đây đào đất đắp đường, phát hiện những viên đá hình tròn, họ cho rằng đó là đá thần nên lập miễu thờ trong khuôn viên miễu Bà.

So với thần NeakTa của người Khmer thì quyền năng của ông Tà người Việt ít hơn nhiều. Trong khi nội dung thờ NeakTa của người Khmer là cả một hệ thống niềm tin tín ngưỡng rất phong phú, bao gồm nhiều chức năng vừa là thần của một vùng núi rừng, ruộng rẫy, làng xóm… vừa là tôn thờ nhân vật có công với làng nước, vừa là ông tổ của một dòng họ … thì ông Tà của người Việt chỉ có chức năng cai quản khu vực đất ruộng rẫy, không nằm trong khuôn viên đất thổ cư(3).

Tính giao tiếp trong tín ngưỡng thờ ông Tà ở Cần Thơ, trước hết và trên hết chính là nhằm để tăng cường thêm sức mạnh tinh thần cho người khai hoang trong quá trình tiếp xúc, chung sống và quan hệ với những cộng đồng người cũng như với những thế lực siêu nhiên trên đường đi đến và ở lại của họ nơi vùng đất mới. Cứ như thế, những giá trị được tích hợp thông qua các quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa… ngày càng mở rộng để từng bước góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ở địa phương(4).

 

(1) Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.45-46.

(2) Lê Như Hoa (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.37-38.

(3) Nguyễn Hữu Hiếu, Sđd, tr.261-265.

(4) Huỳnh Quốc Thắng, Sđd, tr.156-158.

Chia sẻ bài viết