Nội dung tín ngưỡng ở các ngôi đình tại Cần Thơ cũng như ở Nam bộ có thể được chia thành các hình thái sau: Thành Hoàng, Thần linh, Cô Hồn, Thần Thánh ở các tư gia gửi tới và Danh Nhân. Việc các đình thờ danh nhân thể hiện đạo lý uống nước nhờ nguồn, tấm lòng của hậu thế với tiền nhân mở đất, tri ân các vị anh hùng dân tộc.
Trong nội dung thờ danh nhân ở các ngôi đình tại Cần Thơ, thì Tiền Hiền - Hậu Hiền là các bậc tiền bối khai hoang lập đất. Tiền Hiền là những vị có công quy dân khai hoang và Hậu Hiền là những người đắp lộ, xây cầu, dựng chợ… Vì vậy, trong các dịp cúng đình, người ta thường khấn “Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ”. Bàn thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền là hương án được đặt trong chính điện của đình, cạnh bàn thờ của Tả Ban và Hữu Ban, nằm hai bên hương án thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng. Trong các ngôi đình ở Cần Thơ, ít ai còn biết họ tên, tiểu sử của các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền; chỉ trừ một vài nơi như đình Thuận Hưng, đình Bình Thủy.
Bàn thờ anh hùng Nguyễn Huệ ở đình Bình Thủy.
Đình Bình Thủy thờ ông Đinh Công Chánh. Truyền thuyết kể rằng năm Quý Sửu, ngày 15 tháng 8 năm 1913, ở tại làng Long Tuyền dịch bệnh tràn lan. Một số nhân sĩ trong làng thỉnh chư nho đến cầu cơ xin thuốc cho đồng bào trị bệnh thời khí. Đinh Công Chánh tôn thần giáng cơ cho thuốc cứu người mắc, sẵn dịp ra cuốn “Hiếu Để Liêm Tiết” khuyên đời. Vì ông cho thuốc cứu độ nhân dân, làm sách khuyến thiện, nên trong làng làm bài vị thờ tại đình từ năm 1913. Còn tấm biển di tích lịch sử ở đình Thuận Hưng có trích di bút của cụ Hậu Hiền Thái Văn Sơn cho biết người khẩn đất lập làng, xây đình là cụ Lê Văn Liễu, không rõ năm sinh, năm mất, người làng Chi Long, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Cụ cùng một số tùy tùng đến đây khẩn hoang lập ấp và xây dựng ngôi đình vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1845). Sau khi ông mất dân làng tôn làm Tiền Hiền.
Một điểm thú vị khác là hầu hết đình ở Cần Thơ đều có thờ Tiên Sư chung với Tiền Hiền và Hậu Hiền. Ở Cần Thơ, Tiên Sư được hiểu là ông Tổ của nghề dạy nhạc. Việc tôn thờ các vị này thể hiện sự tri ân của cháu con đối với tiền nhân đã dạy cho họ lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế ở đời, sử dụng âm nhạc trong tế lễ… Một số đình ở Cần Thơ còn thờ Tiền Vãng, có nơi gọi là Hương chức Tiền Vãng hay Hương chức Tiên Giác. Đây là hương chức các nhiệm kỳ từ trước đến nay trong làng đã qua đời. Hương án thờ Tiền Vãng được đặt bên hông chánh tẩm.
***
Để ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, hầu hết các ngôi đình ở Cần Thơ đều có bàn thờ của các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… Đặc biệt, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều ngôi đình ở Cần Thơ đã đưa ảnh Bác vào thờ ở nơi trang trọng nhất. “Các đình thờ Bác Hồ như là hình thức nhớ ơn người đã sáng lập ra Đảng và Nhà nước ta, đã dẫn dắt dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi đánh đuổi ngoại xâm và mang lại độc lập tự do và hạnh phúc cho mọi người. […] Ở những đình này, mỗi khi đến lễ Kỳ Yên, trước khi lễ thần, thường có lễ tưởng niệm Bác Hồ và liệt sĩ.”(1)
Một nhân vật nữa được thờ tại các đình ở Cần Thơ là anh hùng Nguyễn Trung Trực. Người dân ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng lưu truyền rất nhiều truyền thuyết tôn vinh sự anh dũng, lòng yêu nước và căm thù giặc của ông. “Khi ông Nguyễn ở Hòn Tre dồn sức xây dựng lực lượng thì tại Rạch Giá, một tên xã trưởng dâng kế cho giặc bắt giam mẹ ông cùng một số dân lành vô tội. Thương dân, thương mẹ, lại biết vận nước đang suy, một mình khó bề cứu nỗi cơ đồ, ông Nguyễn đành chọn cái chết để cứu bao người. Bắt được ông, giặc khuyến dụ, nếu ông chịu thần phục thì sẽ được cử làm công sứ miền Tây. Chúng hẹn trong bảy ngày để ông suy nghĩ. Đến hẹn, Nguyễn Trung Trực mặc võ phục, đeo kiếm đến trước mặt kẻ thù. Ông rút kiếm chém xuống đất, thà chịu rơi đầu chứ không chịu hàng. Tên Việt gian Huỳnh Công Tấn cố khuyên ông Nguyễn nên theo Pháp để được an toàn và được hưởng lợi lộc. Ông Nguyễn không thèm nghe. Khi Tấn dụ ông nhận một chức lớn gì đó, ông khẳng khái đáp: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, chức gì mà tôi có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây”. Lại có lời truyền rằng, khi một sĩ quan Pháp bảo rằng, dù ông có theo chúng hay không, chúng cũng sẽ diệt hết phong trào kháng Pháp. Ông Nguyễn bảo: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”. Bọn giặc biết không tài nào thuyết phục ông Nguyễn nên chúng tuyên án tử hình ông và đưa ông về Rạch Giá. Được tin dữ, đồng bào Tà Niên - một làng có nghề trồng chiếu nổi tiếng và là nơi có nhiều người tham gia nghĩa quân của ông Nguyễn - đã dệt gấp một số chiếu bông. Ngày 27 tháng 10 năm 1868, giặc Pháp chọn chỗ đất (nay là bưu điện Rạch Giá) làm pháp trường xử tử ông Nguyễn. Sáng sớm, chỗ đất ấy đã được trải kín chiếu bông Tà Niên để cho ông Nguyễn đi. Nơi ông đứng thọ án, người dân trải một chiếc chiếu bông cực đẹp, chính giữa có dệt hồi văn chữ THỌ lớn.”(2)
Vì lẽ đó, nhiều ngôi đình ở Cần Thơ thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở gian chính điện và xem ông là Thành Hoàng của làng mình, như đình Cái Sâu, đình Thạnh An, đình Bến Bạ… Cũng với tấm lòng tôn kính đối với các anh hùng dân tộc, đình Thới Thạnh thờ “Di tượng 30 vị anh hùng liệt sĩ Việt Nam cận đại”, đồng thời còn là nơi để dân làng gởi gắm những ước vọng an lành, mong cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Việc các ngôi đình ở Cần Thơ đưa danh nhân vào thờ cúng là một nét đẹp, “thể hiện trách nhiệm của các thế hệ cháu con đối với các bậc tiền nhân. Trách nhiệm đó không chỉ thể hiện qua những hành động cúng tế cụ thể mà sâu rộng hơn nữa là giữ gìn những tập tục vốn là nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.”(3)
TRẦN PHỎNG DIỀU
(1) Hồ Tường (Chủ biên) - Nguyễn Hữu Thế, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, tr.112.
(2) Võ Phúc Châu (2011), Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858-1918), NXB Thời Đại, tr.348-351.
(3) Võ Thanh Bằng (Chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG TP.HCM, tr.139.