09/06/2012 - 21:37

Tín ngưỡng Arak của người Khmer Nam bộ

Như nhiều dân tộc anh em khác, người Khmer ở Nam Bộ có nhiều tín ngưỡng rất đặc sắc. Một số đã bị mất theo thời gian, hoàn cảnh sống và theo đà phát triển của xã hội. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về tín ngưỡng Arak- một tín ngưỡng cổ xưa của bà con gần như đã mai một để độc giả hiểu thêm về một nét văn hóa độc đáo của người Khmer.

Arak được người Khmer Nam Bộ hiểu là vị thần giữ gìn, bảo vệ, cho nên tín ngưỡng Arak là tín ngưỡng về vị thần bảo vệ của mình. Đây là vị thần không có hình dáng xác định, được bà con người Khmer cho là có nguồn gốc là linh hồn người chết nhưng hiển linh được tôn làm thần để bảo vệ dòng họ, gia đình, nhà cửa.

“Những quyền năng vô hạn của linh hồn mà người xưa đã gắn cho nó chủ yếu xuất phát từ sự chiêm nghiệm các giấc mộng thấy người chết hiện về đã khiến họ có những ứng xử tâm lý hoàn toàn rất tự nhiên: phải làm sao cho các linh hồn không thù oán, tức giận mà gây ra những hành động phương hại cho cuộc sống của họ. Vì mọi sự kiện xảy ra trong đời sống đều phụ thuộc vào thái độ của người sống với linh hồn, nên để tránh mọi rủi ro, bất hạnh cho cuộc sống của mình, người dân cần phải tôn vinh các linh hồn, vỗ về tranh thủ các linh hồn để các linh hồn che chở, bảo hộ cho cuộc sống của họ. Và sự thờ cúng các linh hồn của người, tức thờ cúng người chết, là một phản ứng ứng xử tâm lý của người xưa nhằm thỏa mãn những nhu cầu lợi ích của chính họ đã dần trở thành một hành động không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của con người ở rất nhiều nơi trên trái đất”.1

Thần Keynok của người Khmer. 

Đối với người Khmer Nam Bộ, mỗi dòng họ có thể có nhiều Arak: Arak chou -buô (Arak của dòng họ); ngoài ra còn có Arak bảo vệ khu đất (Arak phum); Arak giữ rừng (Arak preay); Arak bảo vệ nhà (Arak phteah); Arak bảo vệ gia đình (Arak Trâkâul)...

“Người ta cúng Arak mỗi khi gia đình có chuyện chẳng lành, có người ốm đau, làm ăn xui xẻo, hay gặp tai nạn bất ngờ. Có nhiều kiểu cúng Arak, và muốn cúng theo kiểu gì, chủ nhân đều phải hỏi thầy bói (Kruteay) mới biết tai nạn ấy thì cúng Arak nào, và bằng lễ vật gì. Tùy theo Arak quan hệ với việc cầu mà có bài tụng, vật cúng tương ứng, cùng với quy mô của lễ cúng khác nhau. Đối với cúng lớn hơn thì có mời thầy bói và người nhập Arak (Rup Arak) thì phải sắp lễ vật theo yêu cầu của các thầy (thầy cúng)”.2

Sau đó, thầy cúng sẽ làm động tác rót rượu mời thần, mong thần về nhập xác để chỉ bảo cách chữa bệnh cho người ốm, cũng như nhờ thần bảo hộ để được trực tiếp nghe sự chỉ đạo. Về nguồn gốc nhập thần, dân gian Nam Bộ truyền tụng rằng:

“Ngày xưa có một vị sư tên Lôkta srây. Ông đi vận động bà con Phật tử ở phum Sangke đóng góp xây dựng một ngôi chùa ở đây. Trong khuôn viên chùa ông trồng nhiều loại cây, có cả cây chuối. Nhưng ở một nơi trồng chuối, ông cho trồng đi trồng lại nhiều lần mà cây chuối vẫn chết. Quá ngạc nhiên, ông cho đào bới nơi ấy. Xuống sâu khoảng nửa thước, gặp hai phiến đá chồng lên nhau, ông cho lấy hai phiến đá lên, thấy ở dưới một bức tượng cũng bằng đá. Tin ấy đồn đi khắp nơi, bà con xúm nhau lại xem, rồi rủ nhau làm phước cho tượng đá ấy 3 ngày đêm. Xong mới đem tượng đá rửa sạch bùn, thấy hiện rõ đó là bức tượng của một phụ nữ, có búi tóc ở đỉnh đầu, bà con cho là tượng nữ thần.

Lúc đó ở gần chùa có một bà lão tên Deay Khmau, bị bệnh phù thủng hơn hai năm nay điều trị không hết. Khi nghe ở chùa có tượng nữ thần, bà cho đứa cháu gái đi xin nước thần, đem về thoa khắp thân mình. Lạ thay, bịnh tình của bà lão thuyên giảm dần, đến ngày thứ 7 thì dứt hẳn. Bà lão mới đến chùa và thắp nhang lạy tạ ơn cứu mạng của tượng nữ thần. Phút chốc bỗng bà lão gục gặc đầu, càng lúc càng nhanh, rồi đứng dậy múa hát quanh bức tượng và hỏi nhà sư rằng:

- Nhà sư không nhận ra tôi à?

Nhà sư trả lời:

- Thật tình tôi không biết Lôk Deay (bà lão). Lôk Deay từ đâu đến dây?

Bà lão trả lời:

- Ta là nữ thần bảo vệ con người. Thật là hữu duyên, các ngươi mới tìm gặp ta ở dưới lòng đất, nên các ngươi có quyền được hưởng mọi sự bảo hộ của ta.

Từ đó về sau, mọi người trong phum sóc có bịnh hoạn hoặc có điều gì không may thường đến xin cầu cúng Deay Khmau xin bà lão nhập thần để chỉ bảo”.3

Khi trong gia đình có người đau yếu, hoặc có chuyện cần cầu xin, “người Khmer thường tổ chức nhập đồng, ngoài các lễ vật phù hợp còn phải có 2 hoặc 4 người đánh trống (skor Arak), một người đàn gáo, một người thổi sáo và một người sử dụng chà pei. Khi người lên đồng đặt hai tay lên mâm lễ vật thì nhạc tấu lên điệu lên đồng (chol Arak) được ca lên. Người lên đồng lúc đó uốn éo, có nhiều hành động khác thường như uống nước liên tục, ngậm rượu phun vào người bệnh... và nói những câu đặc biệt để chữa bệnh hoặc nói với chủ nhà phải làm một số điều gì đó thì bệnh mới khỏi được”.4

Tóm lại, tín ngưỡng thờ Arak của người Khmer Nam Bộ là tín ngưỡng thờ thần bảo vệ. Vị thần này có phạm vi ảnh hưởng trong gia đình và dòng họ, nên hễ trong gia đình có người ốm đau bệnh hoạn người ta sẽ cúng Arak để cầu mong thần giúp đỡ mà trị khỏi bệnh. Đây là dạng tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời của người Khmer Nam Bộ. Trong điều kiện lúc bấy giờ, mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, “người ta luôn tìm chỗ dựa tinh thần vào tổ tiên của dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp trong những khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tai nạn... Nhưng dưới sự truyền bá sâu rộng của Phật giáo Nam Tông, các loại tín ngưỡng dân gian của người Khmer càng ngày càng bị biến đổi hình dạng. Đến nay do trình độ dân trí của người Khmer đã được nâng cao, nên một số tín ngưỡng về Arak cũng đang dần dần mai một”.5

TRẦN NGU LẠC

Chia sẻ bài viết