05/06/2013 - 09:55

Đồng Tháp

Tìm hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu

Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Đồng Tháp thành lập theo Quyết định 954/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24-6-2010 về Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Theo đó, KKTCK này có diện tích 31.936 ha thuộc thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng. Định hướng KKTCK phát triển theo hướng khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

KKTCK Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) cùng 5 cửa khẩu phụ là Sở Thượng, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú, Thông Bình. KKTCK Đồng Tháp có vị trí về đường giao thông khá thuận lợi - cách TP Hồ Chí Minh khoảng 180km và đến Phnom Penh khoảng 100 km. Giao thông đường thủy - sông Tiền thuận lợi để vận chuyển hàng hóa từ Campuchia sang Việt Nam và đi ra Biển Đông qua cửa khẩu Thường Phước. Hiện nay, rất nhiều hạng mục công trình của KKTCK Đồng Tháp đã được hoàn tất do tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi về giải phóng mặt bằng, sử dụng đất… nhằm thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, các chính sách thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… được giảm từ 30-50% hoặc miễn thuế. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng để có thể thu hút nhà đầu tư vào KKTCK cũng có những khó khăn nhất định.

Vừa qua, Đồng Tháp tổ chức tọa đàm phát triển KKTCK. Tại hội nghị này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, KKTCK của tỉnh mở ra nhiều cơ hội mới nếu biết đầu tư đúng chỗ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Ông Sheng Meng - Chủ tịch HĐQT Siêu thị Việt Nam tại Campuchia - người có 30 năm làm ăn và sinh sống tại Campuchia - cho rằng Campuchia là một trong những thị trường tiềm năng. Thời gian qua, hàng hóa Việt Nam được người dân nước Campuchia ưu tiên chọn lựa. Vì vậy, để phát triển KKTCK thì việc xây dựng kho ngoại quan là một trong những điểm cần thiết. Nếu có kho ngoại quan, tất cả sản phẩm của doanh nghiệp được đưa vào kho và không phải chịu 2 lần thuế GTGT như trước đây, khiến giá thành của sản phẩm giảm sẽ đủ sức cạnh tranh với sản phẩm khác. Cũng do chưa có kho này nên nhiều năm qua mặc dù sản phẩm Việt Nam được người dân Campuchia sử dụng rất nhiều, nhưng chưa được nhập một cách chính thức.

Rút ngắn cự ly vận chuyển và hệ thống giao thông đồng bộ là điểm nhấn cho sự phát triển giao thương của Việt Nam và Campuchia thông qua các cửa khẩu 2 nước. Ông Lê Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận tải Tân Cảng số 2, cho biết: "Với cự ly xa, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy sẽ giảm chi phí khá nhiều. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tại các cửa khẩu, cần có sự kết nối vận tải đường thủy giữa các cửa khẩu. Đồng thời, tải trọng đường thủy nối 2 cửa khẩu nếu được nâng lên 500 tấn sẽ giúp giải phóng hàng hóa tốt hơn. Riêng cửa khẩu Thường Phước, do chưa có đường kết nối cho xe vận tải nặng từ quốc lộ 30 đến cửa khẩu này nên việc phát triển còn hạn chế. Bên cạnh đó, để khai thác giá trị của khu vực cửa khẩu Thường Phước, Đồng Tháp nên đầu tư cả đường liên kết giữa cửa khẩu và vùng nguyên liệu ĐBSCL". Ông Huỳnh Cẩm, Công ty TNHH MTV kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên, đề xuất: Đồng Tháp nên thành lập khu trung tâm lưu chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp thuê để trưng bày lưu giữ sản phẩm trong kho. Khi khách hàng có nhu cầu, doanh nghiệp sẽ xuất hàng vận chuyển nhanh chóng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân yêu cầu các ngành, các cấp cần xây dựng hệ thống giao thông hoàn thiện, khoa học để thu hút doanh nghiệp đến với các cửa khẩu của tỉnh, cần có những chính sách phù hợp hơn đối với các doanh nghiệp tiên phong đầu tư. Ban Quản lý khu kinh tế phải nhanh chóng bắt tay vào các phần việc, để đến năm 2014 tạo nên chuyển biến, khởi sắc KKTCK. Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết thấu đáo các vấn đề thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan yêu cầu các sở ngành hữu quan tham khảo ý kiến của doanh nghiệp về hình thức, định hướng giúp KKTCK phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin để cùng lãnh đạo UBND tỉnh góp phần đầu tư đúng hướng, vì doanh nghiệp không chỉ là bạn, mà còn là nhà tư vấn kinh tế cho địa phương.

Bài, ảnh: K.D

Chia sẻ bài viết