01/09/2012 - 19:54

Tìm hiểu Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là công trình kiến trúc cổ có quy mô và tầm vóc lớn nhất hiện nay tại thủ đô. Đây là một địa điểm tham quan, nghiên cứu rất có giá trị về văn hóa, giáo dục và lịch sử. Văn Miếu là nơi thờ, suy tôn những bậc thánh hiền của Nho gia thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam thời phong kiến, nơi tôn vinh những tiến sĩ đã đỗ đạt liên tục ba kỳ thi Hương, Hội, Đình. Đặc biệt thi Đình, được tổ chức ở kinh sư và đích thân nhà vua ra đề và làm Chánh chủ khảo.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, được xếp hạng là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt. Không gian Văn Miếu Quốc Tử Giám thoáng rộng, hai bên đường hoàng đạo có nhiều cổ thụ, cây cảnh, hoa cỏ xanh tươi. Cảnh quan sáng đẹp với những kiến trúc thuần chất phương Đông được bố cục cân đối hài hòa. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ (có từ thời Hậu Lê) bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Từ ngoài vào lần lượt phải qua các cổng: Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học. Văn Miếu có lịch sử hơn 700 năm hoạt động, nơi đây đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.

Khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám. 

Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”. Như vậy Văn Miếu lúc ấy ngoài việc thờ các bậc Thánh, Tiên sư của Nho giáo, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi về sau Thái tử Lý Càn Đức lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông (năm 1072). Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý học. Sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Bính Thìn, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 tháng 4... lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó”. Đến năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử. Năm Nguyên Phong thứ III (1253), vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, mở rộng và thu nhận cả con cái thứ dân có sức học xuất sắc vừa phong. Phạm Ứng Thần giữ chức Thượng thư kiêm chức Đề điệu Quốc Tử viện để trông nom công việc học tập tại Quốc Tử Giám.

Đời Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và là thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần, đúng 12 khoa thi.

Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám - cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.

Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám lập tại Huế. Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu - Hà Nội. Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cho xây thêm Khuê Văn Các bên cạnh giếng vuông. Như vậy vào đầu thời Nguyễn, Văn miếu Thăng Long đã một lần được sửa sang chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội. Còn Quốc Tử Giám thì đổi thành học đường của phủ Hoài Đức và sau đó tại khu vực này xây đền Khải thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử.

Hồ Văn - Từ ngoài vào, lần lượt là hồ Văn còn gọi là hồ Minh Đường hay Văn hồ, dân gian thường gọi là hồ Giám. Diện tích chừng 1,2ha. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thủy đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa).

Văn Miếu môn- Phía trước Văn Miếu môn là tứ trụ (nghi môn) và hai tấm bia Hạ mã hai bên đó là mốc ranh giới chiều ngang phía trước mặt cổng. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ từ tấm bia Hạ mã bên này sang tới tấm bia Hạ mã bên kia mới lại được lên xe lên ngựa. Như vậy đủ biết Văn Miếu có vị trí tôn nghiêm tới chừng nào...

Đại Trung môn - Từ cổng chính Văn Miếu môn, vào không gian thứ nhất gọi là khu Nhập đạo, theo đường thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn. Cửa Đại Trung môn làm kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ Đại Trung môn.

Khuê Văn Các là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước, do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn đương thời cho xây dựng vào năm 1805. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng, mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao. Sàn gỗ có chừa hai khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao.

Hồ Thiên Quang hay Thiên Quang tỉnh tức “giếng soi ánh sáng bầu trời còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này. Một con đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng cho phép người ta có thể dạo quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia đá ở 2 bên.

Đại Thành môn - Qua cửa Đại Thành là vào không gian thứ ba, khu vực chính của di tích Quốc Tử Giám - Văn Miếu. Cũng như cửa Đại Trung, cửa Đại Thành là một kiến trúc 3 gian với hai hàng cột hiên trước sau và một hàng cột giữa. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ Hán Đại thành môn theo chiều ngang, đọc từ phải sang trái. Bên phải hai hàng chữ nhỏ dọc khắc Lý Thánh Tông, Thần Vũ nhị niên, Canh Tuất thu, bát nguyệt phụng kiến có nghĩa là: “Tháng 8 mùa thu năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ năm thứ 2 đời Lý Thánh Tông vâng sắc xây dựng”.

Đền Khải Thánh là khu sau cùng của di tích. Từ Văn Miếu sang đến Khải Thánh người ta có thể đi theo 2 con đường lát gạch phía sau Tả Vu và Hữu Vu, hoặc cũng có thể từ sau lưng Thượng Điện qua cửa tam quan. Cửa này là cửa chính cũng xây 3 gian, có mái lợp và cánh cửa đóng mở. Từ bên ngoài vào đền Khải Thánh cũng có thể qua một cổng nhỏ có cánh mở ở góc Đông Nam nơi tiếp giáp với bức tường ngăn 2 khu Văn Miếu và Khải Thánh.

Nhà Tiền đường có những cột đường kính 0,48m, chiều cao cột là 7m. Tiền đường là nơi trưng bày truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo ngày nay, đây cũng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Hậu đường là kiến trúc gỗ hai tầng, tầng 1 gồm 9 gian, 2 chái với 72 cột gỗ lim, trong đó 8 cột cái cao 11,5m đường kính 0,56m. Hai đầu hồi xây tường bằng gạch 30x30x7cm mặt ngoài cũng để trần không trát. Phía trước là cửa bức bàn chấn song con tiện, xung quanh là vách đố lụa. Gian đầu hồi mặt sau, gian thứ 3 và gian thứ 7 mặt trước là cửa sổ chấn song con tiện.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê đã được Lê Quý Đôn miêu tả trong Kiến văn tiểu lục (sách viết năm 1777) thì: Văn Miếu; Cửa Đại Thành Nhà 3 gian 2 chái, lợp bằng ngói đồng (ngói ống), Đông Vũ và Tây Vũ 2 dãy đều 7 gian, đằng sau cửa nhỏ 1 gian, điện canh phục 1 gian 2 chái, nhà bếp 2 gian, kho tế khí 3 gian 2 chái, cửa Thái học 3 gian, có tường ngang lợp bằng ngói đồng (ngói ống), nhà bia phía đông và tây đều 12 gian, kho để ván khắc sách 4 gian, ngoại nghi môn 1 gian, xung quanh đắp tường, cửa hành mã ngoài tường ngang 3 gian, nhà Minh Luân 3 gian 2 chái. Cửa nhỏ bên tả và bên hữu đều 1 gian, có tường ngang. Nhà giảng dạy ở phía đông và phía tây 2 dãy, mỗi dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá ở phía đông và phía tây đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người.

Di tích được cho là có giá trị nhất hiện nay, còn tương đối nguyên vẹn là 82 tấm bia Tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779). Ngày 28-4-1962, Bộ Văn hóa (cũ) đã công nhận xếp hạng Văn Miếu Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử cấp Nhà nước. Năm 2010, UNESCO đã chính thức công nhận 82 tấm bia tại Văn miếu - Quốc Tử Giám, là Di sản tư liệu thế giới.

Bài, ảnh: MAI LÝ

------------------

Sách tham khảo :
- Quốc triều chính biên toát yếu - Quốc sử quán triều Nguyễn (nxb Thuân Hóa 1998)
- Đại Nam thực lục (Quốc sử quán  triều  Nguyễn) -  nxb Giáo dục 2002
- Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1973
Non nước Việt Nam - Tổng cục du lịch - Hà Nội 2005

Chia sẻ bài viết