|
Cọp được thờ ở Nam bộ. |
Nam bộ là vùng đất mới khai phá, nơi các tiền nhân từ buổi đầu không chỉ đối mặt với rừng rậm hoang vu mà còn đối mặt với nhiều thú dữ. Trong các loại thú dữ ở xứ sở này thì cọp trên bờ và sấu dưới sông là hai con vật nguy hiểm nhất đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân.
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.
Ở Nam bộ, vào thế kỷ XVII, XVIII cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm, như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long...
Tác giả sách Gia Định thành thông chí đã thốt lên rằng: “Xứ này nhiều cá sấu và cọp dữ”. Cọp không chỉ ở tận rừng sâu mà nó còn lảng vảng quanh làng làm cho ai cũng khiếp sợ.
Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Dần dần các thú mồi của cọp tìm cách lẩn tránh, tản sang các địa bàn khác sinh sống. Thức ăn của cọp ngày càng trở nên khan hiếm vì lẽ đó, cọp mò về những nơi có dân cư sinh sống để tìm người ăn thịt. Ở Nam bộ ngày nay còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến cọp, như: đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang)... Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết thêm: “Vào giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường về Chợ Lớn, gây kinh hoàng cho dân chúng”.
Chính vì quá khiếp sợ nên ai cũng tìm cách diệt cọp. Nhưng khi diệt cọp xong người ta lại lập miếu thờ. Điều này cho ta thấy sự phức tạp trong tâm lý của các lưu dân và đồng thời cũng cho ta thấy tín ngưỡng thờ cọp đã có từ buổi đầu khai hoang, lập ấp. Nếu từ buổi đầu khai hoang, sự tương quan giữa con người và tự nhiên, nói riêng ở đây là giữa người và cọp, còn chưa nghiêng hẳn về bên nào nên những lưu dân tiên phong một mặt sợ cọp và mặt khác, phải diệt cọp để làm chủ vùng đất mới. Sự phức tạp trong tâm thức của họ do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và việc chưa đủ khả năng thực tế để thỏa mãn những đòi hỏi ấy. Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ sơn quân chi thần, thờ Chúa xứ sơn lâm, thờ Thần Hổ và bầu cọp làm Hương Cả của thôn làng. Do vậy “mô típ “Ông Cả Cọp” là một mẫu đề dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng “lề luật giang hồ”: chúng tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng chúng tôi biết “rừng nào cọp ấy” nên không dám “xưng hùng xưng bá”. Chúng tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm cả, làm chủ và chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi”.1
“Vào những năm cuối thế kỷ XIX, công cuộc khai hoang lập ấp tại làng Hòa Tú, Sóc Trăng coi như đã hoàn tất, người dân nơi đây mới dựng chùa, lập miễu thờ Thành Hoàng ở giữa làng, hương khói quanh năm với niềm tin thần thánh sẽ phù hộ, độ trì cho dân làng được an cư lạc nghiệp. Việc cai quản và giữ gìn an ninh trật tự trong làng là trách nhiệm của Ban hội tề gồm mười hai vị hương chức, đứng đầu là chức Hương Cả. Hồi ấy, Hương Cả thường là người cao niên, học cao hiểu rộng, có uy tín với bà con trong làng.(...) ông Hương Cả đầu tiên của làng chỉ tại chức được vài ba tháng thì trong nhà xảy ra nhiều tai họa, hết vợ yếu con đau đến họ mạc mâu thuẫn, xích mích với nhau. Cuối cùng, bản thân ông lâm bệnh rồi chết. Điều lạ lùng là người kế vị chức Hương Cả cũng chỉ tại chức trong thời gian ngắn rồi lâm nạn và qua đời. Ông Hương Cả thứ ba được cử lên thay thế cũng không tránh khỏi số phận vị tiền nhiệm. Cảnh tai ương gây chết chóc cho các vị Hương Cả khiến cho mọi người lo lắng, bàn tán và nếu có một ai đó được đề cử giữ chức Hương Cả, họ đều sợ hãi khước từ. Chính vì vậy, Ban hội tề trong làng suốt ba năm liền không có người đứng đầu.
Ngày trước, vùng đất hoang dã này có nhiều cọp sinh sống, khi dân làng đến khai khẩn, chúng bỏ vào sống trong khu rừng sâu, chỉ còn lại con cọp ba chân sống quanh quẩn ở bìa rừng, không hại người nên người cũng không săn đuổi nó. Sau nhiều lần bàn bạc thảo luận, các vị lão làng quyết định cử... ông cọp ba chân vào chức Hương Cả! (...) Thế là một ngôi miếu nhỏ trang hoàng theo hình thức tôn thờ vị thần nhỏ được dựng lên phía sau miếu Thành Hoàng. Nhân lễ cầu an trong làng, Ban hội tề làm lễ khánh thành ngôi miếu ông Hổ đồng thời tổ chức lễ “tấn phong” ông Hổ lên chức Hương Cả. (...) Trong nhiều năm liền, từ ngày ông Hổ về nhận chức Hương cả, mưa thuận gió hòa, cuộc sống của dân làng ngày càng khấm khá lên khiến cho Ban hội tề và tất cả dân làng đều đặt niềm tin vào sự linh thiêng của ông Cả Hổ”.2
Một truyền thuyết khác cũng không kém phần hấp dẫn cũng được giữ lại đến ngày nay:
“Ở Bến Tre, từ khi lập làng - theo tục truyền, hễ ai được cử làm Hương Cả đều bị bệnh chết. Do đó, suốt nhiều năm, không ai dám nhận chức ấy. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức Cả thì liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Từ đó, hương chức trong làng bàn nhau, cử cọp làm Hương Cả. Hàng năm, làng đều phải làm lễ cử “Cả Cọp”, cúng một đầu heo quay và viết một tờ cử, cuộn tròn, để trong một ống tre đặt ở hốc đá, nơi cọp đã vồ ông Cả. Đúng lệ, năm nào, cọp cũng về ăn đầu heo và đổi tờ cử cũ lấy tờ cử mới. Về sau, sáu bảy năm liền, cọp không về, có một người tên Non mới dám nhận chức Hương Cả trở lại”.3
Phải chăng vì thế ở Nam bộ, không ai gọi con đầu lòng là anh Cả, mà thay vào đó gọi là anh Hai, vì sợ đụng chạm đến ông “Cả Cọp”.
Khi xưa, người dân có tục gọi cọp là “ông” và để tránh danh “cọp”, người ta gọi là “ông Ba Mươi”. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba Tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn là “ông Ba Mươi” sẽ trấn giữ không cho những thứ nhiễm độc vào nhà. Ông già, bà cả còn bảo nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén ăn trộm hình vẽ chúa sơn lâm để trong gối ngủ của đứa bé thì đứa bé sẽ hết khóc.
Các đình làng ở Nam bộ phần lớn đều có miễu thờ thần hổ, ở về phía trái sân đình, với tước “Sơn Lâm chúa tể”. Tuy cọp được tôn sùng như thế, nhưng người dân vẫn săn bắt, đánh giết cọp, vì chúng đe dọa mạng sống của con người và để mở rộng địa bàn khẩn hoang.
Ở Nam bộ, còn rất nhiều câu chuyện về những người giỏi võ nghệ giết sấu, đánh cọp, trị rắn... Có thể kể: đó là Bảy Giao, Chín Quỳ, ông Yến, ông Tăng Chủ... đó là những người bình thường nhưng giàu nghị lực và có lòng quả cảm quyết hy sinh thân mình để bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng. Chuyện “Ông Tăng Chủ trị cọp” là một điển hình.
“Ngày xưa, quãng đường từ Châu Đốc đến núi Sam còn là rừng rậm hoang vu, hiểm trở. Cọp, beo trong đó rất nhiều. Lúc bấy giờ có một số người đến đây phá rừng làm ruộng. Ban ngày, làm gì cũng phải có đông người, không ai dám đi riêng lẻ một mình, nhứt là qua nơi cây cối rập rạp. Ban đêm phải ngủ trên chòi gác cao, cửa nẻo phải đóng kín. Dù vậy, vẫn có nhiều người bị cọp vồ, mất xác.
Trong số người tới khẩn hoang có ông Tăng, tên thật là Bùi Văn Thân. Người trong vùng gọi ông là ông Tăng Chủ vì ông là một đồ đệ của Phật thầy ở Tây An, với đạo hiệu là Bùi thiền, Tăng Chủ.
Ông Tăng là người giỏi võ nghệ, thân vóc cao lớn, miệng rộng tay dài, cánh tay buông xuống dài tới đầu gối, chân tay lông mọc dày kín, tiếng nói sang sảng như sấm, tâm tánh thì hồn nhiên quả quyết.
Một lần nọ, cọp về xóm vào lúc chập tối, mọi người rút lên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thông trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ mờ, cọp lao tới phủ lên mình ông. Ông lẹ làng rùn xuống, một tay dựng đứng mác thông lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp tọa bộ của ông Tăng cùng với ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thông nó liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất đà chao mình trên lưng chừng, ông đấm lẹ vào hông nó một cú đấm thôi sơn rồi thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đòn trời giáng. Cọp rống lên một tiếng vang trời rồi ngã lăn bất tỉnh.
Ông Tăng không giết cọp, bước tới lôi nó dậy, miệng lẩm bẩm:
- Tao tha cho, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng đừng có đến đây nữa mà mất mạng!
Cọp gằm mặt xuống đất, kéo lết cái chân què đi vào rừng, và từ đó không dám bén mảng tới xóm nữa. Có người hỏi ông:
- Tại sao ông lại dưỡng hổ di họa, giết phứt nó đi cho mọi người nhẹ lo.
- Tôi không muốn sát sanh mà chỉ muốn dùng tâm để phục, cảm hóa bọn thú dữ thôi.
Từ đấy về sau, dân trong vùng không phải chỉ thấy một lần ông làm như thế mà rất nhiều lần khi thì giữa rừng sâu, khi thì ngay bìa rừng, ông đều đánh cho những con cọp mà ông gặp mấy đòn rồi tha cho chúng. Do vậy, lũ cọp không dám hoành hành như trước.
Từ đấy về sau, người dân trong vùng đồn rằng ông là chúa tể của chúa sơn lâm ở vùng này.
Một hôm, ông từ ngoài ruộng về, gần tới nhà thì trời tối, ông thấy một con cọp bạch đứng trước cửa. Nhìn kỹ, ông thấy mình mẩy nó ốm nhom. Cọp há miệng ra ngước mắt nhìn ông như cầu khẩn. Ông hỏi:
- Làm gì mà bạch hổ đứng đây? À... chắc là bị mắc xương hả. Sao không đến đây sớm để đến nỗi ốm quá vậy. Thôi nếu quả mắc xương thì ngay cổ ra.
Cọp bạch gật đầu, ông bảo nó cúi xuống rồi co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một miếng xương lớn.
Vài bữa sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng mà nó vừa vật chết để đền ơn cứu mạng.
Về sau, khi ông Tăng Chủ qua đời, người dân trong vùng xây mộ cho ông và lập miếu bạch hổ ở gần chùa Thới Sơn để nhớ ơn một vị ân nhân của làng”4.
Người Việt dù ở miền Bắc hay miền Trung khi vào Nam bộ khai phá đều mang theo những tín ngưỡng thờ thần, thờ tổ tiên... truyền thống. Khi đặt chân đến vùng đất mới, trước những lạ lẫm của cảnh sắc, trước những ghê sợ của thú rừng những lưu dân không thể không tôn sùng những lực cản mới, hầu mong tìm sự cân bằng trong đời sống tâm linh. Đó là lý do xuất hiện rất nhiều đình miếu thờ cọp, vẽ hình cọp trên tấm bình phong, đắp tượng hổ để thờ... Đặc biệt, nhiều nơi, trong ngày lễ cúng đình, ngoài việc cúng tế Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ... người ta còn tổ chức nghi lễ riêng cúng tế ông Hổ gọi là tế Sơn quân.
THANH TÂM
....................
1 Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện kể về cọp ở Nam bộ.
Kiến thức ngày nay số ra ngày 01.01.1998.
2 Đào Duy Hòa, Hương cả... hổ
Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số xuân Mậu Dần 1998.
3 Nguyễn Phúc Nghiệp, Cọp ở Nam bộ.
Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số ra ngày 15.06. 1992.
4 Dẫn theo Nguyễn Phương Thảo, Mãnh hổ giữa đồng hoang
NXB Văn hóa dân tộc - 1993.