Ngày 4-3, đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã thăm và làm việc với một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo thành phố đã ghi nhận những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do bị tác động bởi dịch COVID-19 và cùng bàn cách tháo gỡ...
Doanh nghiệp cần trợ lực
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung chia sẻ khó khăn với lãnh đạo Công ty Cổ phần Bia, nước giải khát sài Gòn – Tây Đô.
Ông Trần Xuân Tộ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia, nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô, cho biết doanh nghiệp bị tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh. Đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đình trệ vì sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, công ty chỉ thực hiện được 45% sản lượng theo kế hoạch. Với 200 nhân viên, hiện nay 30-40% lao động tại công ty đang phải nghỉ chờ việc, nếu tình hình kéo dài, sẽ tác động rất lớn, dự kiến sản lượng kinh doanh năm nay chỉ đạt chỉ tiêu kế hoạch trên dưới 50%. Hiện nay, doanh nghiệp không thể cân đối được chi phí nên kiến nghị các cơ quan thuế, ngân hàng thực hiện việc giãn thuế, giảm lãi vay ngân hàng.
Theo bà Võ Thị Mỹ Nghi, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, công ty đã chỉ đạo thực hiện phòng ngừa dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho hành khách, bến xe 2 ngày khử trùng 1 lần. Trong tình hình dịch bệnh, hoạt động của các công ty, doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, sản lượng hành khách qua bến giảm từ 30-50%. Công ty cũng có 2 trung tâm đào tạo và trường trung cấp, theo chỉ thị chung là phải nghỉ học để phòng chống bệnh nên trường không có doanh thu. Bà Võ Thị Mỹ Nghi mong muốn lãnh đạo thành phố có những hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, như giảm tiền thuê đất, giãn thuế, lãi vay ngân hàng.
Tại Làng du lịch Mỹ Khánh, lượng du khách cũng giảm đáng kể, chỉ đón trung bình 500 khách/ngày, thậm chí có ngày 200 khách, phần lớn là khách địa phương tập trung vào 2 ngày cuối tuần. Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, doanh nghiệp chủ động đảm bảo vệ sinh an toàn, đồng thời trang bị phương tiện phòng, chống dịch. Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, cho biết: “Mặc dù xây dựng nhiều dịch vụ mới và nâng chất các dịch vụ cũ, giá cả không tăng nhưng lượng khách sụt giảm rất nhiều. Cùng với những nỗ lực từ doanh nghiệp, chúng tôi mong lãnh đạo thành phố, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ thúc đẩy quảng bá hơn nữa ngành du lịch địa phương đến du khách về hình ảnh Cần Thơ là điểm đến an toàn, nhằm tạo sự yên tâm cho khách đến vui chơi, giải trí”.
Lãnh đạo Công ty TNHH Kwong Lung Meko (hoạt động tại Khu công nghiệp Trà Nóc) cho biết do chuẩn bị nguyên liệu từ trước nên quý I năm 2020 công ty tạm ổn định sản xuất. Phần lớn hàng hóa của doanh nghiệp xuất đi thị trường Nhật Bản, các đơn hàng đã được đặt trước nguyên năm nên công ty không bị tác động nhiều. Tuy nhiên, do nguyên phụ liệu không nhiều nên công nhân chỉ làm đúng giờ, không phát sinh làm thêm nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thu nhập. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn doanh nghiệp cũng sẽ bị tác động bởi 80-90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đoàn làm việc tại Làng du lịch Mỹ Khánh. Ảnh: KHÁNH NAM
Tìm giải pháp gỡ khó
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: 2 tháng đầu năm 2020, tổng thu từ du lịch đạt 643 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tại các cơ sở lưu trú, doanh thu dịch vụ (khách sạn, hồ bơi, cafe, karaoke…) giảm từ 30-50% lượng khách; lữ hành doanh thu giảm khoảng 50-60%, dự kiến tháng 3 giảm 70-80%; khu, điểm du lịch lớn: Mỹ Khánh, Vàm Xáng, Bảo Gia trang viên, cồn Sơn, Lung Cột Cầu... lượng khách giảm chỉ bằng 30-50% so với cùng kỳ năm 2019. Chẳng hạn như Làng du lịch Mỹ Khánh hiện chỉ đón trung bình 200 khách/ngày (năm 2019 đón 1.000 khách/ngày), cồn Sơn lượng khách giảm đến 80%...
Giải pháp thực hiện các chỉ tiêu của ngành, Sở phối hợp với các doanh nghiệp du lịch (lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí…), xây dựng các gói kích cầu du lịch để thu hút khách du lịch, các chương trình giảm giá dịch vụ, xây dựng các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút du khách. Phối hợp các Sở, ngành có liên quan, xây dựng mẫu đăng ký kích cầu du lịch, gửi đến các doanh nghiệp du lịch: cơ sở lưu trú, lữ hành, điểm, khu du lịch và các doanh nghiệp có liên quan: vận tải khách du lịch, mua sắm, chăm sóc sức khỏe… Cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, tùy theo tình hình, điều kiện của đơn vị, đăng ký các gói kích cầu du lịch: giảm giá dịch vụ, chương trình khuyến mãi, các ưu đãi khác… Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, xây dựng kịch bản để khôi phục tăng trưởng của ngành du lịch sau dịch bệnh: đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Bến xe Cần Thơ rất vắng hành khách.
Ông Cáp Quý Phúc, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết dự toán thu năm 2020 của thành phố gần 997 tỉ đồng của ngành bia, chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách, nên tình hình kinh doanh không thuận lợi từ các doanh nghiệp sản xuất bia ảnh hưởng đến thu ngân sách chung. Hai tháng đầu năm 2020, thu ngân sách chung của thành phố 2.144 tỉ đồng, đạt hơn 33% so với cùng kỳ, do đây là dịp Tết Nguyên đán nên chưa đánh giá được tình hình chung của năm. Trong đó, ngành bia, 2 tháng chỉ thu được 98 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 46%. Theo báo cáo của 3 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia Sài Gòn trên địa bàn thành phố, ước giảm khoảng 401 tỉ đồng, ước khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Với những kiến nghị từ các doanh nghiệp về việc giãn, miễn giảm nộp thuế, Cục thuế cũng đã có những kiến nghị lên Chính phủ cũng như các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết. Về cơ bản, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nhiều hơn.
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư thành ủy Cần Thơ, cho rằng, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến tất cả lĩnh vực không chỉ tại Việt Nam mà toàn thế giới. Thành phố sẽ ghi nhận những khó khăn từ phía doanh nghiệp, nếu vấn đề nào thuộc thẩm quyền giải quyết, lãnh đạo thành phố sẽ sớm xem xét giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ trình và có ý kiến lên Chính phủ cũng như các cấp, ngành Trung ương phụ trách để tìm hướng gỡ khó cho doanh nghiệp. Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực vượt khó, tìm giải pháp thúc đẩy kinh doanh. Chẳng hạn, với ngành du lịch, ngoài giải pháp giảm giá kích cầu, nên nghiên cứu thêm các mô hình du lịch làng nghề và phát triển những sản phẩm đặc trưng...
Bài, ảnh: KHÁNH NAM