12/12/2019 - 09:31

Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ

Tìm động lực mới thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố 

TP Cần Thơ đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng dần tỉ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ cao; giảm tỉ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự chuyển dịch này được đánh giá là đúng hướng, phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn. Tuy nhiên, thành phố cần khai thác thêm các nguồn lực mới để tạo động lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, đưa kinh tế thành phố bước sang giai đoạn phát triển cao hơn, bền vững hơn. Trao đổi với Báo Cần Thơ, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết:

- Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố ở mức khá, bình quân ước đạt 7,5%. Riêng năm 2018 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5%, cao nhất khu vực ĐBSCL, xếp thứ 12/63 tỉnh thành cả nước; thu nhập bình quân đầu người là 80,48 triệu đồng/người, cao nhất khu vực ĐBSCL, xếp thứ 11/63 tỉnh thành cả nước. Năm 2019 tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,51%, thu nhập bình quân đầu người là 88,3 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng thương mại- dịch vụ (Khu vực III) - công nghiệp (Khu vực II) - nông nghiệp chất lượng cao (Khu vực I). Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không chỉ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thành phố mà còn đảm nhiệm vai trò động lực thúc đẩy phát triển cả vùng ĐBSCL.

* Theo ông, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP Cần Thơ đã thể hiện vai trò trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL như thế nào?

- Giai đoạn 2016 - 2020, Khu vực III duy trì với cơ cấu bình quân 59,67% như một sự khẳng định thế mạnh thương mại - dịch vụ của thành phố trong khu vực ĐBSCL. Những năm qua, TP Cần Thơ đã phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển của vùng với các lĩnh vực: dịch vụ chất lượng cao (y tế, giáo dục, giải trí,…), du lịch (trung tâm du lịch ĐBSCL), logistics (trung tâm logistics hạng II đang được xúc tiến hình thành), thương mại (trung tâm phân phối hàng hóa đến các tỉnh lân cận), hội nghị - lễ hội,…

Ở Khu vực II, Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của thành phố năm 2018 tăng 8,15%, năm 2019 ước tăng 7,85%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (ngành chủ lực) trong các năm qua đã có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh vào năm 2016. Trong Khu vực II, Cần Thơ còn đảm nhiệm mắt xích quan trọng có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản chủ lực ĐBSCL chính là sản xuất-chế biến. Điều đó thể hiện ở thực tế: tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ; giá trị sản xuất công nghiệp của Cần Thơ nằm trong nhóm 3 (Tiền Giang, Long An, Cần Thơ) mà trong đó, Cần Thơ gần như đảm nhiệm vai trò sản xuất cho khu vực phía Tây ĐBSCL.

Về Khu vực I, thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng hơn, căn bản đạt được các mục tiêu. Đặc biệt, TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên của ĐBSCL có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển dựa trên sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn và phát triển mô hình nông nghiệp - du lịch.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH TAEWANG VINA Cần Thơ có vốn đầu tư 100% Hàn Quốc.

* Đâu là những khó khăn gặp phải trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thưa ông?

- Nhìn chung, giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố tuy đạt kế hoạch nhưng có dấu hiệu chưa ổn định. Tỷ lệ tăng trưởng 3 khu vực kinh tế dao động mạnh và không khu vực nào vượt qua 8,5%, bao gồm cả Khu vực III - khu vực được cho là có lợi thế nhất của thành phố với tỷ trọng lên đến gần 60%.

Xét về hiệu quả đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên Khu vực III - Khu vực II - Khu vực I thì Cần Thơ đã đạt được. Tuy nhiên, hiệu quả chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu (hoặc kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu) còn gặp nhiều khó khăn. Về sự chuyển dịch theo chiều sâu, từ năm 2013 đến nay, các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ có 64,94% đóng góp của vốn, 15% của lao động và 20,06% từ yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) như công nghệ, quản lý,... Riêng giai đoạn 2016-2020, đóng góp của vốn lên đến 80,85%, đóng góp của lao động giảm còn 10,37% và TFP còn 8,78%. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn này còn lệ thuộc khá nhiều vào vốn. Việc đầu tư của hiện tại được kỳ vọng sẽ giúp thành phố khai thác tốt các tiềm năng của yếu tố lao động và TFP trong những năm tiếp theo.

* Vậy thành phố đã có định hướng và đề ra giải pháp nào để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở giai đoạn tiếp theo?

- Cần Thơ còn khá nhiều dư địa và tiềm năng để có thể khai thác từ các khu vực kinh tế, vừa đảm nhiệm vai trò động lực phát triển vùng, vừa tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng. Đơn cử như Khu vực II, đã đến lúc khẳng định sản phẩm chủ lực dựa trên giá trị sản xuất duy trì trong thời gian qua và kim ngạch xuất khẩu để tập trung đầu tư phát triển. Đó là nhóm sản phẩm chế biến từ gạo, thủy sản, trái cây và nông sản nói chung dựa trên lợi thế so sánh của vùng ĐBSCL; nhóm sản phẩm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (ở dạng tiềm năng) như máy móc hỗ trợ các khâu sản xuất nông nghiệp; nhóm sản phẩm công nghệ cao làm nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới từ phế phẩm nông nghiệp,…

Đối với Khu vực III, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm logistics loại II, trung tâm du lịch ĐBSCL và nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục, phân phối hàng hóa cho vùng ĐBSCL; đồng thời khai thác các lợi thế của hợp tác quốc tế để thúc đẩy các thị trường xuất khẩu tiềm năng, các nhà phân phối quốc tế để đưa hàng hóa nông sản của vùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mắt xích cuối cùng của chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL. Đối với Khu vực I, TP Cần Thơ với lợi thế là nơi tập trung các Viện, trường, đội ngũ nhà khoa học, thành phố cần tăng cường cung cấp giống nông sản chất lượng cao cho ĐBSCL, hoặc chuyển giao các mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại cũng như công nghệ áp dụng cho sản xuất nông nghiệp như blockchain, máy móc, thiết bị, kiểm định chất lượng sản phẩm, chế biến phụ phẩm nông nghiệp,…

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vấn đề thu hút đầu tư để tìm nguồn lực mới cho sự phát triển là hết sức quan trọng. Do đó, ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa để tạo ưu thế về quy mô thị trường, thành phố cần tập trung khắc phục các "nút thắt" về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là đổi mới căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối tác; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, rõ ràng, đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh của thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết