04/11/2016 - 21:51

Tìm đầu ra cho giáo dục đại học

Điều tra  B.Kiên

Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định: Sớm đưa TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL trước năm 2020. Để thành phố thật sự trở thành trung tâm vùng, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong 10 năm gần đây, từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cấp, mở rộng; qua đó giúp học sinh ĐBSCL có điều kiện học tập, nâng cao trình độ. Song, trong quá trình đầu tư phát triển giáo dục đại học, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; nhất là vẫn còn tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Kỳ 1: "Mang thúng đựng chữ"

Hơn 10 năm trước đây, TP Cần Thơ chỉ có duy nhất Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, nay có thêm 4 trường ĐH và 16 trường cao đẳng (CĐ), trung cấp. Việc có thêm trường ĐH đã tạo điều kiện cho người dân ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng có cơ hội học tập ở bậc cao hơn mà không phải vất vả "khăn gói" lên tận TP Hồ Chí Minh để học.

Hoài bão đại học

Mỗi dịp về quê (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), trong câu chuyện cà phê sáng, tôi thường nghe các cô, chú bàn về việc học của con. Khi nhắc đến gia đình hiếu học, cha mẹ phải vất vả mưu sinh cả đời để "nuôi chữ" cho con thì tôi đều nghe những cái tên quen thuộc, như: ông Đào Hừng người dân tộc Khmer ở thị trấn Cờ Đỏ có 4 người con đều ăn học thành tài, hay nhà ông Nguyễn Văn Tông ở xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ) có 8 người con, cả trai lẫn gái đều học hành đàng hoàng và có việc làm ổn định… Những câu chuyện ấy làm tôi nhớ đến hình ảnh vượt khó tìm chữ của anh Nguyễn Kiên Long, cựu sinh viên Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ. Anh Long là một trong 6 người con của gia đình nông dân ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Gia đình thuộc dạng trung nông nhưng vì nhà con đông nên cha mẹ của anh Long đành bấm bụng bán từng miếng đất để lo cho các con ăn học. Sau bao ngày vun đắp, cha mẹ anh Long đã gặt hái được quả ngọt: Anh chị em của anh Long đều học hành đàng hoàng (trong đó anh và em trai út tốt nghiệp ĐH), có việc làm ổn định. Anh Long tâm sự: "Chính nỗi vất vả của cha mẹ đã tạo động lực giúp tôi phấn đấu nỗ lực không ngừng".

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ đang nghe tiếng Anh trên máy tính. Đây là trường đại học đầu tiên do TP Cần Thơ đầu tư. Ảnh: B.NG 

Không phải ngẫu nhiên mà anh Long bộc bạch như thế, bởi những năm 80-90 thế kỷ trước, vùng quê U Minh nghèo khó, đường sá chịu cảnh "đò giang cách trở", học sinh ở vùng sâu, vùng xa học hết cấp 1-2 phải đi bộ hoặc đi đò đến trung tâm huyện U Minh học. Hình ảnh học sinh đốt đuốc đi học từ tờ mờ sáng, men theo những con đường sình lầy, qua những cây cầu khỉ... in đậm trong tâm trí nhiều người dân. Vì thế, học sinh bỏ học giữa chừng là chuyện bình thường vì quá khó khăn. Nhưng cũng có không ít trường hợp từ trong cái khó mà có được nghị lực vươn lên. Anh Long kể: "Hồi đó, mỗi buổi sáng, mẹ tôi thức dậy thật sớm nấu, vắt cơm cho chúng tôi mang theo để có sức lội bộ đi học. Tôi nhớ hoài từng lời của mẹ "thà để chữ cho con, còn hơn để của; nghề nông vất vả, mẹ chỉ muốn các con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm để đổi đời". Nói là làm, cha mẹ tôi quần quật làm việc từ sáng đến tối để lo cho chúng tôi ăn học, mặc bà con lối xóm nói ra nói vào "Gánh gạo với gánh chữ, gánh nào no? Cho con đi học dài đằng đẵng, bao giờ mới kiếm ra tiền?". Không phụ lòng cha mẹ, anh Long nỗ lực học tập. Sau khi ra trường, anh đã tìm được công việc với mức lương ổn định trong ngành xây dựng. Sau hơn 10 năm ra trường, anh đã lập gia đình và cất được căn nhà khang trang.

Câu chuyện hiếu học của gia đình ông Đào Hừng, ông Tông hay anh Long không phải hiếm ở miền Tây. Ý thức về chuyện lo cái chữ cho con trong những năm gần đây ngày càng có sức lan tỏa. Hoài bão ĐH là mơ ước chính đáng của học sinh ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Bởi chính con đường học vấn, giúp họ có điều kiện tìm công ăn việc làm ổn định, thoát khỏi cảnh sống cơ cực "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" của nhà nông. Đồng thời đáp ứng xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, cần đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

"Nở nồi" đại học

Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, trong 5 năm (từ năm 2011 đến 2016), ĐBSCL thành lập thêm 6 trường ĐH, CĐ (4 ĐH và 2 CĐ), nâng tổng số trường ĐH, CĐ trên địa bàn lên 50 trường, cả công lập và ngoài công lập. Riêng TP Cần Thơ, nếu trước đây chỉ có duy nhất Trường ĐH Cần Thơ, thì nay có đến 4 trường ĐH công lập và ngoài công lập, 1 phân hiệu ĐH và 16 trường CĐ, trung cấp. Việc có thêm trường ĐH đã tạo điều kiện cho người dân ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng có nhiều hơn cơ hội học tập ngay tại "sân nhà". Các cơ sở giáo dục ĐH ở TP Cần Thơ cũng không ngừng nỗ lực đầu tư và mở các ngành đào tạo sát hợp với nhu cầu thực tế, giúp người học có nhiều lựa chọn học tập hơn. Trường ĐH Cần Thơ - trường ĐH trọng điểm của cả nước, lớn nhất vùng ĐBSCL. Khoảng 5 năm trở lại đây, trường mở thêm ít nhất 5 ngành học mới: Kỹ thuật tài nguyên nước, Vật lý kỹ thuật, Triết học, Nuôi trồng thủy sản, Sư phạm tin học; trong đó, ngành Sư phạm tin học là ngành mới mở năm 2016. Quy mô tuyển sinh của trường tăng bình quân hằng năm từ 10% đến 15%. Trường ĐH "anh em" của Trường ĐH Cần Thơ là Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng tăng dần chỉ tiêu hằng năm (năm 2011 là 900 chỉ tiêu và năm nay là 1.300 chỉ tiêu, tăng gần gấp rưỡi sau 5 năm).

Năm học 2011-2012, 3 trường ĐH tại TP Cần Thơ (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ và Tây Đô) tuyển 10.400 sinh viên. Đến năm học 2015-2016, bên cạnh 3 trường ĐH trên còn có thêm 2 trường (Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Nam Cần Thơ) tuyển hơn 15.000 sinh viên cho các ngành đào tạo ĐH, CĐ ở lĩnh vực: kinh tế, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ, môi trường…

Các trường ĐH, CĐ khác cũng tăng chỉ tiêu, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, Trường ĐH Tây Đô mở mới 5 ngành đại học, 2 ngành cao học; Trường ĐH Nam Cần Thơ mở mới 2 ngành ĐH; Trường CĐ Cần Thơ mở 2 ngành CĐ, 5 ngành trung cấp; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ mở 6 ngành CĐ;… Riêng với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường ĐH công lập đầu tiên trực thuộc UBND TP Cần Thơ (được nâng cấp từ Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ), sau hơn 3 năm hoạt động, trường mở thêm 3 ngành học mới, nâng tổng số lên 11 ngành đào tạo. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: "Việc mở mới các ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ ở TP Cần Thơ và ĐBSCL. Tất nhiên, khi mở thêm ngành mới, nhà trường đều căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển của trường". Hay như Trường CĐ Cần Thơ, với bề dày 40 năm phát triển, đã đầu tư nguồn lực phục vụ dạy và học, nghiên cứu khoa học. Trường có 80 phòng học, hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm thực hành; nhà tập đa năng, sân chơi; trung tâm Ngoại ngữ - Tin học. Ngoài ra, trường còn có Trường Mầm non và Tiểu học Thực hành là điều kiện tốt để học sinh, sinh viên tham gia kiến tập sư phạm và thực tập tốt nghiệp. Tiến sĩ Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Năm học 2016-2017, trường sẽ đưa vào sử dụng 2 khối nhà ở sinh viên; đầu tư Nhà học A3, giảng đường cũng như sửa chữa nâng nền phòng học... đảm bảo phục vụ cho gần 10.000 học sinh, sinh viên".

Rõ ràng, sự "nở nồi" của các cơ sở giáo dục ĐH thời gian qua đã phá thế "độc tôn" của Trường ĐH Cần Thơ, tạo ra nhiều cơ hội cho học sinh bước đến giảng đường ĐH và tạo sự cạnh tranh nâng cao chất lượng giảng dạy giữa các trường. Thế nhưng, theo các chuyên gia giáo dục, sự "nở nồi" của các trường trong thời gian khá ngắn, liệu các trường có chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực, vật lực phục vụ dạy và học, chất và lượng liệu có song hành?

Tiếp theo kỳ 2: Đua theo số, bỏ rơi chất?

Chia sẻ bài viết