23/09/2018 - 16:04

Tìm đâu kịch bản cải lương xứng tầm? 

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đã khép lại với 6 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc được trao cho vở diễn; 49 huy chương Vàng, 66 huy chương Bạc cho cá nhân nghệ sĩ. Người làm nghề an tâm vì một thế hệ “măng đã mọc”, kế thừa di sản của tiền nhân. Nhưng, lời nhận xét của NSƯT Lê Chức về sự thiếu vắng những kịch bản cải lương “xứng tầm thời đại” vẫn khiến nhiều người thấy lo.

“Cánh buồm ngược gió” là vở dựng lại của Đoàn Cải lương Tây Đô. Ảnh: DUY KHÔI

Phát biểu tại lễ bế mạc, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan, đánh giá rằng: Liên hoan lần này chưa có nhiều kịch bản mới sáng tác, hoặc viết trực tiếp cho loại hình, vẫn phải dựa vào số kịch bản đã có từ khá lâu, được chuyển thể. Số lượng các vở diễn phục dựng lại chiếm số lượng không nhỏ. Thiếu vắng trên sân khấu những kịch bản lớn, xứng tầm với tư tưởng và thời đại hôm nay. Kịch bản viết về quá trình diễn biến, phát triển tâm lý con người trong xã hội và đời sống đương đại có khi còn thiếu sự hợp lý, sự giản dị tự nhiên và có phần gượng ép.

Rõ ràng, nhìn lại 32 vở diễn tham gia Liên hoan năm nay, phần nhiều là “bổn cũ soạn lại” hoặc chuyển thể từ truyện ngắn, kịch nói mà rất ít kịch bản cải lương “chính gốc”. Như với vở “Cánh buồm ngược gió” của Đoàn Cải lương Tây Đô, đây là kịch bản được tác giả Phạm Hữu Tùng viết trên 30 năm và từng được nghệ sĩ Cần Thơ biểu diễn rất nhiều lần, kể cả vở lẫn trích đoạn. Các vở diễn khác nghe tên cũng đã biết nội dung như “Chiếc áo thiên nga” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Rạng ngọc Côn Sơn” (Công ty Kim Tử Long), “Bến nước Ngũ Bồ” (Đoàn Nghệ thuật cải lương Nam Định), “Thái hậu Dương Vân Nga” (Sân khấu Lê Hoàng), “Kiếp tằm” (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh)… Có một vở diễn đoạt rất nhiều giải thưởng là “Hiu hiu gió bấc” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, với kịch bản và đường dây nhân vật tốt. Tuy nhiên, gốc tích vở diễn lại là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể.

Có thể nói rằng, việc sàn diễn cải lương hiện nay co cụm một phần cũng vì không tìm được kịch bản mới, hay. Khi nguồn kịch bản khan hiếm, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa và kể cả quốc doanh đều chọn cách tái dựng kịch bản cũ hoặc “im hơi lặng tiếng”. Những tác giả tham gia Liên hoan lần này, cả sáng tác hoặc chuyển thể, đều là những tên tuổi quen thuộc. Một câu chuyện ở Cần Thơ, thật ra khi chuẩn bị tham gia Liên hoan, Nhà hát Tây Đô còn có một kịch bản mới khác, do một tác giả trẻ viết, dự định dựng để thi. Nhưng cuối cùng không thể vì vẫn còn thiếu chiều sâu, lớp lang.

Kỷ niệm 100 năm cải lương ra đời, người ta nhắc nhiều đến việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật này từ các hội thi, hội diễn mà bỏ quên lực lượng soạn giả. Phải chăng trong sự nghiệp chấn hưng cải lương, nhà quản lý và người làm nghề nên có sự đầu tư và cái nhìn thấu đáo hơn về lực lượng cầm bút sau cánh màn nhung. 

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết