19/07/2019 - 16:00

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ:

Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" 

(CTO)- Đồng chí Phạm Văn Hiểu chỉ đạo như trên tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Cần Thơ (Cuộc vận động), vào sáng 19-7-2019.  

Đồng chí Phạm Văn Hiểu phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: N.H

Phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua, khắc phục tồn tại, hạn chế để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, đồng chí Phạm Văn Hiểu đề nghị các cấp, các ngành trong thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiên túc, hiệu quả Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31-7-2009, của Bộ Chính trị (khóa X) về tổ chức thực hiện Cuộc vận động (Thông báo kết luận 264), Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10-4-2015, của Ban Bí thư cùng các chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy về Cuộc vận động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Chú trọng rà soát, xây dựng các chính sách cụ thể, phù hợp với quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin truyền thông; tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động cần nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong việc thực hiện Cuộc vận động...    

Các cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động. Ảnh: N.H

Trong 10 năm qua, TP Cần Thơ đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và mở rộng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thường trực UBND thành phố thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp, thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng hàng tiêu dùng đáp ứng thị trường nội địa. Các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đều thực hiện ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm công. Nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp cũng ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng để thực hiện các dự án, công trình đầu tư, xây dựng... Công tác tuyên truyền từng bước đi vào chiều sâu, đúng định hướng, từ đó tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người tiêu dùng về chủ trương kích cầu của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn những hạn chế như: Công tác quán triệt và triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 264 từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp, nhân dân thành phố về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động chưa sâu sắc, đầy đủ. Công tác tuyên truyền, vận động, thông tin, truyền thông còn bất cập, đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều mô hình, chương trình hoạt động  trong việc khuyến khích, thúc đẩy người dân ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam chậm được nhân rộng. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt Nam. Một số doanh nghiệp chưa chủ động đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, hình thức, kiểu dáng một số sản phẩm, hàng hóa còn đơn điệu, chưa thu hút người tiêu dùng...

Khánh Nam

Chia sẻ bài viết