03/12/2010 - 10:43

Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm nghèo bền vững

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), những năm qua nhờ thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 -2010, các Chương trình giảm nghèo đã đạt được mục tiêu đề ra hàng năm. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi (Chương trình 135), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện nghèo) (Chương trình 30a) và các chương trình kinh tế, xã hội khác hướng vào mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh từ 22% (năm 2005) xuống còn 11,3% (năm 2009) và ước 9,45% (năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 2-3%; người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường...) và các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý...; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã từng bước phát huy hiện quả. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70-80%), tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao (7-10%); chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra một số mục tiêu để giảm nghèo bền vững trong thời gian tới như: Giảm 3/4 số hộ nghèo so với đầu kỳ kế hoạch, bình quân mỗi năm giảm khoảng 7,5% số hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống còn 4-5% (theo chuẩn nghèo 2011) vào năm 2020. Tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo lên 3,5 lần và thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo nhất tăng ít nhất 3 lần so với năm 2010. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ LĐ-TB&XH cần những giải pháp: Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, người nghèo; nghiên cứu các chính sách đặc thù cho địa bàn khó khăn nhất; xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015...

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết