15/05/2020 - 20:19

Tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em 

Ngày 15-5-2020, Đoàn Giám sát của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn. Đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp đoàn. 

Đồng chí Dương Tấn Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Trung ương Đoàn.

Hiện nay, TP Cần Thơ có 281.426 trẻ em, chiếm tỷ lệ 21,94% dân số; trẻ em dưới 6 tuổi là 105.696 trẻ. Sau khi Luật trẻ em năm 2016 có hiệu lực, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, UBND quận, huyện phối hợp triển khai thực hiện; đồng thời ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhiều nội dung được thực hiện đồng bộ, cụ thể thông qua lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Kết quả triển khai Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể như huy động 100% học sinh tiểu học ra lớp đúng độ tuổi, bảo đảm 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em được quan tâm thực hiện và lồng ghép các tiêu chí vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình thiết yếu liên quan đến đời sống trẻ em: trạm y tế, trường học, điểm vui chơi, công trình nước sạch...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Đoàn Giám sát, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, sự quan tâm, những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em 2016 nói riêng, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn nói chung. Đặc biệt là sự vào cuộc, gắn kết của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác phối hợp liên ngành cùng giải quyết những vấn đề trẻ em, huy động nguồn lực xã hội kịp thời chăm lo cho trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em… Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, phù hợp cho từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách riêng cho nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em; tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em…

Tin, ảnh: QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết