Đổi mới công nghệ đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự tăng trưởng và thành công của các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã hỗ trợ hàng tỉ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, sau khi được hỗ trợ, các DN này hoạt động ổn định, năng suất và lợi nhuận tăng. Về vấn đề này, bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết:
- Tháng 12-2013, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển DNNVV thành phố giai đoạn 2013-2017 do UBND TP Cần Thơ phê duyệt. Chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình bước đầu thành công và giúp DN có định hướng thay đổi công nghệ hiện tại của DN.
Qua 4 năm hoạt động, Chương trình đã xem xét và hỗ trợ kịp thời các hồ sơ đăng ký tham gia của DN. Cụ thể, đến tháng 9-2017, Chương trình đã tổ chức xét duyệt 19 dự án thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, dược phẩm, chế tạo máy ép gạch không nung, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, đo áp lực đường ống cấp nước với tổng kinh phí xét hỗ trợ là 4,46 tỉ đồng (kinh phí DN đầu tư 17 tỉ đồng). Trong tổng số 19 dự án xét hỗ trợ, có 13 dự án đã nghiệm thu và 6 dự án đang thực hiện.
Một số kết quả chương trình đã đạt được trong thời gian qua, như: ứng dụng công nghệ cảm biến hình ảnh tuyến tính có độ phân giải cao, điều chỉnh tự động; công nghệ cảm biến hình ảnh đa sắc, độ phân giải cao để tách màu gạo; ứng dụng công nghệ kiểm tra bước sóng đôi của máy dò kim loại vào dây chuyền chế biến gạo góp phần nâng giá bán gạo khoảng 2% và sản phẩm gạo làm ra đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khó tính, có khả năng cạnh tranh với gạo của nước ngoài; thiết kế chế tạo máy ép gạch không nung từ nguyên liệu xi măng, đá mi, cát và nước với công suất 10.000-12.000 viên gạch kích thước 80x80x180mm 8 giờ làm việc/ca, đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2011 về gạch bê-tông, không gây ô nhiễm môi trường; ứng dụng quy trình công nghệ ép gia nhiệt để sản xuất bún gạo, công suất 400kg bún/giờ, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, cung cấp cho thị trường sản phẩm bún sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm...

Doanh nghiệp tham quan công nghệ tiết kiệm năng lượng tại TP Cần Thơ.
* Bà đánh giá như thế nào về tình hình đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong thời gian qua?
- DNNVV và các hợp tác xã trên địa bàn chiếm trên 90% tổng số DN đăng ký thành lập của thành phố. Nhìn chung, các DN này có năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường vì quy mô nhỏ, thiết bị, trình độ công nghệ còn ở mức trung bình, thiếu vốn kinh doanh. Đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ và khó tiếp cận nguồn tín dụng. Bên cạnh đó, rất ít DN có bộ phận nghiên cứu phát triển do vậy việc cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị là rất hạn chế.
Một số DN chưa nhận thức, đánh giá đầy đủ tầm quan trọng trong việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thiết bị đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự tăng trưởng của DN. Tuy nhiên, một bộ phận DN có ý thức trong việc đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DNNVV đang trong thời kỳ khó khăn, cần tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt: thuế, vốn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó việc đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển trình độ sản xuất cũng như phát triển sản phẩm còn hạn chế.
* Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ ra sao để giúp các DNNVV đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thưa bà?
- UBND TP Cần Thơ vừa có Quyết định ban hành Chương trình Hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020. Chương trình tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển DNNVV và các hợp tác xã nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, thúc đẩy việc tăng cường hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình Hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020 được xây dựng dựa trên việc tiếp thu, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình giai đoạn 2013- 2017. Chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của DN bằng hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, thiết bị. Chương trình có mức hỗ trợ cao hơn, với thủ tục rõ ràng, dễ thực hiện đối với DN. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 14 tỉ đồng.
* Bà có thể cho biết rõ hơn thông tin về Chương trình Hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020?
- Chương trình hỗ trợ tối thiểu 24 DN trên địa bàn thành phố nghiên cứu ứng dụng và đổi mới/hoàn thiện công nghệ, thiết bị, nghiên cứu phát triển sản phẩm, nghiên cứu chế tạo thiết bị và công cụ sản xuất, thuê chuyên gia tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực. Tổ chức 4 hội thảo/hội thảo khoa học về quảng bá chương trình; tổng kết chương trình; hội thảo khoa học về đánh giá thực hiện chương trình; hội thảo khoa học cho khoảng 100 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý của các DN về nghiên cứu phát triển, quản trị công nghệ và cập nhật thông tin về công nghệ, thiết bị mới.
Hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm trong hội nhập quốc tế; triển khai các nghiên cứu ứng dụng, khai thác ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN cải tiến, nâng cao năng lực công nghệ để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Chương trình hỗ trợ 5 DN thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN, để đa dạng nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới/hoàn thiện công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tối thiểu 500 lượt DN được cung cấp các thông tin hỗ trợ từ Nhà nước, các thông tin về khoa học công nghệ cần thiết, phục vụ cho lĩnh vực quản lý, đổi mới công nghệ của DN.
* Xin cám ơn bà!
TUYẾT TRINH