Bài, ảnh: MỸ THANH
Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến xu thế, hành vi tiêu dùng của khách hàng. Lượng khách hàng chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến ngày càng nhiều. Từ đó, buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số điều chỉnh hoạt động kinh doanh, marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu để khẳng định vị thế, thích ứng với xu thế và bối cảnh mới.
Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa quảng bá sản phẩm trên trang web chính thức của công ty.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam chỉ đạt 5 tỉ USD, tăng 23% so với năm trước đó, thì đến năm 2018, con số này đạt mức 8,06 tỉ USD (tăng 30% so với năm 2017). Sang năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức chạm mốc 10 tỉ USD và đạt 11,8 tỉ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỉ USD vào năm 2021. Sang năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ nước ta tiếp tục tăng và đạt 16,4 tỉ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2021.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Truyền thông và Tiếp thị số cho rằng, tạo ra hệ sinh thái online lớn mạnh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng và việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn. Việc phối hợp chuẩn hóa dữ liệu offline sang online giúp doanh nghiệp giảm bớt nhiều công đoạn tiếp cận khách hàng mục tiêu. Bên cạnh đó, tiếp thị số còn mang đến nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí nguồn nhân lực, tối ưu hệ thống vận hành, đo lường hiệu quả chính xác, có thể phát triển đa quốc gia... Tuy nhiên, khi ứng dụng tiếp thị số doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn có thể kể đến như mất chi phí lớn nếu không hiểu rõ các nền tảng và công cụ hỗ trợ tiếp thị số; tốn nhiều thời gian mới mang lại hiệu quả; tính cạnh tranh trên các nền tảng lớn…
Theo nhận định từ các chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu và còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử, niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến tại còn thấp; vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn phổ biến; thiếu trải nghiệm, thiếu chuyên nghiệp trong chăm sóc khách hàng; sự gia tăng tội phạm, gian lận tài chính trong các giao dịch trực tuyến… Nếu các bất cập này được khắc phục, thương mại điện tử nói chung, kinh doanh trực tuyến nói riêng sẽ còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển.
Để phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp không thể không ứng dụng công nghệ số. Và thực tế cho thấy, chuyển đổi số hoạt động marketing và kinh doanh ở một số trường hợp đem lại kết quả ưu việt hơn các hình thức marketing và kinh doanh truyền thống. Bà Trần Thị Thùy Linh, Giám đốc Đào tạo và Chất lượng dịch vụ chuỗi TokyoLife, chia sẻ: “Thực tế ứng dụng các nền tảng số trong chăm sóc khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng tại chuỗi TokyoLife đã đem lại kết quả tích cực và hữu ích. Trong chuyển đổi số, data (dữ liệu) là máu; cởi mở, học hỏi và dám nghĩ dám làm là hệ thần kinh. Việc ứng dụng công nghệ số giúp chúng tôi có được data từ khách hàng: giới tính, thời điểm và tần suất mua sắm, phong cách thời trang, màu sắc yêu thích… Từ đó, chúng tôi sẽ có ưu đãi, cách chăm sóc phù hợp với nhu cầu, sở thích của từng đối tượng khách hàng. Mặt khác, chúng tôi cũng có thể nắm bắt được sự hài lòng/không hài lòng qua cách đánh giá sao. Nếu đánh giá sao quá thấp hay quá cao, chúng tôi đều chủ động liên hệ cho khách hàng để rút kinh nghiệm cũng như phát huy hơn nữa những điều làm khách hàng hài lòng”.
Nếu kinh doanh trực tiếp theo kiểu truyền thống, vấn đề xây dựng và định vị thương hiệu quan trọng thì kinh doanh trực tuyến, online càng đóng vai trò sống còn. Bởi khách hàng có niềm tin mới mua hàng và gắn bó lâu dài với thương hiệu, sản phẩm mình lựa chọn. Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing và Truyền thông, Đại học Ngoại thương (Hà Nội), doanh nghiệp luôn mong muốn xây dựng cho mình một chỗ đứng, một giá trị hình ảnh của doanh nghiệp/sản phẩm trong tư duy của khách hàng trên môi trường số. Đồng thời, tăng doanh số, lợi nhuận nhờ hình ảnh, giá trị sản phẩm; tăng khả năng cạnh tranh nhờ niềm tin của khách hàng với sản phẩm/doanh nghiệp. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải xây dựng và định vị được thương hiệu. Và việc định vị thương hiệu phải gắn với tiến trình STP (segmentation - phân khúc thị trường, target market - lựa chọn thị trường mục tiêu, positioning - định vị sản phẩm trên thị trường đó); đảm bảo tuân thủ yếu tố 3C gồm khách hàng (customer), đối thủ cạnh tranh (competitor), kênh tiếp cận đối tượng nhận tin mục tiêu (channel). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải làm mới và tái định vị thương hiệu của mình trong mắt khách hàng và đối tác; cạnh tranh tốt hơn trên thị trường; phù hợp với tầm nhìn và sức ảnh hưởng tới với khách hàng trong điều kiện mới.
Nhấn mạnh vai trò ứng dụng tiếp thị số để đẩy mạnh doanh số và mở rộng dữ liệu khách hàng, ông Nguyễn Thành Trung, đề xuất: Ở phần ứng dụng tiếp thị số để đẩy mạnh doanh số, các doanh nghiệp cần thu hút khách hàng thông qua câu chuyện sản phẩm; nâng cao giá trị nội dung truyền tải tới khách hàng; tối ưu nội dung/hình ảnh/video về sản phẩm/doanh nghiệp… Về ứng dụng tiếp thị số để mở rộng dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp cần tập trung tăng dữ liệu khách hàng thông qua xây dựng các kênh online, nâng cao nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp/sản phẩm trên kênh online…
Theo các chuyên gia, để hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, tiếp thị số thành công, yếu tố cốt lõi vẫn là người đứng đầu doanh nghiệp. Trong đó, người đứng đầu phải quyết tâm thay đổi, chấp nhận lối tư duy mới (tư duy dữ liệu, tư duy tự động hóa…) và chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ để thực hiện. Khi doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu khách hàng, sẵn sàng chuyển đổi thì việc ứng dụng nền tảng, công nghệ số mới phát huy tác dụng như kỳ vọng.