03/03/2017 - 20:40

Tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp

Thương mại toàn cầu, cơ hội và thách thức đan xen, buộc các doanh nghiệp (DN) phải đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh. Năm 2016, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng từ thay đổi trong điều hành kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. Năm 2017, DN tiếp tục kỳ vọng vào những thành tựu của năm 2016 để tăng tốc, hội nhập vào thị trường mua chung, bán chung.

Thay đổi tích cực

Đẩy mạnh phát triển sản xuất trên tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN… là những nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 13/NQ-CP (7-2-2017) về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2017. Theo dự báo của một số tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 ở mức 6,7%. Để đạt mức tăng trưởng này, đòi hỏi có sự kết hợp đồng bộ giữa chính sách vĩ mô với triển khai thực hiện tại các địa phương. Thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ DN được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là động lực lớn, tiếp thêm sức mạnh cho DN trong năm mới. Cùng đó, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước để sắp xếp lại DN nhà nước. Những chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng vô cùng cần thiết trong thời điểm này.

 Doanh nghiệp tham quan khu vực trưng bày máy CNC tại Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: MINH HUYỀN

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) nêu quan điểm: "Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 nêu rõ những giải pháp mà Chính phủ quyết định tiếp tục triển khai để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực kinh doanh của quốc gia. Những giải pháp này đều liên quan đến các vấn đề mà DN quan tâm như: rút ngắn thời gian các thủ tục nộp thuế, bảo hiểm, cấp phép xây dựng, thông quan hàng hóa... Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc thực hiện Chính phủ điện tử để tạo cơ hội cho người dân và DN tiếp cận với các thủ tục hành chính nhanh gọn. DN rất mong những giải pháp này sẽ thực hiện đồng bộ. Không như trước đây, đã từng có trường hợp từ quy định đến hiện thực còn một khoảng cách phải vượt qua. Đặc biệt là các cán bộ thừa hành sẽ thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tích cực hỗ trợ chứ không chỉ là nhiệm vụ bắt buộc phải làm".

Là một trong những thành viên của Tổ hỗ trợ DN TP Cần Thơ, theo bà Thuận, CBA đã chuyển tải các khiếu nại, khó khăn vướng mắc của DN đến các cơ quan chính quyền. Đồng thời cùng tham gia các chuyến đi trực tiếp của Tổ đến DN có khó khăn để tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề của DN nhằm kịp thời giải quyết. Trong 2 năm 2014-2015, có 30 hội viên của CBA đã được Tổ hỗ trợ DN đến tận công ty để tiếp cận trực tiếp vấn đề của DN và có hướng xử lý.

Theo phản ánh của nhiều DN, lãnh đạo thành phố và các sở, ban ngành chức năng đã có những thay đổi tích cực trong triển khai giải pháp hỗ trợ DN. Lãnh đạo một DN chế biến cá tra xuất khẩu trong khu công nghiệp Trà Nóc 2, cho rằng, sự nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập đã tác động mạnh mẽ đến môi trường phát triển, kinh doanh của DN. Các DN thủy sản còn phải đối mặt với chính sách chống bán phá giá của thị trường Mỹ, với các rào cản về thuế quan để bảo hộ hàng trong nước của thị trường châu Âu. Tự thân DN phải xử lý rất nhiều vấn đề để vượt qua khó khăn, đứng vững ở thị trường xuất khẩu. Do đó, sự hỗ trợ của ngành hải quan, thuế và sự quan tâm của lãnh đạo tiếp thêm sức mạnh cho DN.

Kỳ vọng thay đổi về chất

Sự cởi mở của chính quyền địa phương trong điều hành kinh tế, cùng những hỗ trợ thiết thực trong giải quyết các thủ tục hành chính, cấp C/O, kết nối thị trường… là cơ sở để DN chủ động sáng tạo, đổi mới để hội nhập. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cùng với các sở, ngành chức năng, quận huyện đã phối hợp thực hiện Chương trình Đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố giai đoạn 2013-2017. Qua 3 năm thực hiện, đến tháng 2-2017, chương trình đã xét duyệt cho 18 dự án, với tổng kinh phí hỗ trợ 4,1 tỉ đồng. Dự án năng suất chất lượng đã duyệt hồ sơ cho 39 DN xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (trong đó 10 DN đã hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận). Chương trình sở hữu trí tuệ đã duyệt 46 hồ sơ đăng ký xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ của DN. Đến nay, các chương trình và dự án đã xem xét và hỗ trợ cho 103 hồ sơ của DN đăng ký tham gia, với tổng kinh phí xét duyệt 4,5 tỉ đồng.

Tàu Container của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn qua kênh Quan Chánh Bố vào sông hậu và cập cảng Tân Cảng - Cái Cui để xếp dỡ hàng hóa. Ảnh: MINH HUYỀN

Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong đổi mới công nghệ, nhưng kết quả đổi mới còn kém xa tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ và không đủ tiềm lực tài chính, đáp ứng 70% kinh phí thực hiện dự án. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu cho biết: "DN chuyên sản xuất sơ mi- xy lanh bằng phương pháp đúc ly tâm và đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị hiện đại chuyên dùng- máy CNC. Nhưng 1 máy CNC mới gần 2 tỉ đồng, quá sức đối với DN. DN rất mong tiếp cận chính sách hỗ trợ từ thành phố. Tuy nhiên, Nhà nước có chương trình hỗ trợ nhưng tối đa chỉ 30% chi phí đổi mới công nghệ và tối đa không vượt quá 300 triệu đồng, chi phí DN phải bỏ ra quá lớn so với quy mô hoạt động". Theo ông Hồng, thị trường của DN ổn định, ngoài tiêu thụ tại ĐBSCL, một số tỉnh, thành cả nước, còn có đơn hàng xuất sang Campuchia. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng rất lớn, muốn tồn tại, phải đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản xuất và nâng chất lượng. Nếu trong năm 2017 này, DN không tìm ra phương án đổi mới công nghệ sẽ rất khó khăn.

DN vẫn kỳ vọng sự thay đổi về chất trong các hoạt động hỗ trợ DN. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, trong năm 2016, CBA tổ chức một số cuộc giao lưu kết nối cho hội viên và DN. Đặc biệt là phối hợp với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc, CBA đã tổ chức 5 hội nghị giao thương cho 128 DN Việt Nam và 80 DN Hàn Quốc. Kết quả, 1 hợp tác giữa DN Cần Thơ và DN Hàn Quốc đã thực hiện hợp đồng mua bán sản phẩm. Các hợp tác khác đang hứa hẹn sẽ thực hiện trong năm 2017. CBA sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng thương hiệu cho hội viên và DN qua các lớp đào tạo, tập huấn, đồng thời chú trọng hơn việc kết nối giữa DN trong nước với nhau để thúc đẩy hoạt động chuỗi cung ứng trong các ngành theo yêu cầu của DN. Vấn đề là DN hợp tác chặt chẽ và đồng hành với CBA.

Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, có rất nhiều thuận lợi để thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ DN thành phố kết nối thị trường trong năm 2017. Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản bắt đầu chú ý đến Cần Thơ trên những lĩnh vực hàng tiêu dùng, chế biến thủy hải sản; ĐBSCL cũng là thị trường lớn, tiềm năng để nhà đầu tư khai thác. Luồng Quan Chánh Bố bước đầu khơi thông, tàu 10.000 tấn có thể ra vào sông Hậu là điểm cộng thu hút đầu tư vào thành phố và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của DN vùng ĐBSCL. "Năm 2017, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp sẽ tốt hơn. Giá đất của các địa phương xung quanh Cần Thơ cũng bắt đầu nhích lên theo xu hướng thị trường. Lẽ đó, cạnh tranh về giá đất cho thuê của các khu công nghiệp Cần Thơ và các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận cũng dần thu hẹp. Quỹ đất sạch của thành phố cũng tăng hơn năm trước, các DN đầu tư hạ tầng đã bồi hoàn xong 46ha; trong đó đã san lấp 26ha. Đất sạch tăng là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Năm 2017 kế hoạch thu hút khoảng 100 triệu USD"- ông Hùng cho biết.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết