08/08/2021 - 11:14

Tiếp sức để doanh nghiệp vững vàng sản xuất kinh doanh 

Trong tháng 7-2021, dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Hàng loạt DN đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, đóng cửa để truy vết F0 và có DN không thể trụ lại được phải rời thị trường. Ðiều mà DN mong đợi nhất hiện nay là các chính sách hỗ trợ đến kịp thời, công nhân trong nhà máy được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn khi tái khởi động lại sau giãn cách xã hội.

DN khó giữ nhịp sản xuất

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7-2021, số DN thành lập mới, vốn đăng ký và số lao động đều giảm so với tháng 6-2021. Ðồng thời có 4.527 DN đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn; 3.932 DN ngừng hoạt động, chờ giải thể và 1.442 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có gần 40.300 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% và 28.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lĩnh vực giải thể nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, quảng cáo; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều địa phương nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, khuyến khích các DN đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ”, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19. Song, nhiều DN đuối sức với phương án “3 tại chỗ”, vì khó đảm đương nổi các việc vừa bố trí sản xuất, vừa cho công nhân ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà máy.

Như tại TP Cần Thơ, nhiều DN chấp nhận đóng cửa vì không đủ năng lực vừa bảo đảm an toàn sản xuất kinh doanh, vừa phòng dịch. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu có nhiều nguy cơ đứt gãy và năng lực nội tại của DN còn hạn chế, nên DN khó giữ nhịp sản xuất. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, nói: “Công ty đã ngừng hoạt động từ ngày 15-7-2021 đến nay, do không đảm bảo điều kiện phòng dịch theo “3 tại chỗ”. Công ty có đến 1.200 công nhân, nếu tính đợt tiêm vaccine mà công ty được thông báo thì đến ngày 10-8 này, mới có khoảng 645 công nhân được tiêm mũi 1. Chỉ có tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân thì công ty mới an tâm mở cửa hoạt động”. Theo ông Gia, là đơn vị gia công sản phẩm may mặc cho DN nước ngoài, trong tình hình dịch kéo dài, việc ngừng hoạt động quá lâu, công ty sẽ gặp khó khăn về đơn hàng, lương công nhân…

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho biết: Có một số DN thực hiện “3 tại chỗ”, một số đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện vì nhà xưởng quá hẹp, chỉ vừa đủ chỗ sản xuất, không đủ diện tích vừa là nơi ăn ngủ và điều kiện vệ sinh cho công nhân. Thực tế có DN thực hiện vài ngày hoặc một tuần, nhưng sau đó bỏ cuộc vì số lượng công nhân đăng ký ở lại không đủ để sản xuất, số công nhân ở lại nhà máy lại xin về; chi phí để nuôi công nhân tăng lên nên xét thấy không hiệu quả. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, trong tình huống này, chính quyền cũng khó mà hỗ trợ cho DN vì điều kiện tổ chức “3 tại chỗ” hoàn toàn thuộc về DN. Có chăng là có thể hỗ trợ phí xét nghiệm nhanh để sàng lọc liên tục (3 ngày) đối tượng đang ở lại công ty.

Công ty CP May Meko (khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) đang tạm đóng cửa vì chưa đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. 

Hỗ trợ DN để đảm bảo “mục tiêu kép”

Ðể đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” thì cần hỗ trợ nhanh trong giai đoạn khó khăn này cho DN. Theo ông Trần Chí Gia, công ty đang rất cần chính quyền thành phố hỗ trợ trong mở rộng xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR để khi hết thời gian giãn cách xã hội, công ty có thể vận hành sớm trở lại. Nếu chi phí xét nghiệm do DN chi trả thì cũng cần hướng dẫn cụ thể để DN chuẩn bị. “Mong muốn lớn nhất của DN bây giờ là sớm phủ vaccine 100% 2 mũi cho người lao động” - ông Gia nói.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Chính phủ đã và đang triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị định 52 ngày 14-4-2021 gia hạn thời gian nộp các loại thuế và tiền thuê đất; và Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 hỗ trợ cho người lao động mất việc làm trong thời gian dịch bệnh cũng quy định cụ thể về đối tượng và số tiền hỗ trợ. Tuy nhiên còn một vấn đề chưa được nhà nước có chính sách hỗ trợ, đó là tiền vay và lãi suất ngân hàng. Hầu như DN nào cũng vay ngân hàng và phát sinh lãi suất dù cả trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Nhiều DN đóng cửa, không có doanh thu mà vẫn phải đóng lãi ngân hàng. Nếu không thực hiện đúng quy định và thời gian trả nợ gốc và lãi, DN sẽ bị hạ mức tín nhiệm và liệt vào nhóm nợ xấu. Vấn đề này đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kịp thời quan tâm hỗ trợ gấp cho DN. “Cũng khó nói trước khi nào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mới có thể trở lại bình thường. Trong tình hình chi mà không thu, không biết các DN còn đủ sức chịu đựng đến lúc nào” - bà Thuận nêu băn khoăn.

Có thể nói, chưa bao giờ DN rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Nhiều DN cho biết, trong điều kiện dịch bệnh việc đứt gãy chuỗi sản xuất sẽ làm DN mất luôn thị trường. Khó khăn khác nữa là DN đang vướng về xếp hạng tín dụng ngân hàng, đây là quy định, cả ngân hàng và DN đều khó trong tình huống này. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, trên tinh thần đồng hành cùng người dân, DN vượt qua khó khăn và trách nhiệm xã hội, chi nhánh vừa có công văn gửi giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Cụ thể, chi nhánh yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo Thông tư 01 của NHNN; giảm lãi suất với dư nợ cho vay hiện hữu, đẩy mạnh cho vay mới để hỗ trợ người dân và DN.

Ông Trần Quốc Hà cho biết thêm, các tổ chức tín dụng đã đồng hành thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện cắt giảm chi phí, lợi nhuận tập trung cho việc giảm lãi suất cho vay và cho vay mới hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 7-2021 đạt 54.000 tỉ đồng cho hơn 8.900 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay là 960 tỉ đồng cho hơn 700 khách hàng bị thiệt hại. Các tổ chức tín dụng cũng đang nỗ lực để đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết