23/09/2022 - 09:11

Tiếp sức để doanh nghiệp, doanh nhân nữ phát triển, khẳng định vị thế 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), Việt Nam hiện có hơn 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm hơn 24%. Ðây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nhân nữ gặp nhiều cản ngại từ định kiến xã hội; trách nhiệm đối với gia đình; chưa có nhiều chính sách đặc thù, riêng biệt cho doanh nghiệp do nữ làm chủ… Ðây thực trạng chung của cả nước, trong đó có TP Cần Thơ. Những điểm nghẽn cần được các bên có liên quan chung tay tháo gỡ để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nữ vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngày càng lớn mạnh.

Hội Nữ doanh nhân TP Cần Thơ, tiền thân là Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố được thành lập vào tháng 5-2022 là nơi để các doanh nhân nữ liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Nhiều khó khăn

Tại hội thảo Tham vấn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ tại TP Cần Thơ vừa diễn ra, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, nhấn mạnh: Nhận thấy tầm quan trọng của các doanh nhân nữ, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ như: Quyết định số 939/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"; Luật hỗ trợ DNNVV ban hành năm 2017; Nghị định 80/2021/NÐ-CP (năm 2021) của Chính phủ hướng dẫn Luật hỗ trợ DNNVV đã có những chính sách cụ thể, rõ ràng mức ưu tiên hỗ trợ cho doanh nhân nữ... Tuy nhiên, các vấn đề tiếp cận các chính sách, hỗ trợ còn hạn chế do vướng thủ tục, thiếu thông tin…

Theo ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, hiện thành phố có khoảng 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, các DNNVV do nữ làm chủ chiếm khoảng 26% tổng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Ðiều này cho thấy, lực lượng doanh nhân nữ đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, do định kiến và quan niệm xã hội, phụ nữ tham gia điều hành doanh nghiệp gặp một số khó khăn nhất định so với nam giới.

"Nhiều người cho rằng sự hiểu biết về kinh doanh của phụ nữ hạn chế hơn so với nam giới nên doanh nhân nữ cần được hỗ trợ và tư vấn nhiều hơn. Ðiều này làm việc thu hút cũng như hỗ trợ doanh nhân nữ phức tạp và tốn kém hơn. Trên thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ hiện nay chưa có nhiều sự quan tâm, chưa có những hỗ trợ riêng biệt cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Mặt khác, tâm lý doanh nhân nữ thường ngại rủi ro; vướng bận gia đình, con cái làm ảnh hưởng đến hoạt động điều hành kinh doanh…" - Ông Trần Phú Lộc Thành phân tích.

Chung tay hỗ trợ

Từ những bất cập nói trên, tại hội thảo, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tập trung trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với kết quả nghiên cứu về việc triển khai thực hiện các văn bản hành chính và chính sách hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ tại TP Cần Thơ và đề xuất, khuyến nghị; thực hiện khảo sát ưu tiên trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ của TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2025; giới thiệu gói hỗ trợ giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ khi vay vốn từ các ngân hàng tham gia dự án… Bà Chu Hồng Minh, Cán bộ Tài chính cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cơ quan thường trú tại Việt Nam, cho biết: ADB đang triển khai Dự án Hỗ trợ giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cho DNNVV do phụ nữ làm chủ. Thời gian thực hiện từ tháng 4-2021 đến tháng 6-2023, với tổng kinh phí 5 triệu USD. Theo đó, dự án có hỗ trợ tài chính và đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực kinh doanh doanh nghiệp. Ðối với tái cơ cấu khoản vay hiện có, các ngân hàng tham gia dự án (TP Bank, SHB, BIDV…) thực hiện hoãn trả nợ gốc cho doanh nghiệp. Ðồng thời, ADB thay mặt doanh nghiệp thanh toán lãi vay với giá trị lên đến 10.000USD hoặc 6 tháng lãi (tùy thuộc vào mức nào thấp hơn). Ðối với khoản vay mới, ngân hàng tham gia dự án cấp khoản vay cho doanh nghiệp là khách hàng mới của ngân hàng. Ngoài ra, dự án ADB hỗ trợ thanh toán khoản phí cam kết với giá trị lên đến 10.000USD hoặc đến 8% số tiền vay được phê duyệt theo kỳ hạn khoản vay (tùy thuộc vào mức nào thấp hơn).

Theo ông Trần Phú Lộc Thành, việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển không chỉ là chủ trương mà được thành phố cụ thể hóa bằng các chính sách, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV. Gần đây nhất, vào tháng 12-2021, TP Cần Thơ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU của Thành ủy Cần Thơ về hỗ trợ DNNVV, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ giai đoạn 2021-2030. Ðối với DNNVV, trong đó có các doanh nghiệp do nữ làm chủ, sẽ được hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới; tham gia chuyển đổi số; các vấn đề về pháp lý; tiếp cận vốn…

Bà Trịnh Thị Hương khẳng định: "Trao quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ vừa thúc đẩy bình đẳng giới vừa là động lực cho sự phát triển bền vững doanh nghiệp và nền kinh tế, phát huy được tính sáng tạo, thế mạnh cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cục Phát triển doanh nghiệp đã và đang có những tham vấn để Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp các đầu mối cơ quan địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp nữ phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy cải cách bình đẳng giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương do ADB tài trợ, chúng tôi cũng đã có một số hoạt động cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt làm thế nào để các chính sách đến được với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng".

Chia sẻ bài viết