28/03/2008 - 23:35

Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, chủ đầu tư dự án Làng ĐH quốc tế Cần Thơ: Xây dựng làng Đại học Quốc tế Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong buổi làm việc mới đây với Ban Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (gọi tắt là Công ty Hoàng Quân) và đại diện đối tác Hoa Kỳ, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đã thống nhất chủ trương thành lập Làng Đại học Quốc tế (ĐHQT) Cần Thơ. Dự án này được triển khai ra sao và bao lâu nữa người dân ĐBSCL có thể học tập tại Việt Nam nhưng vẫn thụ hưởng được chương trình đào tạo quốc tế? Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân, Chủ đầu tư công trình Làng ĐHQT Cần Thơ, cho biết:

 

- Theo Văn bản số 676/UBND-QH của UBND TP Cần Thơ ban hành ngày 24-1-2008 thì Làng ĐHQT Cần Thơ sẽ được xây dựng tại phường Ba Láng (quận Cái Răng) và xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) trên diện tích 320 ha, do liên doanh nhà đầu tư V-Home Group (Tập đoàn Giáo dục và bất động sản, Hoa Kỳ)- Công ty Hoàng Quân - Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An làm chủ đầu tư xây dựng.

Làng ĐHQT Cần Thơ được xây dựng theo mô hình đa năng, với thiết kế hiện đại, dựa trên mô hình quản lý của các trường đại học Quốc tế Hoa Kỳ, Anh Quốc... kết hợp với nền tảng truyền thống giáo dục Việt Nam. Mục tiêu chung là xây dựng khu ĐHQT - đô thị - trung tâm thương mại - bệnh viện hiện đại, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực, nhà ở, khám chữa bệnh và giải trí của nhân dân tại địa phương và vùng ĐBSCL. Trong đó, trường đại học được xây dựng theo tiêu chuẩn Quốc tế, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với xây dựng khu đô thị khang trang, hiện đại, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho dân cư thành phố...

* Ông có thể phác họa cụ thể hơn về diện mạo của Làng ĐHQT Cần Thơ khi xây dựng xong?

- Làng ĐHQT Cần Thơ sẽ được xây dựng như là một quần thể kiến trúc, được phân chia thành 2 khu chức năng “động” và “tĩnh”. Khu chức năng “động” khoảng 82 ha (khu đại học), bao gồm: khu giảng đường, cơ sở nghiên cứu khoa học, khoa chuyên ngành, khu hành chính điều hành... là một quần thể kiến trúc trung tâm kết hợp quảng trường ngoài trời có sức chứa hàng chục ngàn sinh viên. Các khu chức năng tạo thành tổ hợp với các hình khối hiện đại tạo sự liên hoàn chặt chẽ, phòng học, giảng đường kết hợp song song với các trường đại học, trong đó có các trường trung học quốc tế. Khu ký túc xá sinh viên bao gồm nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt... toàn khu được hiện đại hóa, khép kín. Phụ huynh có thể nắm được việc học hành, sinh hoạt của con em đang học tại đây. Ngoài ra, còn có khu công viên, vui chơi giải trí... đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giải trí của sinh viên.

Khu chức năng “tĩnh”, có diện tích khoảng 20 ha. Trong đó, khu thư viện tổng hợp được trang bị nhiều đầu sách, đủ đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu của sinh viên, cán bộ giảng viên. Khu thư viện tổng hợp kết hợp với các khu rừng thực nghiệm, phục vụ khoa học vừa khai thác sinh thái bền vững trên cơ sở tự cung cấp thực phẩm sạch thông qua các khu nuôi trồng nông nghiệp. Khu dân cư, khu bệnh viện quốc tế... cũng được xây dựng trong khu vực này. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ khác, như: trạm bơm, trạm biến thế, xưởng sửa chữa, kho tàng, khu cây xanh và các khu chuyên ngành tập trung khác...

Trong Làng ĐHQT Cần Thơ còn có khu vực kết hợp khu chức năng “tĩnh” và “động”, với khoảng 141 ha. Đây là khu vực xen cài các khu nhà ở cho dân cư đô thị dành cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và các dịch vụ kinh doanh khác kèm theo...

* Như ông nói, làng đại học sẽ có sự tham gia của nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Vậy về qui mô, ngành nghề, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên có gì “đặc biệt” hơn so với các cơ sở đào tạo trong nước?

- Xây dựng Làng ĐHQT Cần Thơ, ngay trong tên gọi đã có sự tham gia của yếu tố nước ngoài. Làng ĐHQT Cần Thơ sẽ có sự tham gia hoạt động của nhiều trường đại học quốc tế, như: Mỹ, khối ASEAN, Úc , Canada, Trung Quốc... trong đó, các trường đại học của Mỹ là chủ yếu. Ở mỗi trường sẽ có thế mạnh về một vài lĩnh vực đào tạo, như: Nông nghiệp, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Y Dược... Do đó, Làng ĐHQT Cần Thơ đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực, có qui mô đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL, ước khoảng 30 ngàn sinh viên. 5 năm đầu (giai đoạn I), Làng ĐHQT Cần Thơ sẽ thu hút sinh viên các trường ở khối ASEAN (Lào, Campuchia...). Giai đoạn 2 là chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam với sinh viên các trường đại học tiên tiến ở Mỹ, châu Âu, khối Asean... Chúng tôi phấn đấu có ít nhất một trường trong số các trường thuộc Làng ĐHQT Cần Thơ được Chính phủ Mỹ tài trợ.

Ngay từ đầu đã nói, Làng ĐHQT Cần Thơ là một đô thị đại học được thiết kế hiện đại dựa trên mô hình quản lý các trường đại học quốc tế Hoa Kỳ, Anh Quốc... kết hợp với nền tảng truyền thống giáo dục Việt Nam. Sinh viên sẽ được thụ hưởng chương trình đào tạo của Hoa Kỳ. Trong đào tạo, chúng tôi lấy sinh viên làm trung tâm, trang bị kiến thức thực tế để sinh viên ra trường có thể tiếp cận ngay với việc làm. Còn về cán bộ giảng dạy, chúng tôi sẽ có 3 nguồn giảng viên. Thứ nhất là nguồn giáo sư, phó giáo sư ở một số trường đại học quốc tế Mỹ giảng dạy (căn bản). Thứ hai là các giảng viên cơ hữu ở một số trường các nơi khác (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...), và các trợ giảng là những sinh viên học tiến sĩ ở nước ngoài. Thứ 3 là ký kết hợp đồng với các giáo sư, phó giáo sư ở Cần Thơ, khu vực ĐBSCL. Từ đó, sinh viên ra trường sẽ nhận được bằng cấp có chất lượng giáo dục ngang tầm với các nước trong khu vực... Bằng cấp đạt chuẩn do Hiệp hội các trường đại học ở Mỹ công nhận.

* Thưa ông, đến thời điểm này, các nhà đầu tư đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về vốn, quỹ đất) như thế nào cho dự án này?

- Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng Làng ĐHQT Cần Thơ khoảng 12.862 tỉ đồng. Trước mắt, đầu tư khoảng 300 tỉ đồng cho giai đoạn đầu, thông qua nguồn vốn của doanh nghiệp, Ngân hàng cho vay ưu đãi, chi phí từ quỹ giáo dục Hoa Kỳ và các Trường ĐHQT khác tài trợ, cộng với huy động từ nguồn quỹ giáo dục trong và ngoài nước... Công ty dự kiến thành lập công ty liên doanh có yếu tố nước ngoài để huy động nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất vẫn là quỹ đất, bởi chủ đầu tư đã có kinh phí, nhân lực, chương trình đào tạo và có thuận lợi trong quan hệ với quốc tế nhưng không có đất xây dựng thì cũng bằng không. Vì thế, để công trình Làng ĐHQT Cần Thơ sớm hình thành, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Công ty không thể đến thương lượng với từng hộ dân để bồi hoàn giải phóng mặt bằng mà cần phải có sự hỗ trợ của địa phương, đồng thời vấn đề quan trọng là cần có cơ chế phù hợp với người dân, phù hợp với chính sách của Việt Nam.

* Nếu như kế hoạch trên tiến triển thuận lợi, thì bao lâu nữa Làng ĐHQT Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động, thưa ông?

- Dự kiến thời gian thực hiện là 5 năm. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2008, chúng tôi sẽ chuẩn bị các thủ tục đầu tư, liên hệ thường xuyên với các sở, ngành liên quan để xúc tiến thực hiện dự án; khảo sát địa chất, thiết kế qui hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu tiến độ thực hiện thuận lợi, đến năm 2009, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng, san lấp mặt bằng. Những năm kế tiếp, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng khu đại học, cơ sở hạ tầng toàn phần để đến năm 2012 đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

* Xin cảm ơn ông!

BÍCH NGỌC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết